Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên.
Trong phòng khách gia đình, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên treo trang trọng những tấm Huy chương tại các Liên hoan, Hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và những bức ảnh chụp kỷ niệm lưu diễn cùng Đoàn Chèo tỉnh Nam Định. Trong không gian tĩnh lặng, người nghệ sĩ ngẫu hứng cất lên một làn điệu chèo cổ, giọng hát mộc không đàn nhị, trống phách nhưng vẫn trong trẻo ngọt ngào. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát chèo, từ nhỏ Kim Liên đã được “đắm mình” trong các làn điệu chèo, hát Văn truyền thống. Với giọng hát thiên phú ngọt ngào và lối diễn xuất linh hoạt, ấn tượng, ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề, cô diễn viên trẻ Kim Liên đã được các đồng nghiệp tiền bối đánh giá là giọng ca đầy triển vọng. Năm 20 tuổi (1962) diễn viên Kim Liên đã đoạt Huy chương Bạc vai Xuân Phương (tức Thị Phương) trong vở “Đôi ngọc lưu ly” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1965, nghệ sĩ Kim Liên được chọn là người hát, thu âm một số bài hát Văn phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, tên tuổi của nghệ sĩ Kim Liên được đông đảo công chúng trên cả nước biết đến. Suốt 20 năm tiếp theo, giọng hát Văn của Kim Liên đã trở thành quen thuộc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu năm 1966, sau khi hai tỉnh Nam Định và Hà Nam hợp nhất thành tỉnh Nam Hà, Đoàn Chèo Nam Hà chính thức được sáp nhập. Vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” là vở diễn đầu tiên của tập thể diễn viên Đoàn Chèo Nam Hà. Hai nhân vật của vở chèo có tích truyện lịch sử là Trần Quốc Toản và Thế tử do nghệ sĩ Kim Liên và Thuý Ngân thể hiện. Thế tử là nhân vật “phản diện” đối lập với tính cách, phẩm chất anh hùng nguyện xả thân vì Tổ quốc của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Thể hiện tốt vai diễn này, đòi hỏi các diễn viên “nữ đóng nam” phải có giọng hát khoẻ, sáng, đài từ đẹp, lối diễn sáng tạo, linh hoạt nhằm lột tả “cái hồn” tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của vở diễn. Nghệ sĩ Kim Liên trong vai Thế tử đã nhập vai thành công để làm nổi bật phong thái của kẻ vừa có quyền vừa có chữ nhưng vẫn không giấu được nét ngạo mạn của kẻ thiển cận, hẹp hòi và đố kị. Năm 1971, nghệ sĩ Kim Liên cùng các diễn viên tham gia bộ phim sân khấu “Trần Quốc Toản ra quân” của đạo diễn Bạch Diệp. Năm 1981, tại Hội thi giọng hát hay tuồng chèo toàn quốc lần thứ nhất, nghệ sĩ Kim Liên vào vai Đào Huế trong trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế” và giành giải Đặc biệt của Ban tổ chức. Với vai diễn Cô Tư Hồng trong vở “Người lái đò sông Vị”, nghệ sĩ Kim Liên đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1990). Thành công nối tiếp thành công, năm 1993 nghệ sĩ Kim Liên đoạt giải Đặc biệt tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay với vai diễn Mụ Quán trong vở “Súy Vân”. Nghệ sĩ Kim Liên còn thành công với một loạt những vai khác như Hoàng hậu Thượng Dương (Nhiếp chính Ỷ Lan), Công chúa Phượng Dung (Soi bóng người xưa)... Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp sân khấu, bà được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú (năm 1988), Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2015).
Dấu ấn trên con đường hoạt động nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên là những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ngày 21-5-1963, Bác về thăm Nam Định, Đoàn Chèo Nam Định được mời đến hội trường Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định biểu diễn chào mừng Bác cùng Đoàn công tác. Khi ấy vừa bước vào tuổi 21, Kim Liên đảm nhiệm vai Tâm trong trích đoạn “Chị Tâm bến Cốc” (vở chèo “Cuộc đời theo Đảng” của tác giả Nguyễn Đăng Thục). Giọng hát cao vút và ngọt ngào của Kim Liên gây xúc động lòng Người. Dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1968), Đoàn Chèo Nam Hà khi ấy được chọn biểu diễn phục vụ Bộ Chính trị vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”. Sáng 21-12-1968, khi thư ký của Bác là đồng chí Vũ Kỳ đến nhà khách, anh chị em trong đoàn chèo đã đề đạt nguyện vọng được gặp Bác Hồ. Nghệ sĩ Kim Liên cùng với 3 người khác được chọn đến gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, bà đã ngâm các đoạn trích “Kiều gặp Kim Trọng”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cho Bác nghe. 4 ngày sau nghệ sĩ Kim Liên được Bộ Văn hóa mời lên Hà Nội làm nhiệm vụ đặc biệt. Lên thủ đô bà mới biết mình vinh dự được chọn ngâm bài thơ “Chào xuân 69” của Bác phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau dịp đó, nghệ sĩ Kim Liên được mời tham gia cùng Đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa đi lưu diễn ở Pháp phục vụ đồng bào Việt kiều và những người dân Pháp yêu mến đất nước Việt Nam. Về nước, ngày 16-7-1969, tại nhà khách Phủ Chủ tịch, nghệ sĩ Kim Liên vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Kim Liên được ăn cơm cùng với Bác trưa ngày 17-7-1969. Nghệ sĩ Kim Liên còn được Bác Hồ tặng chiếc thước kẻ có khắc 3 chữ “S-N-K” (Suy - Nghĩ - Kỹ). Năm 2008, kỷ vật thiêng liêng chiếc thước kẻ bằng gỗ đó đã được bà trao tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ. Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên luôn khắc sâu những lời dạy của Hồ Chủ tịch. Trong mỗi vai diễn, bà luôn “Suy - Nghĩ - Kỹ”, từ đó, không ngừng học hỏi, tìm tòi diễn xuất để lột tả được tính cách nhân vật, góp phần cùng với tập thể, diễn viên trong Đoàn dàn dựng thành công nhiều vở diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, dù đã cao tuổi, nhưng tình yêu với nghệ thuật Chèo vẫn cháy mãi trong tâm hồn Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên. Bà vừa là thành viên chủ chốt của Ban văn nghệ Câu lạc bộ Thiên Trường, vừa phụ trách đội văn nghệ gồm 15 nghệ sĩ cao tuổi đi biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh. Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên xứng đáng là tấm gương về sự say nghề, luôn phấn đấu học hỏi, vươn lên, đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động sân khấu Chèo.