Nam Định: Hải Hậu phát huy vai trò của hương ước, quy ước xóm

Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở huyện Hải Hậu - Nam Định đã góp phần phát huy quy chế dân chủ cơ sở trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.

 


Đường hoa xóm 12, xã Hải Quang.


Từ lâu, hương ước, quy ước ở Hải Hậu đã góp phần gìn giữ, duy trì nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử ở mỗi gia đình, dòng họ, làng xã, người dân luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, trong hương ước, quy ước của các địa phương cũng có những nội dung hạn chế, lạc hậu, không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Trước thực trạng đó, năm 2013, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về việc triển khai sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước xóm, tổ dân phố (TDP); đồng thời, chỉ đạo Phòng VH-TT huyện phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hương ước, quy ước mới, đảm bảo phù hợp với các tiêu chí NTM. Nội dung các quy ước, hương ước tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục cơ sở; đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; phát triển kinh tế - xã hội… Ở các xóm, TDP tổ chức họp bàn dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước; thành lập tổ soạn thảo hương ước, quy ước với các thành viên gồm đại diện chính quyền địa phương, đoàn thể cơ sở cùng người có uy tín trong cộng đồng dân cư và đại diện phụ nữ tham gia. Hương ước, quy ước sau khi xây dựng được niêm yết công khai tại nhà văn hóa xóm, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng bảo đảm thuận tiện để người dân tiếp cận, tìm hiểu và cùng nhau thực hiện. Đến nay, cả 546 xóm, tổ dân phố ở 34 xã, thị trấn trong huyện đều đã hoàn thành xây dựng được hương ước, quy ước mới. Việc thực hiện hương ước, quy ước xóm, TDP đã tạo chuyển biến trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự. Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tai - tệ nạn xã hội”, ở các khu dân cư đã thành lập các tổ tự quản, tổ hòa giải cơ sở, kịp thời ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, xử lý những trường hợp tranh chấp, xích mích trong các gia đình. Năm 2019 trên địa bàn huyện không xảy ra khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 96,8% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; cả 546 xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Xóm (TDP) văn hóa”, trong đó có 36 xóm duy trì danh hiệu “Xóm văn hóa” 5 năm liên tục theo tiêu chí của huyện. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện hướng đến các đối tượng chính sách, người yếu thế trong cộng đồng được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2019, toàn huyện đã quyên góp tặng 546 suất quà cho các hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 153,6 triệu đồng; trao 8.247 suất quà, trị giá hơn 3 tỷ đồng cho các hộ nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Thực hiện phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không, 3 sạch”, các hộ luôn có ý thức giữ gìn, vệ sinh khuôn viên, nhà ở, tích cực tham gia đóng góp “xanh hóa, cứng hóa, sáng hóa” hệ thống giao thông nông thôn, tạo cảnh quan, môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ở cả 34 xã, thị trấn đã thành lập được các tổ, đội thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từ 2-3 lần/tuần, đáp ứng được công tác vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Cùng với các đội thu gom, xử lý rác, nhiều xóm, TDP duy trì tốt lịch tổng vệ sinh đường dong, ngõ xóm 3-4 buổi/tháng kết hợp chăm sóc hoa, cây bóng mát trên các tuyến đường, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương, sông ngòi. Sau 7 năm thực hiện hương ước, quy ước mới, việc xây dựng môi trường văn hóa NTM lành mạnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, cả 34 xã, thị trấn ở huyện đã thực hiện tốt cuộc vận động “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ không lấy phần” trong việc cưới; bỏ hoàn toàn các hủ tục lạc hậu trong việc tang, đặc biệt là việc sử dụng vòng hoa luân chuyển trong các đám hiếu... Các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội truyền thống tại 41 di tích lịch sử - văn hóa được tổ chức theo quy định nếp sống văn minh, quan tâm xây dựng nội dung phần hội với nhiều trò chơi dân gian được khôi phục, có sự tham gia của đông đảo nhân dân, tạo tinh thần đoàn kết trong cộng đồng; tập trung giải quyết các vấn đề: vệ sinh môi trường, nạn hành khất, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, hoạt động mê tín… trong khu vực lễ hội.

Hương ước, quy ước góp phần quan trọng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện công cuộc xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở Hải Hậu. Đến nay 527/546 xóm, TDP trên địa bàn huyện được công nhận “Xóm nông thôn mới bền vững và phát triển”; 2 xóm được công nhận “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu, sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”; 3 xã: Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu và 7 xóm, TDP đã cơ bản hình thành được các tiêu chí NTM kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường và văn hóa; 4 tuyến đường cơ bản đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Hương ước, quy ước xóm, tổ dân phố ở Hải Hậu đang dần chiếm địa vị pháp lý quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở VH, TT và DL về việc thực hiện Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, thời gian tới, Phòng VH-TT, Phòng Tư pháp huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn bổ sung, sửa đổi, xây dựng hệ thống hương ước, quy ước xóm (TDP) phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện kinh tế - xã hội từng địa đương. Lồng ghép tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch ở xã, thị trấn để hướng dẫn, theo dõi, giám sát, thẩm định thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước ở các xóm, TDP; đồng thời khen thưởng, tuyên dương các cá nhân, gia đình thực hiện tốt hương ước, quy ước trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm.