Nam Định: Độc đáo di tích thờ nhị vị công chúa thời Trần

Tọa lạc trên sườn núi Hổ, xã Liên Minh (Vụ Bản - Nam Định), Chùa Hổ Sơn được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa bởi những giá trị về nghệ thuật kiến trúc dân gian, lịch sử các nhân vật thờ tự, nét đẹp văn hoá tín ngưỡng trong lễ hội.

Tọa lạc trên sườn núi Hổ, xã Liên Minh (Vụ Bản - Nam Định), Chùa Hổ Sơn được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa bởi những giá trị về nghệ thuật kiến trúc dân gian, lịch sử các nhân vật thờ tự, nét đẹp văn hoá tín ngưỡng trong lễ hội.


Không gian thờ tự tại tòa Tam bảo, Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản).


Chùa Hổ Sơn ngoài thờ Phật còn thờ nhị vị công chúa thời Trần là Huyền Trân và Thụy Bảo. Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Huyền Trân sinh ra và lớn lên trong cảnh nước Đại Việt vừa trải qua binh biến tàn khốc sau 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân (Vua Chiêm Thành) để tỏ tình hoà hảo. Năm 1305-1306, Chế Mân xin dâng đất châu Ô, châu Lý (từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay) cùng nhiều vàng ngọc, kỳ hương và các phẩm vật lạ, làm sính lễ cầu hôn. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), công chúa Huyền Trân lên kiệu hoa về phương Nam xa lạ. Từ đó, mối quan hệ giao bang Đại Việt - Chăm Pa trở nên thân thiết. Sống ở đất Chiêm, Huyền Trân đi du hành, kinh lý vãn cảnh khắp nơi để tìm hiểu nền văn hoá Chăm Pa. Thấm nhuần tư tưởng “từ bi, bác ái” của vua cha, Huyền Trân đã cho xây dựng nhiều đền đài, chùa tháp và thường xuyên chăm lo cho cuộc sống người dân nên được nhiều người yêu mến. Cuộc hôn nhân của Vua Chiêm Thành và Công chúa Đại Việt chỉ kéo dài hơn một năm do Chế Mân đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Theo tục lệ của người Chăm, khi vua băng hà, hoàng hậu, phi tần phải lên giàn hỏa thiêu chết theo. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Biết tin, Vua Trần Anh Tông đã cử một phái đoàn sang Chiêm Thành tìm cách đưa Công chúa Huyền Trân và thế tử Chế Đa Đa về nước. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, Công chúa Huyền Trân về nước thăm lại phụ mẫu rồi đến làng Hổ Sơn mở cảnh, xây chùa trên núi Hổ, tu thiền, lấy hiệu Hương Tràng. Sau khi Công chúa Huyền Trân qua đời, dân làng đã lập am nhỏ để thờ tự tại chùa.

Công chúa Thụy Bảo là công chúa thứ ba của Vua Trần Thái Tông, em Vua Trần Thánh Tông (cô ruột Vua Trần Nhân Tông). Bà là vợ của Uy Văn vương Trần Toại. Công chúa Thuỵ Bảo goá chồng sau khi Trần Toại bị bạo bệnh qua đời ở tuổi 24. Cùng lúc này, vị tướng trẻ Trần Bình Trọng - danh tướng có công bảo vệ Vua Trần cũng đang gặp cảnh éo le khi vợ mất, để lại đứa con gái bế ẵm. Vua Trần Thánh Tông thương em gái Thuỵ Bảo goá bụa nên đã tác hợp cho hai người thành duyên vợ chồng. Về với Trần Bình Trọng, công chúa Thuỵ Bảo giúp đỡ chồng lo việc quân, việc nước, yêu thương, nuôi dạy Quận chúa Chiêu Hiến như con ruột. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), Trần Bình Trọng đã ngã xuống khi chặn quân Nguyên ở bến Thiên Mạc (Hưng Yên). Lần thứ hai, Công chúa Thuỵ Bảo goá chồng. Sau khi chồng mất, Công chúa Thuỵ Bảo muốn nương nhờ nơi cửa Phật để tu hành, giải thoát những phiền muộn của cuộc đời. Bà về làng Tiền ở phía tây núi Hổ Sơn khai khẩn đất hoang tạo thành khu vườn hoa An Lạc (An Lạc hoa viên), dựng chùa phụng sự Phật pháp. Mười năm sau, khi Công chúa Huyền Trân trở về đã cùng Công chúa Thuỵ Bảo chăm lo cho đời sống nhân dân, giúp dân khai phá vùng bãi Côi Sơn thành điền trang, tạo nên khung cảnh làng quê trù phú. Hai bà cháu mỗi người tu hành một chùa, ngày đêm cầu kinh niệm phật hướng về cõi Niết Bàn thanh tịnh. Khi Công chúa Thụy Bảo viên tịch, nhân dân xây Bảo tháp ngay trong vườn An Lạc và chuyển chùa thành đền để tri ân công đức.

Không chỉ có giá trị lịch sử, Chùa Hổ Sơn còn là di tích có nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tọa lạc trên sườn núi Hổ cao hơn 10m so với mặt đất nên từ ngoài nhìn vào, chùa được nâng cao dần trong kiến trúc và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Hiện chùa còn giữ được khá đầy đủ nguyên trạng ban đầu, theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm 3 toà: bái đường, trung đường và tam bảo. Toà bái đường 3 gian rộng 47m2 xây mái cuốn vòm, lợp ngói nam. Chính giữa toà bái đường có treo đại tự “Quảng Nghiêm tự”, trên hiên treo bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”. Tòa trung đường 3 gian được xây dựng chắc chắn gồm nhiều cột trụ, khung làm bằng gỗ lim. Các bộ vì nóc, vì nách, vì kèo được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng, mê cuốn”. Hai bên gian trung trường được bố trí sàn thờ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, trong đó, gian bên trái đặt khám thờ bằng gỗ có ghi “Bồng lai cung khuyết” (Lầu gác ở cõi tiên), bên trên đặt tượng hai Công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Tòa tam bảo là nơi thờ Phật được xây giao mái với trung đường, kết cấu 2 gian chạy dọc. Trải qua hơn 700 năm, hiện nay chùa Hổ Sơn vẫn lưu giữ được 27 tượng thờ, 27 đồ thờ cổ; trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như: Tượng nhị vị công chúa, bát hương và 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Điều đặc biệt ở chùa Hổ Sơn là công trình còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, là những mảng chạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Đại đức Thích Nhận Trực, Trụ trì chùa Hổ Sơn cho biết: Với ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, hiện nay, chùa Hổ Sơn không chỉ tổ chức các dịp lễ trọng của đạo Phật như: Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng trong dịp hội làng. Vào các ngày 9-4 âm lịch (ngày kị của Công chúa Huyền Trân) và ngày mồng 5 tháng Giêng (ngày kị của Công chúa Thuỵ Bảo) diễn ra các nghi thức cúng giỗ trang trọng do làng Hổ Sơn và làng Tiền tổ chức. Lễ hội chùa Hổ Sơn được tổ chức từ ngày mồng 9 đến 14-4 âm lịch. Vào sáng ngày 9-4, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu, rước chân nhang nhị vị công chúa từ chùa đi quanh làng, cờ trống nhộn nhịp. Tại sân chùa tổ chức cúng lễ linh đình với nhiều lễ vật được dân làng tiến cúng. Phần hội là các hoạt động văn hoá, văn nghệ: hát chèo, hát văn, múa lân - sư, thi làm cỗ chay, làm bánh giày... Lễ hội chùa Hổ Sơn được tổ chức văn minh, tiết kiệm đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân xã Liên Minh.