Như nhiều vùng quê khác trong tỉnh, tục thờ Thành hoàng làng ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) từ lâu đã mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Những người được suy tôn là Thành hoàng làng thường là các thánh, thần theo truyền thuyết hay các vị thủy tổ, danh tướng, danh nhân văn hóa có công khai khẩn đất đai, mở rộng bờ cõi, đánh giặc, giữ nước, truyền nghề, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng mà còn thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thông qua các hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình làng Nhân Hậu, xã Nghĩa Thái.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện có 13 di tích thờ, phối thờ Thành hoàng làng. Trong đó, nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng; tiêu biểu như: Đền - Chùa Đắc Thắng Thượng (xã Nghĩa Minh); Từ đường họ Nguyễn, Đền - Chùa Hạ Kỳ (xã Nghĩa Thịnh); Đền - Chùa Trang Túc (xã Nghĩa Đồng); Đình Nhân Hậu (xã Nghĩa Thái); Đền Phúc Điền, Đền thờ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành); Đền thờ Phạm Văn Nghị, Từ đường họ Phạm (xã Nghĩa Lâm)…
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền - Chùa Đắc Thắng Thượng (xã Nghĩa Minh) thờ Thành hoàng, Bố Lộ Đại vương Nguyễn Tôn Vĩ, quê ở trấn Nghệ An (nay là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Theo bản thần tích “Đức Tôn thần” hiện còn lưu giữ tại di tích thì Nguyễn Tôn Vĩ là người có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Năm 1428, sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Tôn Vĩ được phong là Khai quốc công thần, giữ chức Tả Thị lang, đồng thời làm Chánh sứ của đoàn sứ giả vào Chiêm Thành để giao bang. Nguyễn Tôn Vĩ bị tử trận sau khi từ Chiêm Thành trở về nước do bị các loạn đảng trong nước do Lý Bình và Vương Khánh cầm đầu giết, cướp đi toàn bộ lễ vật của vua Chiêm Thành dâng cho nước ta. Lúc này, Vua Lê Thái Tổ sai Đại tướng quân Lê Thái đi chiêu quân tại các xã, ấp thuộc vùng ven biển để dẹp loạn, trong đó có xã Chiêu Thắng (nay là thôn Đắc Thắng Thượng và Đắc Thắng Hạ, xã Nghĩa Minh). Trước mỗi trận chiến, Nguyễn Tôn Vĩ đều hiển linh, báo mộng cho Lê Thái, giúp quân triều đình dẹp yên loạn đảng. Các tráng binh xã Chiêu Thắng sau khi thắng trận trở về đã suy tôn Nguyễn Tôn Vĩ làm Thành hoàng làng, rước chân nhang của ông ở trấn Nghệ An về quê hương, lập đền thờ phụng. Năm Thuận Thiên 4 (1431), Vua Lê đã truy phong Nguyễn Tôn Vĩ làm “Phúc thần - Linh hiển”. Đền Đắc Thắng Thượng trước kia có 4 cung: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đền ngày nay có kết cấu gồm 3 tòa chính: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường ngày nay là cung đệ tam cũ, mặt tiền dài 13m, sâu 4,4m, chia làm 3 gian 2 chái, có cửa thông thoáng, hoa văn chữ “Thọ”. Nối liền tiền đường là trung đường rộng 4,7m, dài 6,3m, chia làm 3 gian, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói nam. Hậu cung cao 4,5m, được ngăn cách với trung đường bởi 3 cửa xây cuốn hình bán nguyệt, trần xây cuốn gạch, 2 tầng 4 mái. Chính giữa hậu cung là sập thờ, nơi đặt ngai, bát hương và bài vị Thành hoàng làng Nguyễn Tôn Vĩ. Chùa Đắc Thắng Thượng (Đoài Khánh tự) kiến trúc hình chữ “Đinh”, mặt quay hướng Nam. Tiền đường chùa được tu sửa năm 1930. Trên các vì kèo, ván mê, cột trụ có chạm khắc các họa tiết tứ linh, hoa lá... Tam bảo chùa được tu sửa vào các năm 1814, 1855. Các mảng chạm phía đông, tây theo các đề tài: “rồng ngậm ngọc”, “lưỡng long chầu nhật”, “long ly tranh châu” mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa nghệ thuật kiến trúc cổ, tại di tích Đền - Chùa Đắc Thắng Thượng còn lưu giữ được nguyên vẹn 8 đạo sắc phong từ thời Vua Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Vua Khải Định 9 (1924).
Đền - Chùa Trang Túc (xã Nghĩa Đồng) là di tích được UBND tỉnh xếp hạng năm 2009. Đền thờ Thần làng Đại La Đại vương, duệ hiệu Đại La tôn thần. Truyền thuyết dân gian và gia phả các dòng họ: Vũ, Trần, Khương, Nguyễn, Phạm… tại thôn Trang Túc có lưu: Vào thời Tiền Lê (980-1009), trong quá trình khai hoang, lập nghiệp, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ thần làng ở bờ sông Đào, giáp ngã ba Độc Bộ. Việc thờ tự thần làng của người dân có ý nghĩa cầu mong sự bảo trợ, phù giúp của thần ngay từ buổi đầu về quê hương mở đất, lập làng. Đến thời Nguyễn, quy mô làng mở rộng, dân số trong tăng nhanh, làng được chia thành 4 làng nhỏ gồm: Trang Túc, Lộng Điền, Cốc Thành, Đông Lĩnh. Quy mô làng xã phát triển, nhu cầu tâm linh của người dân nâng cao. Lúc này, người dân 4 làng đã rước chân nhang của Đại La Đại vương về các đền của làng mình để thờ tự. Đền làng Trang Túc ban đầu có quy mô nhỏ hẹp. Đến đầu thể kỷ XX, Đền Trang Túc trải qua một đợt trùng tu lớn với những vật liệu xây dựng truyền thống như: gạch thất, vôi vữa, gỗ lim, ngói nam. Tại Đền Trang Túc còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong niên hiệu Tự Đức 33 (1880), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Các đạo sắc phong khẳng định rõ chức năng “Hộ quốc” và “Tí dân” của Thần làng Đại La. Trong đó, “Hộ quốc” là nhân dân tham gia chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; “Tí dân” là che chở, phù hộ cho nhân dân, đem lại mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Trải qua nhiều đợt tu sửa, mở rộng, người dân địa phương đã xây dựng thêm các công trình thờ tự như: Chùa, nhà thờ tổ, phủ Mẫu. Đền Trang Túc toạ lạc trên khu đất rộng 4.463m2, kết cấu hình chữ “Đinh”, gồm các hạng mục: nghi môn, tiền đường, trung đường và cung cấm. Điểm nổi bật ở di tích là các hoạ tiết trang trí các mảng đề tài: nghê chầu, tứ linh, chữ Hán ở nghi môn; hoa lá, long vân, long hoá, chữ Thọ ở tiền đường; sen quy, hổ phù ở trung đường và cung cấm.
Từ đường họ Nguyễn (xã Nghĩa Thịnh) thờ Thủy tổ Nguyễn Đình Cơ và Tổ cô Nguyễn Thị Lạc, duệ hiệu Phù Dung Công chúa. Theo truyền ngôn của dòng họ và truyền thuyết của địa phương: Vào đầu thế kỷ thứ X, Thủy tổ Nguyễn Đình Cơ và 2 ông tổ họ Vũ, Khương là Vũ Tụ, Khương Ngãi cùng Tả Tướng quân Hoàng Thiện Tâm (tướng triều Lê) đi khai khẩn đất hoang, chinh phục thiên nhiên ở cửa biển Đại An xưa, lập ra trang Hạ Kỳ (nay là thôn Hạ Kỳ). Nguyễn Thị Lạc là em gái của Thủy tổ Nguyễn Đình Cơ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, bà là người có tài bốc thuốc, chữa bệnh cứu dân và quan, quân triều đình. Để ghi nhớ công lao của 2 tổ họ Nguyễn, con cháu trong dòng họ đã lập từ đường, miếu để thờ phụng. Tại từ đường hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị; tiêu biểu là bức tượng Tổ cô Nguyễn Thị Lạc được sơn son, thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Để tri ân công đức của các bậc tiền nhân, hàng năm, khắp “làng trên, xóm dưới” trong huyện Nghĩa Hưng đều tổ chức lễ hội làng vào ngày sinh, ngày kỵ hay ngày hiển linh của các Thành hoàng làng. Ngày nay, do đời sống được nâng cao, vào dịp “tết đến - xuân về”, các điểm thờ Thành hoàng làng đều tổ chức lễ hội, thu hút người dân địa phương và khách thập phương đến sinh hoạt tín ngưỡng và tham gia các hoạt động văn hoá cộng đồng. Đền Phúc Điền (xã Nghĩa Thành) thờ Đức Thánh Trần và 2 vị Thành hoàng làng là Tiến sĩ Doãn Khuê và Tiến sĩ Phạm Văn Nghị - những người có công khai hoang, lập làng Phúc Điền. Đền Phúc Điền còn phối thờ 28 vị tổ thuộc các dòng họ: Nguyễn, Vũ, Trần, Đỗ, Phan, Tạ. Các tổ là những người có công đắp đê, ngăn nước mặn, cải tạo đồng ruộng, giúp dân cày cấy. Lễ hội chính tại đền được tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch. Phần lễ gồm các nghi thức: tế thánh, dâng lễ vật, rước kiệu. Phần hội gồm các hoạt động: hát chèo, múa sư - rồng, đấu vật, đánh cờ, tổ tôm điếm… Ngoài lễ hội tháng 8, Đền Phúc Điền còn diễn ra nhiều kỳ lễ như: Lễ Yến lão (mồng 8 tháng Giêng), Lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Lễ Kỳ phúc (16 tháng Giêng). Lễ Thượng nguyên là kỳ lễ lớn mở đầu trong năm. Vào dịp này, dân làng tổ chức dâng hương, hoa, tế nam quan, tấu sớ, cầu chúc cho mọi nhà được bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, no ấm. Lễ Kỳ phúc là kỳ lễ để dân làng tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật thịnh, dân an; đồng thời cũng là dịp dân làng tổng kết, báo công thành quả lao động, sản xuất sau một năm làm việc vất vả. Di tích Đình Nhân Hậu (xã Nghĩa Thái) là nơi diễn ra nhiều kỳ lễ hội trong năm gồm: hội khai xuân - kỷ niệm ngày thành lập làng (mồng 4 tháng Giêng); kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Thái úy Phạm Cự Lượng (20-11 và 19-9 âm lịch); ngày kỵ của Tiến sĩ Đồng Công Viện (22 tháng Giêng); ngày kỵ của Thành Hoàng làng Tráng Dũng (15-8 âm lịch). Trong đó ngày hội khai xuân được dân làng tổ chức quy mô lớn với đầy đủ các nghi lễ và hoạt động vui chơi, giải trí. Buổi sáng diễn ra các nghi thức rước kiệu quanh làng, múa lân - sư - rồng. Buổi chiều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên trong làng; người dân tham gia các cuộc thi: kéo co, cờ tướng, chọi gà. Buổi tối biểu văn nghệ, hát chèo, ngâm thơ giữa các xóm.
Hệ thống di tích thờ thành hoàng làng ở Nghĩa Hưng là những chứng tích về lịch sử hình thành các địa phương, đồng thời thể hiện rõ truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tri ân công đức các bậc tiền nhân của các thế hệ hậu sinh. Việc bảo tồn di tích và các lễ hội, tập quán tín ngưỡng liên quan đến di tích cũng góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.