Nam Định: Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Chầu văn của người Việt

Tỉnh Nam Định là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Nghi lễ Chầu văn còn được gọi là Hát văn - hầu đồng, Hát văn - hầu Thánh, Ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. Nét độc đáo trong thực hành Nghi lễ Chầu văn là sự tích hợp các hình thức văn hoá dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát văn, múa… kết hợp yếu tố tâm linh trong không gian đền, điện, phủ, miếu.


Thực hành nghi lễ Chầu văn tại Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) trong buổi giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể với các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.


Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 287 di tích liên quan thực hành Nghi lễ Chầu văn. Các phủ, miếu thường gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, còn đền, điện thường gắn với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Trong các di tích thờ Mẫu có Nghi lễ Chầu văn, tiêu biểu nhất là quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Quần thể gồm 20 di tích, trong đó có 14 di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, tiêu biểu là các di tích như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Nguyệt Du Cung, Đền Trình, Đền Công Đồng... Nghi lễ Chầu văn không chỉ diễn ra tại các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn ở cả các di tích liên quan đến thờ Đức Thánh Trần. Theo số liệu kiểm kê của Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, trên địa bàn tỉnh có gần 200 di tích thờ Trần Hưng Đạo ở khắp 10 huyện, thành phố. Một số di tích thờ Đức Thánh Trần diễn ra Nghi lễ Chầu văn tiêu biểu như: Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); Đền Cố Trạch, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định)... Trong quá trình thực hành Nghi lễ Chầu văn có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đối tượng: thanh đồng (hầu thánh); cung văn (người hát các bài văn), nhạc công (người chơi nhạc phối hợp cùng các điệu múa của thanh đồng và lời của người hát văn), người hầu dâng (người giúp việc cho thanh đồng trong quá trình hầu thánh: rót rượu, đổi xiêm y, đạo cụ…) và các con nhang đệ tử. Bởi vậy, Nghi lễ Chầu văn là sự kết hợp giữa thể loại âm nhạc (hát văn) và một hình thức tín ngưỡng dân gian (hầu Thánh), được quy định chặt chẽ từ làn điệu, lời văn, động tác múa, trang phục, đạo cụ... thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Mối quan hệ đó đã đưa Nghi lễ Chầu văn trở thành sinh hoạt nghệ thuật tổng hợp, trong đó yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, có sức hấp dẫn đối với những người từng tham gia một vấn đồng.

Trong cơ chế kinh tế thị trường, những đặc trưng giá trị của nghệ thuật hát Văn đang đứng trước nguy cơ mai một và biến tướng. Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng và sự chung tay của cộng đồng, tỉnh ta vẫn duy trì nhiều câu lạc bộ, tổ, đội hát văn ở các địa phương, tiêu biểu như: Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Nam Định (trực thuộc câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam), câu lạc bộ Hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), câu lạc bộ Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (thị trấn Mỹ Lộc), câu lạc bộ Thơ ca huyện Hải Hậu... Ngoài ra Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định, Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu chọn lọc các yếu tố có giá trị nghệ thuật trong nghi thức tín ngưỡng này, dàn dựng “sân khấu hóa” các giá đồng biểu diễn phục vụ khán giả. Đặc biệt, với việc UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nghệ thuật hầu đồng - hát văn được tiếp thêm sức sống để lưu giữ trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ở xã Kim Thái, hàng năm vào ngày mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát Chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Với quy chế và công tác tổ chức chặt chẽ, Hội thi với các cung văn dự thi hát các bài hát văn cổ, trang phục phù hợp… thể hiện những vẻ đẹp, giá trị đích thực của nghệ thuật Chầu văn, góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ hầu đồng đến gần hơn với cộng đồng. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 500 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ Chầu văn” gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công. Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) sinh ra trong gia đình truyền thống hầu đồng; mẹ bà là cụ Trần Thị Duyên, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trải qua 45 năm hầu đồng, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ luôn tâm niệm phải lưu giữ lối cổ trong nghi thức hầu đồng và không để biến tướng việc thực hành nghi lễ này. Bởi vậy, bà luôn chuẩn bị trang phục theo lối cổ phục vụ các thanh đồng về phủ hầu; không ngần ngại góp ý, chỉnh sửa khi các cung văn hát sai.

Để gìn giữ vẻ đẹp các nghi lễ gắn với nguyên gốc tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng tỉnh chủ trương xã hội hóa các hoạt động liên quan đến sưu tầm, thu thập và triển lãm các nguồn tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ để thực hành nghi lễ Chầu văn ở Phủ Dầy (Vụ Bản) và Phủ Nấp (Ý Yên). Nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh, đồng thời xây dựng Đề án thực hiện với các nội dung: tổ chức biểu diễn các di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức các tuyến điểm tham quan hệ thống bảo tàng và di tích tiêu biểu trong tỉnh; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề… Trong đó đặc biệt quan tâm quảng bá nét đẹp của Nghi lễ Chầu văn và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tới học sinh. Ngoài các hoạt động tại chỗ, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn thành phố Nam Định tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tìm hiểu về nghi lễ Chầu văn như: cho các em tham quan quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định)... Qua đó, các em được tìm hiểu về giá trị kiến trúc đặc sắc của các di tích, được giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Sau khi tham quan, các trường học đều yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch tổng kết cảm nhận và những kiến thức thu được trong chuyến đi.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay, Nghi lễ Chầu văn vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá, năm 2012, Nghi lễ Chầu văn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ Chầu văn còn là một trong những thành tố quan trọng đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.