Theo cơ quan trên, nhiệt độ đo được tại trạm nghiên cứu Esperanza lên tới 18,3 độ C vào thời điểm giữa trưa, mức nhiệt cao nhất kể từ năm 1961. Kỷ lục trước đó tại khu vực này là 17,5 độ C vào ngày 24/3/2015.
Argentina đã duy trì sự hiện diện tại Nam Cực suốt 114 năm qua và đã đặt một số trạm nghiên cứu khoa học tại đây. Argentina cũng là một trong những nước tham gia ký Hiệp ước Nam Cực có hiệu lực từ tháng 6/1961, theo đó cấm mọi hoạt động quân sự hóa ở châu lục này.
Tốc độ tan băng nhanh gấp 6 lần trong 40 năm
Trước đó, vào ngày 14/1, các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn từ năm 1979-1990, tốc độ băng tan tại đây là 40 tỷ tấn/năm. Nhưng trong giai đoạn từ năm 2009-2017, tốc độ tan băng đã tăng gấp 6 lần, lên tới 252 tỷ tấn/năm.
Theo biên bản được đăng trên tập san của Viện Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), băng tan tại Nam cực đã làm mực nước biển toàn cầu dâng thêm gần 1,4 cm từ năm 1979-2017. Trong thế kỷ trước, nước biển toàn cầu đã dâng 20 cm, đe dọa các khu vực ven biển từ Bangladesh tới Florida (Mỹ) và các thành phố từ London (Anh) đến Thượng Hải (Trung Quốc). Các nhà khoa học dự báo, trong trường hợp xấu nhất, đến năm 2100, nước biển sẽ dâng thêm 1,8 m, nhấn chìm nhà cửa của hàng triệu người sinh sống tại các thành phố ven biển.
Điều đáng lo ngại là theo nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phát hiện phần băng tại Đông Nam Cực, khu vực được cho là "ổn định và khó thay đổi", đang tan rất nhiều. Nghiên cứu của PNAS cho thấy trong giai đoạn từ năm 1992-2017, đã có 57 tỷ tấn băng tan tại khu vực này, nhưng chỉ có 5 tỷ tấn băng hồi phục được nhờ tuyết rơi.
BT