Các đợt nóng này đã được quan sát trong 3 ngày liên tục từ 23-26/1 và thu được kết quả nhiệt độ cao nhất là 9,2 độ C và mức thấp nhất là trên 0 độ C.
Dù là châu lục lạnh nhất thế giới nhưng Nam Cực cũng không thể tránh khỏi tình trạng ấm lên toàn cầu khi giới khoa học lần đầu tiên phát hiện mức nhiệt cao kỷ lục tại đây trong giai đoạn mùa hè 2019-2020.
Nhà sinh học tại Đại học Wollongong, TS. Sharon Robinson, cho biết trong 31 năm quan trắc nhiệt độ tại Casey, mức nhiệt kỷ lục nói trên chênh tới 6,9 độ C so với nền nhiệt trung bình đo được ở trạm quan trắc này. Bên cạnh đó, nhiệt độ tối thiểu cũng cao hơn 0,2 độ C so với mức nhiệt tối thiểu trung bình.
Các nhà khoa học đánh giá các đợt nóng bất thường tại Nam Cực có thể tạo tác động 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực đối với hệ sinh thái nơi đây.
Nhà sinh học châu Nam Cực ứng dụng thuộc Tổ chức nghiên cứu châu Nam Cực của Australia, TS. Dana Bergstrom, nêu rõ hầu hết sự sống tồn tại trên các ốc đảo nhỏ không bị đóng băng tại Nam Cực và phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung nước từ băng đá tan chảy.
Hiện tượng lũ lụt do băng tan có thể cung cấp thêm nước cho các hệ sinh thái hoang mạc này, từ đó làm gia tăng khả năng sinh sôi rêu, địa y, vi trùng và các loài sinh vật không xương sống. Tuy nhiên, hiện tượng lũ lụt quá mức có thể cuốn trôi cây trồng và làm biến đổi kết cấu các cộng đồng của các loài sinh vật không xương sống cũng như các thảm vi sinh vật.
Nhiệt độ cao bất thường tại Nam Cực được cho là có liên quan tới các hình thái khí tượng học xuất hiện tại phía Nam bán cầu trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2019.
Theo nhà khoa học Andrew Klekociuk thuộc Tổ chức nghiên cứu châu Nam Cực của Australia, những hình thái khí tượng học nói trên một phần chịu tác động từ tình trạng thủng tầng ozone vào cuối năm ngoái, do nền nhiệt tại tầng bình lưu ấm lên nhanh chóng.
TS. Klekociuk cho biết việc các quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực hợp tác nhằm sửa chữa lại và thậm chí "vá" lỗ thủng tầng ozone sẽ có thể giúp giảm bớt những biến đổi trong hệ thống khí hậu theo vùng.
BT