Người miền Tây hay tập trung xây nhà những nơi có... sông. Tiêu chuẩn trên bến dưới thuyền đã định đoạt sự hưng thịnh của một “đô thị”. Hồi đó, cả miền Tây chỉ có Cần Thơ là được gọi thành phố - dẫu gì cũng là Tây đô - thủ phủ của cả xứ Cửu Long. Còn những cụm dân cư chạy dọc theo những quốc lộ, tỉnh lộ, được định danh là thị trấn. Nghe nó chừng mực vừa phải và hiệp ý với cảnh vật xung quanh biết chừng nào.
Hồi đó, dọc đường đi lên Sài Gòn, hai bên đường bạt ngàn ruộng lúa và vườn cây ăn trái. Còn nhớ khi vừa qua phà Rạch Miễu một đỗi, thấy hai bên mát mắt hai hàng bạch đàn là biết gần tới Mỹ Tho, gần tới Long An và xíu nữa là tới... thành phố (ý là Sài Gòn). Hồi đó, hai bên đường ít thấy người ta tụ tập đông, nhà cửa, phố xá lùi xa ở đâu cũng mảng xanh của thiên nhiên. Cái hình ảnh Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Tôi đắm đuối miền Tây chính là vì vậy.
Chính sông nước đã định hình sự sắp xếp đô thị; định hình tâm tính cư dân đô thị. Nhà tôi, ở cách chợ chừng mươi cây số. Nhà đúng kiểu quê trớt. Hồi đó chưa có bếp gas, bếp điện e còn khó hơn, cái bóng đèn thắp sáng còn cháy mỗi cái tim lấy đâu ra mà nấu nướng. Mẹ tôi vẫn nấu bằng củi dừa, bằng trấu.
Hồi đó, tivi màu là thứ quá xa xỉ đối với người dân ở quê. Lâu lâu, có một ông chú ngoài chợ có một cái tivi màu hát băng video. Thế là ông ấy hay chạy võ lãi đi hát tivi dạo, bán vé cho người ta vào coi, cũng quây hàng rào kín mít như gánh hát hồi đó. Ai có tiền mua vé mới được vô coi. Mà hồi đó chưa có điện đâu chạy bằng máy đèn, loại máy phát điện bằng dầu ấy. Thế là xóm tôi từ người già tới người trẻ xúm xít bơi xuồng rủ nhau đi coi. Phim thì chỉ có mấy bộ chiếu đi chiếu lại, hồi đó là lần đầu tiên được xem Tây Du Ký trên tivi màu, oai dữ lắm đa!.
Tôi nhớ, cách đây hơn hai chục năm, bà nội mua cho ba tôi cái ti vi màu 16 inches . Đó là cả một sự kiện với cả xóm. Vui nhất vẫn là mỗi tối thứ bảy, lịch phát cải lương định kỳ của Đài truyền hình Trà Vinh. Mới 6 giờ tối mà bà đã sai tôi đi nhúm lửa nấu nước pha trà đặng một hồi khách khứa, bà con tới coi ti vi có nước mà uống. Rồi coi lại đám lá dừa khô trong bếp còn nhiều không. Bà lo xa, sợ đến khuya, tuồng vãn không có đủ bó làm đuốc soi đường cho khách về.
Ôi thôi, mấy bà dì, bà thím, mấy chú, mấy bác... ngồi chật hết bộ ván ngựa, tràn qua tới hàng ba. Và thể nào một hồi cũng nghe tiếng hỉ mũi rột roẹt, tiếng chép miệng, tiếng chắt lưỡi hít hà tùy theo mức độ biểu cảm của mấy cô đào hát, mấy anh kép mắt môi đỏ lòm. Có bà thím nhập tâm quá buột miệng chửi: “Bà mẹ nó. Vợ con đùm đề vậy mà cũng bỏ cho đành đoạn ha…”. Hoặc giả: “Cái thứ đàn bà bỏ đi theo trai đó gặp tao là tao đem đi câu sấu, đem đi bằm cho vịt nó ăn…”. Bà này nói một câu, bà kia họa lại một tiếng, rồi lại “ghen hàng xáo” cho… mấy nhân vật trong tuồng. Y như cái chợ, bà tôi phải nạt ngang: “Tụi bây có để cho tao nghe trọn tuồng không?”...
Mỗi khi vậy, tôi lại bụm miệng nhịn cười. Nhưng rồi hồi lâu nghĩ lại. Thật ra, mấy bà đang mượn chuyện tuồng tích để răn dạy con cháu, nhắc khéo ông chồng đó chớ. Các tuồng tích cải lương đã như một Quốc văn giáo khoa thư cho những dân quê ít học xứ chợ miền Tây.
Thời gian rồi cứ lặng lẽ trôi đi. Dân quê giờ có nhiều cái để coi, nhiều thứ để giải sầu. Những tuồng tích cải lương tối thứ bảy đã không còn níu kéo được ai. Mà xem chừng con gái quê cũng vắng bóng hơn xưa. Đứa thì đi lao động hợp tác, đứa thì đi lấy chồng nước ngoài, đứa lên Sài Gòn… Mỗi khi nhà có đám tiệc thấy vắng hẳn cảnh ngâm bột, xay gạo làm bánh ít từ vài ba ngày trước. Đồ ăn thức uống bánh trái mua ở siêu thị hay lên điện thoại đặt... online. Sang trọng thì có, hào nhoáng thì có… nhưng kiếm một chút hồn quê lại thấy khó gì đâu.
Những thị xã nay đã lên đời là thành phố; những thị trấn đã là thị xã. Những mảnh vườn, những đồng lúa hai bên quốc lộ cứ bị san bằng để mọc lên những dãy phố bê tông, những người nông dân tay lấm chân bùn phút chốc đổi đời vì đất lên giá. Dường như diện mạo đô thị đã bày biện ra dọc con đường lộ mới mở thênh thang. Theo đó, tâm tính người dân đô thị kiểu ngày nay cũng không còn như xưa. Họ phóng xe máy ào ào, thảng hoặc gặp người quen cũng không tiện mà chào hỏi vì ai cũng đội mũ bảo hiểm kín mít; xe cộ ken đầy, có nói cũng đâu ai nghe.
Điều thay đổi dễ nhận ra là giờ nhà ai cũng có ti vi, nhà ai cũng có dàn karaoke. Chính cái “văn hóa” karaoke đã giết chết ngắc thói quen tụ tập đờn ca hát xướng của người dân miền Tây; giết chết ngắc thanh âm thật của miền Tây xưa. Âm thanh có vang dội hơn, nhưng cái hồn cốt miền Tây đã bay đi từ đời nào.
Thời bây giờ, lớp thanh niên hay lấy sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, các chuỗi cà phê - trà sữa nhượng quyền để có thể vênh mặt tự hào: “Tụi bây thấy xứ tao chưa, có thua gì xứ trển đâu heng”. Những cái chợ nhà lồng trên bến dưới thuyền nay đã bớt người đi chợ là lớp trẻ, những chiếc xuồng máy đuôi tôm, những chiếc đò dọc cũng lùi vào dĩ vãng. Tụi nhỏ tư niên mãn mùa ngồi trầm ở các quán cà phê, quán trà sữa, quán thức ăn nhanh, tay lướt sờ- mắt- phôn như để chứng tỏ mình là cư dân “đô thị văn minh”.
Theo Chuyện quê