Nam Định: Đồng Sơn - Mảnh đất giàu giá trị văn hóa truyền thống

Xã Đồng Sơn, Nam Trực (Nam Định) là vùng đất cổ lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Các biểu tượng văn hóa làng từ cây đa, giếng nước, mái đình cổ kính đến nét đẹp văn hóa làng nghề, chợ quê, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng… từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây.

dong-son-1629415086.jpgĐặc sản phở truyền thống mang hương vị đặc trưng của xã Đồng Sơn

Theo các nguồn tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển xã Đồng Sơn thì nơi đây trước kia là vùng đất sa bồi thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đầu thế kỷ XX, xã Đồng Sơn thuộc tổng Sa Lung - một trong 9 tổng của huyện Nam Chân xưa (Nam Trực nay). Trước năm 1945, xã Đồng Sơn bao gồm các xã: Hoàng Diệu, Liên Hòa và Đồng Lạc.

Năm 1948, 2 xã Hoàng Diệu, Liên Hòa hợp nhất thành xã Bắc Sơn. Năm 1957, xã Đồng Lạc chia tách thành 2 xã Nam Đồng và Nam Phúc. Năm 1976, 2 xã Nam Đồng và Bắc Sơn hợp nhất thành xã Đồng Sơn. Trải qua nhiều lần hợp, tách nhưng người dân Đồng Sơn từ xưa đến nay luôn phát huy truyền thống đoàn kết chăm chỉ, cần cù, chịu khó, để xây dựng, phát triển quê hương; đặc biệt là tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm, lòng yêu nước nồng nàn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ để đấu tranh bảo vệ làng, xã.

Không chỉ nổi tiếng bởi tinh thần cách mạng ,Đồng Sơn còn là vùng đất khoa bảng. Trong thời kỳ phong kiến xã có 3 người đỗ tiến sĩ: Tiến sĩ Nguyễn Công Bật (làng Tây Chân); tiến sĩ Vũ Kiệt (làng Sa Lung), tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (làng Giao Cù). Trong đó, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi là một văn thân trong phong trào Cần Vương, có công trong việc xây dựng nghĩa quân, vận động nhân dân kháng chiến chống Pháp, góp phần khích lệ tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước, ngày nay, nhiều con em quê hương Đồng Sơn đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, y tế, giáo dục… với các học hàm, học vị cao như: giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư. Nhiều dòng họ của xã vinh dự được tặng Bức trướng Khuyến học - Khuyến tài vì đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Đồng Sơn là xã thuần nông, một bộ phận người dân trong xã đã mở mang nghề phụ để phát triển kinh tế. Họ Cồ là dòng họ nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh phở và “độc quyền” món phở bò mang hương vị đặc trưng của địa phương. Theo các bậc cao niên, xưa kia ở làng Giao Cù có nhiều người đi làm cho các tiệm Cao Lâu của người Hoa ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định. Sau đó, một số người đã tách ra mở tiệm phở riêng. Tinh hoa nghề làm bánh phở truyền thống ở Giao Cù được thể hiện qua nhiều công đoạn.

Gạo để làm bánh phở được chọn từ vụ mùa, vụ chiêm trước, để cho hết nhựa, đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi cho chín nục. Còn thịt bò được chọn chế biến phở lấy từ những con bò trưởng thành, nặng chừng 3-4 tạ/con. Mỗi con xả được khoảng 2,5 tạ thịt, xương hầm lấy nước. Nước phở càng ngọt, càng trong bao nhiêu thì phở càng ngon bấy nhiêu. Ở xã Đồng Sơn, ngoài họ Cồ chiếm số đông thì còn nhiều họ khác cũng làm bánh phở như: họ Vũ, họ Phan, họ Đoàn, họ Nguyễn…

Tất cả cùng làm nên thương hiệu phở bò gia truyền Giao Cù, Nam Định. Trải qua các thế hệ, nhiều cụ ở làng Giao Cù nổi tiếng về nghề nấu ăn như: gia đình cụ Vũ Văn Dinh nấu ăn trong các Đại sứ quán của Việt Nam ở các nước Pháp, Lào, Liên Xô cũ; cụ Vũ Văn Đức phục vụ ở Bộ Ngoại giao; cụ Đỗ Văn Dương mở tiệm phở sau ga Hàng Cỏ (Hà Nội); cụ Vũ Văn Lâu, Vũ Tặng, Vũ Văn Mai, Vũ Văn Cung mở quán phở ở Hải Phòng; cụ Vũ Chuẩn, Vũ Tỳ mở quán phở ở Lào Cai… Riêng nghề làm bánh phở, hiện nay, ở làng Vân Cù chỉ còn 2 gia đình gồm các anh: Cồ Như Tạc, Cồ Như Bin. Xã Đồng Sơn được coi là “thuỷ tổ” của nghề phở, thương hiệu “phở bò Giao Cù” không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Nghề làm bánh phở và nấu phở ở Đồng Sơn ngày nay thu hút khoảng trên 5.000 lao động với hàng trăm hộ làm nghề, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo tồn, phát triển và tôn vinh nét đẹp văn hoá ẩm thực của quê hương.

Về tôn giáo, tín ngưỡng, xã Đồng Sơn có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo, tỷ lệ dân số theo đạo Thiên chúa chiếm 2,1% dân số. Toàn xã có trên 20 di tích đình, đền, chùa, từ đường, nhà thờ; trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia là Đền Giao Cù và di tích cấp tỉnh là Đình Tây Lạc. Ngoài ra, còn có các di tích: Chùa Viên Quang xây dựng từ thời Lý, thờ tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ. Tại chùa hiện có 2 cây Đại cổ tuổi đời hơn 700 năm. Đền Vân Cù là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh thờ Vua Hùng. Hoạt động văn hóa truyền thống và các lễ hội ở xã Đồng Sơn thường diễn ra vào mùa xuân mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và phong tục tập quán cổ truyền.

Đền Giao Cù (còn gọi là đền Đăng Long) xưa kia thờ Thiên Lôi (thần Sấm). Sau khi Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi qua đời, nhân dân địa phương đã lập bài vị thờ ngài tại đền. Từ đó, đền còn có tên gọi là Đền ông Nghè Giao Cù. Đền được xây dựng trên một khu đất rộng, mặt đền quay hướng Tây. Phía trước đền là hệ thống nghi môn và ao nhỏ; bên phải là đường liên xã chạy qua. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đền Giao Cù ngày nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc truyền thống. Đền xây theo kiểu chữ Đinh. Trên nóc nhà tiền tế là hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt”; 2 bên hồi nhà tiền tế là 2 cột đồng trụ. Khoảng cách giữa các cột đồng trụ tạo thành một miếu thờ; bên trong có tượng đắp bằng vôi vữa. Hệ thống vì kèo, cột quân kéo dài tạo thành hệ thống kẻ bẩy làm cho mái hiên rộng rãi, thoáng đãng. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hàng năm, Đình Giao Cù diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân mà còn mang ý nghĩa tri ân công đức của Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang nghiêm, lễ hội còn tổ chức vinh danh, trao phần thưởng khuyến học cho con cháu trong thôn đạt thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, hội làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân cùng khách thập phương tham gia như: hát chèo, kéo co, đánh cờ... Hội thi đánh cờ được dân làng chuẩn bị chu đáo, từ việc chọn người cầm chịch đến người phục vụ đều phải tập dượt kỹ lưỡng. Hội tướng cờ nào thắng sẽ được thưởng tiền, lộc Thánh. Dù thắng hay thua mọi người vẫn hồ hởi, phấn khởi tham gia để cầu may cho một năm mới. Những sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng trong các thôn làng ở xã Đồng Sơn được nhân dân tổ chức hàng năm đã phản ánh rõ nét phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, trở thành nét đẹp văn hóa làng truyền thống; đồng thời, các lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc của người dân địa phương.

Tồn tại và kết tinh giá trị văn hóa qua nhiều thế kỷ, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc “hồn quê Việt” trên quê hương Đồng Sơn vẫn đang được các thế hệ người dân gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên giá trị mộc mạc, thuần nhất; từ đó lắng đọng, hình thành nên những cảm xúc, tình yêu của mỗi người dân với quê hương. Những nét đẹp văn hóa truyền thống đó đã tạo động lực để người dân Đồng Sơn nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng