Nét đẹp của lụa Hà Đông và lời tỏ tình của chàng trai Sài Gòn!

Trần Hoàng Yến du học sinh Việt Nam tại Phần Lan vô cùng tự hào khi thấy du học sinh đến từ nhiều nước trên thế giới biết về nét đẹp truyền thống từ lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua tà áo dài duyên dáng. Vì thế mùa xuân này, cô cùng người bạn thân cùng trở về Việt Nam ăn Tết đã không quên ghé thăm miền danh thắng nổi tiếng này.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Là một trong hơn 1.000 làng nghề truyền thống đã và đang tồn tại ở Việt Nam, song ít có làng nào có truyền thống văn hoá lịch sử đẹp như làng lụa Vạn Phúc.

Vừa đặt chân đến cổng làng Vạn Phúc, Trần Hoàng Yên và gia đình đã thấy nơi đây không chỉ có không gian văn hóa lụa truyền thống mà còn có không gian sinh thái được tạo nên từ bạt ngàn hương sắc của hoa, cây cảnh và Sinh Vật Cảnh từ các vùng miền được giới thiệu và buôn bán tấp nập tại đây.

Trần Hoàng Yến cùng gia đình như đang lạc giữa muôn ngàn hương sắc của Chợ Hoa cây cảnh Vạn Phúc

Qua các thư tịch cổ cho thấy, mảnh đất Vạn Phúc ngày nay đã được hình thành phát triển từ năm 865 sau Công nguyên. Thủa ấy, trong một lần di kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên: “Đất Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn”. Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền – thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách làm ăn. Khi và quan đời, nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Tuy nhiên, một số tài liệu và hiện vật cổ còn giữ lại cho thấy, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời cách đây khoảng 1.000 năm, vào khoảng thế kỷ XIII. Vì thế, bà Lã Thị Nga chưa hẳn là vị tổ nghề như nhiều người từng nói, nhưng bà chính là người có công khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc.

Cô gái cùng gia đình được trải nghiệm những câu chuyện văn hóa trong không gian lụa Vạn Phúc

Theo chân cô gái đến từ dòng sông La êm đềm của Hà Tĩnh cùng người bạn đời mới đính hôn và gia đình, chúng tôi có dịp được khám phá ra nhiều nét đẹp truyền thống của làng lụa Vạn Phúc ngàn năm đang trên đường hội nhập phát triển bền vững, cũng như nhận ra những nét đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ Việt Nam khi khoác trên mình tà áo dài duyên dáng được may từ lụa Hà Đông. 

Họ vô cùng ấn tượng về quy trình để dệt nên một tấm lụa

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, của quê hương Việt Nam. Điều đó cắt nghĩa tại sao giữa Sài Gòn tân kỳ và hoa lệ, ồn ã với văn hoá ngoại lai tại thời tạm chiếm trước năm 1975, sắc áo lụa Hà Đông lại làm dịu mát những tâm hồn đang hướng về dân tộc:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

Cũng có lẽ từ câu thơ này, mà món quà đính ước của chàng trai Quang Trí đến từ TP. Hồ Chí Minh tặng người con gái gốc sông La nay đã thường trú tại Hà Đông (Hà Nội) như Hoàng Yến không có gì đẹp hơn là tà áo dài duyên dáng được may từ lụa Vạn Phúc, Hà Đông. 

Vạn Phúc còn có nghĩa là niềm hạnh phúc vĩnh cửu vạn năm cùng với món quà đính ước mang vẻ đẹp trường tồn của văn hóa dân tộc đã nói nên phần nào lời tỏ tỉnh về nguyện ước trăm năm của đôi uyên ương này.