Tiềm năng gió đã và đang được đánh thức
Đến thời điểm này, Việt Nam có 91 dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia-quy hoạch điện VII điều chỉnh. Quyết định thông qua trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương cũng như dựa theo mục tiêu đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2021-2023 trong điều kiện nhiều nguồn điện lớn đang bị triển khai chậm tiến độ. Bộ Công Thương có trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trong danh mục nêu trên.
Trong 91 dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, phần lớn tập trung tại Tây Nam Bộ với 37 dự án có tổng công suất 3.116 MW; Tây Nguyên 28 dự án có tổng công suất 2.452 MW; Bắc Trung Bộ 16 dự án với công suất 941 MW (chủ yếu tại Quảng Trị với 14 dự án, tổng công suất 569,2 MW); Nam Trung Bộ có 9 dự án với tổng công suất 336 MW và 1 dự án 102 MW tại khu vực Đông Nam Bộ.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế giá cho điện gió tại quyết định 39 cho các dự án vận hành trước tháng 11/2021. Theo đó, với các dự án điện gió, giá mua áp dụng ở mức 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 cents/kWh. Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua là 2.223 đồng, tương đương 9,8 cents/kWh.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh kể từ khi có Quyết định39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam), đã có nhiều dự án điện gió đề xuất bổ sung vào quy hoạch. Tính đến hết tháng 3/2020, có 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực nhưng mới có 11 dự án với tổng công suất 377 MW đã được vận hành phát điện.
Ngoài ra, có khoảng 31 dự án đã có hợp đồng mua bán điện với EVN có tổng công suất 1.662 MW dự kiến đi vào vận hành năm 2020-2021. Trong khi đó có khoảng 250 dự án đang chờ bổ sung quy hoạch với công suất khoảng 45.000 MW, trong đó có 3 dự án điện gió ngoài khơi xa bờ.
Hội đồng năng lượng gió toàn cầu GWEC đánh giá việc phát triển công nghiệp điện gió là thành phần trong trong việc xây dựng chiến lược phục hồi nền kinh tế từ các tác động của Covid-19. Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), giai đoạn 2015-2019, năng lượng gió đã tạo ra hơn 652 tỉ USD vốn đầu tư. Công suất lắp đặt dự kiến vượt 2TW vào năm 2030 sẽ tạo ra khoản đầu tư bổ sung hàng năm là 207 tỉ USD.
Báo cáo của GWEC dẫn ước tính của cơ quan quốc tế rằng các công việc trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực năng lượng gió sẽ tăng gấp ba lần từ 1,2 triệu năm 2018 lên gần 4 triệu trên toàn cầu vào năm 2030 nếu việc triển khai diễn ra với tốc độ cần thiết.
Và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Ngày 2/10/2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội đồng năng lượng gió toàn cầu GWEC đánh giá việc phát triển công nghiệp điện gió là thành phần trong trong việc xây dựng chiến lược phục hồi nền kinh tế từ các tác động của Covid-19. Ảnh Ngô Đức Hành
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320- 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh.
Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP.
Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiệu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN....
Tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học-công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Chương trình đề ra có những nội dung như phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. Đồng thời, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng; đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa…
Vấn đề phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng được đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 –2030 của đất nước, chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ngô Đức Hành