Nếu không có tình yêu thương

Em ôm chầm lấy tôi, nước mắt lăn dài trên trên má “Nếu không có thầy gần gũi sẻ chia, có lẽ số phận em sẽ rẽ sang một con đường khác, thành công của em ngày hôm nay có sự đóng góp rất công sức của thầy, em biết ơn thầy nhiều lắm…”.

1-neu-khong-co-1632061714.jpg 

Lớp tôi có nhiều học sinh cá biệt, trong đó nổi bật nhất là em Thắm. Là con gái nhưng Thắm ngỗ nghịch như con trai. Em hay nói tục, chửi thề và gây mất đoàn kết với bạn. Ngồi trong lớp thì hay nói chuyện, thường xuyên không thuộc bài và chép bài. Giờ kiểm tra thì tìm cách quay cóp, bị thầy cô phát hiện, nhắc nhở thì tỏ thái độ chống đối, xé bỏ bài kiểm tra một cách hậm hực. Bạn ngồi cạnh mà không cho nhìn bài thì thể nào bài kiểm tra của bạn ấy cũng bị lấm lem mực, dập xóa lem nhem do em làm, nếu bài kiểm tra không bị dập xóa thì lúc ra chơi hoặc tan trường cũng bị lãnh vài cái bạt tai gọi là cảnh cáo cho biết thế nào là lễ độ, lần sau phải biết điều. Không chỉ vậy, em thường xuyên đi học trễ, hay la cà ở quán dọc đường tụ tập với đám bạn ngỗ nghịch ăn vặt, chát nét, thi thoảng gây gổ đánh nhau với bạn chỉ vì lí do không đâu theo kiểu “nhìn thấy ghét”, thích thì đánh, thế thôi, không cần quan tâm đến nỗi đau thể xác và tâm lí của bạn như thế nào. Đôi khi, chỉ vì muốn thể hiện mình trước chúng bạn, em vô cớ gây sự đánh nhau để thể hiện ta đây là “đàn chị”. 

Thấy em có thái độ, hành động lệch lạc trong lối sống, cách cư xử với bạn bè, thầy cô và bản thân mình, tôi nhiều lần góp ý nhưng em vẫn “chứng nào tật ấy”, coi lời góp ý của tôi không ra gì. Vì vậy, tôi nghĩ trường hợp này cần phải mời phụ huynh tới trường để làm việc nhằm kết hợp với nhà trường  cùng phối hợp giáo dục để em được tiến bộ. Thế là tôi quyết định viết giấy mời phụ huynh tới để trao đổi về tình hình học tập của em.

Sáng hôm sau, một người phụ nữ đã đứng tuổi, nhỏ nhắn, dong dỏng cao, mái tóc hoa râm, đến văn phòng trường gặp tôi và giới thiệu là mẹ của Thắm. Rót nước mời khách, chẳng để phụ huynh kịp mở lời hỏi lý do, chẳng hỏi phụ huynh xem hoàn cảnh gia đình  như thế nào, ở nhà Thắm có biểu hiện khác gì không? Thắm có hay học bài cũ không? Có hay rủ các bạn về nhà không?... Tôi kể một lô xích xông  “tội”  của em ra cho hả giận, phụ huynh chỉ nghe rồi thỉnh thoảng lại “vâng”, “dạ” chứ không tỏ ra bực bội hay buồn phiền gì. Đợi tôi nói hết, phụ huynh chỉ nói cám ơn thầy, nhờ thầy cô trong trường tạo mọi điều kiện  giúp đỡ con em, rồi xin phép ra về.

Lần gặp phụ huynh ấy, tưởng rằng từ những lời khuyên nhủ của mẹ, em sẽ thay đổi, nhưng không, em vẫn chứng nào tật ấy, gặp tôi, mặt em cứ nhơn nhơn tự đắc như muốn nói “thầy ơi, thầy gặp mẹ em cũng vô ích thôi, sau này thầy đừng bày đặt gặp gỡ phụ huynh thầy nhé” khiến tôi càng cảm thấy tức giận, chán nản khi thấy buổi gặp phụ huynh trở thành công cốc.

Trong một lần xuống căn tin trường uống nước, tình cờ tôi nghe được câu chuyện của hai em học trò kháo với nhau “cái người phụ nữ đi gặp thầy chủ nhiệm hôm rồi là do cái Thắm mướn cô hàng xóm với giá một trăm ngàn đấy, thầy và mẹ nó không biết gì đâu”, “thầy và mẹ nó mà biết thì con Thắm chỉ có nhừ đòn”, “làm sao mà biết được, thầy có khi nào xuống nhà nó đâu mà biết mẹ nó và mẹ nó đâu có biết mặt thầy”.

Nghe được cuộc nói chuyện, biết mình bị “gạt”, tôi giận lắm, không ngờ Thắm lại dám “dở trò” với thầy chủ nhiệm. Ngẫm lại lời nói của hai em học sinh, tôi thấy cũng đúng, từ đầu năm học đến giờ tôi chưa một lần đến nhà Thắm để tìm hiểu xem gia cảnh của em thế nào. Buổi họp phụ huynh đầu năm mẹ Thắm không đi họp nhưng tôi cũng không hỏi em lí do vì sao người thân không đi dự. Tôi thấy mình chưa làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, chưa tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình của học sinh. Chưa tìm hiểu sao Thắm lại vi phạm nhiều khuyết điểm như vậy? Tại sao Thắm lại phải nhờ cô hàng xóm giả làm mẹ mình? Bao nhiều câu hỏi cứ quay quanh trong đầu tôi, khiến tôi chẳng thể nào ngủ được, cứ trằn trọc, băn khoăn mãi.

Biết được địa chỉ nhà em, chủ nhật, tôi tranh thủ tới nhà Thắm. Sự hiện diện của tôi khiến Thắm vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ và lo sợ. Em sợ cũng phải thôi. Tội của em lớn lắm chứ không phải là nhỏ. Gặp mẹ em, tôi thông báo cho mẹ em biết một số nét cơ bản về tình hình học tập của em, đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em. Qua trò chuyện với mẹ em, tôi được biết cha mẹ đã bỏ nhau mấy tháng nay, cha lấy vợ khác đem theo đứa em gái mà Thắm yêu quý lập nghiệp ở một tỉnh ngoài bắc, chẳng thư từ thăm hỏi hay chu cấp tài chính giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Mẹ làm nghề thợ may ở nhà may vá, sửa sang quần áo cũ nên thu nhập chẳng được là bao. Những lúc không có người sửa quần áo, may vá mẹ Thắm phải đi rửa li, chén thuê ở tiệm cà phê gần nhà. Bác sĩ cảnh báo mẹ Thắm không được làm việc nặng, làm nhiều, phải nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để bệnh tim ổn định, không tái phát. Biết rằng bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mẹ em vẫn cố gắng đi làm để có thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Từ ngày cha Thắm bỏ đi, tình yêu thương của chị dồn vào Thắm. Chị không cho Thắm phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Thắm chỉ có mỗi việc ăn và học mà thôi. Vậy mà..

Từ ngày gia đình tan đàn xẻ nghé, Thắm bị sốc, mất niềm tin vào gia đình, cuộc sống. Gia đình là chỗ dựa, là niềm tin của Thắm thì bây giờ không còn nữa. Thắm chán đời, bi quan, có suy nghĩ tiêu cực nên mới có hành động nông nổi, bồng bột trong thời gia qua, vậy mà tôi đã không nhận ra, còn trách cứ, mắng mỏ em mỗi lần em vi phạm. Tôi thấy mình thật vô tâm và có lỗi với em. Hoàn cảnh của Thắm thật đáng thương gợi cho tôi nhớ tới tác phẩm “Cuộc chia tay của những con búp bê” của tác giả Khánh Hoài được giảng dạy trong chương trình ngữ văn lớp 7. Bất cứ cuộc chia tay của các bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển tâm, sinh lí của trẻ.

Dường như, họ chỉ muốn thoát khỏi nhau cho rảnh nợ chỉ vì cái tôi cá nhân của mình mà không hề nghĩ đến cảm xúc của con cái. Họ đâu biết rằng, chỉ vì cái tôi của mình, họ đã đẩy con cái vào những sự việc không hề mong muốn, thậm chí xa vào con đường phạm pháp, nghiện ngập lúc nào không hay. Dẫu biết rằng, giải pháp chia tay sẽ giúp mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, con cái sẽ được chăm sóc chu đáo hơn, nhưng những trường hợp được như thế là rất ít, không nhiều. Do đó, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, không đẩy con cái vào cảnh tan đàn sẻ nghé thì mỗi bậc làm cha làm mẹ cần phải điểu chỉnh hành vi, thái độ của mình sao cho phù hợp, hạn chế cái tôi của mình, biết lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm, tâm tư nguyện vọng của nhau để cùng giải quyêt thì chắc chắn sẽ không rơi vào hoàn cảnh đáng thương như của em Thắm.

Hiểu hoàn cảnh của em, ngoài giờ học, tôi đã gặp em gần gũi, chia sẻ, động viên, tâm sự với em với thái độ chân tình, cởi mở, giúp đỡ em như: Phân công những em gần nhà cho bạn mượn tập chép lại bài, hướng dẫn bạn làm bài, học bài, xin các giáo viên bộ môn cho em kiểm tra bài lại. Tôi quyên góp và xin mạnh thường quân giúp đỡ chiếc xe đạp để có phương tiện đi học, liên hệ giáo viên các môn Anh, Toán, Văn phụ đạo cho em để em học tốt trở lại.

Để giúp mẹ em vơi nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, tôi gợi ý em nên kiếm việc làm thêm để có thu nhập vừa có thể trang trải các khoản đóng góp của trường vừa có tiền giúp mẹ mua thuốc trị bệnh, trang trải kinh phí sinh hoạt hàng ngày. Thấy em ngần ngừ, e ngại, tôi đã phân tích hoàn cảnh gia đình để em hiểu và thông cảm cho mẹ, em phải là chỗ dựa cho mẹ, bởi em là niềm tin, niềm vui và hạnh phúc của mẹ.

Hãy biết quý trọng quãng thời gian ít ỏi mà mẹ em còn sống ở trên đời, em biết đấy, bệnh tim là căn bệnh rất khó chữa khỏi, diễn biến của bệnh lý rất thất thường, dễ xảy ra đột quỵ hoặc tai biến bất cứ lúc nào nếu làm việc quá sức. Hãy để mẹ vui mừng thấy em đã trưởng thành, biết suy nghĩ, lo lắng cho cuộc sống bản thân và gia đình, có như vậy mẹ mới bớt đi nỗi lo âu, vui vẻ, thoái mái tâm lí, bệnh lí sẽ khả quan hơn. Khi làm thêm em sẽ biết quý trọng đồng tiền, quý trọng sức lao động và hơn cả là em sẽ có được kĩ năng sống trong cuộc sống luôn thay đổi muôn màu nhộn nhịp để có ứng xử đúng đắn, phù hợp, hoàn thiện bản thân mình, để khi bước vào đời, em không bị bỡ ngỡ.

Em nhận ra việc học tập là quan trọng để sau này có kiến thức giúp ích cho bản thân, nuôi mình và mẹ. Từ sự gần gũi động viên giúp đỡ, kết hợp với gia đình, Thắm tiến bộ rõ rệt. Mọi khuyết điểm của em không còn nữa, nhìn em ngày ngày vui vẻ, chăm chỉ học bài, tối đi phụ bán café ở quán Lối Về, lòng tôi rất vui.

Ngày em đậu đại học, mẹ  và em rất vui đến nhà cảm ơn tôi. Mẹ em nắm lấy bàn tay tôi “Cảm ơn thầy đã động viên, giúp đỡ con gái tôi. Nếu không có sự khuyên nhủ, định hướng, phân tích điều hơn lẽ thiệt thì chắc chắn con gái tôi sẽ không có được kết quả đáng mừng như ngày hôm nay”.  Em ôm chầm lấy tôi, nước mắt lăn dài trên trên má “Nếu không có thầy gần gũi sẻ chia, có lẽ số phận em sẽ rẽ sang một con đường khác, thành công của em ngày hôm nay có sự đóng góp rất công sức của thầy, em biết ơn thầy nhiều lắm…”. Được biết em thi đậu 3 trường đại học là Kiến trúc, Sư phạm và Y khoa với số điểm rất cao. Tôi nghĩ em sẽ chọn ngành Kiến trúc hoặc Y khoa làm con đường tương lai của mình, nhưng không, em thỏ thẻ “Em muốn làm nghề gõ đầu trẻ, em muốn làm cô giáo để kế tục sự nghiệp của thầy dìu dắt đàn em thơ khám phá bầu trời tri thức. Nếu không có tình yêu thương của những người thầy, người cô thì em sẽ không có được sự thành công như ngày hôm nay” khiến tôi rất bất ngờ, ngạc nhiên, mừng rỡ và cảm động đến nghẹn ngào không ngờ em lại có suy nghĩ  “có trước có sau” như vậy. Đây chính là phần thưởng vô cùng quý giá trong nghề dạy học của mình. Và tôi nhận ra rằng, dù học sinh có cá biệt đến đâu thì mỗi người thầy, mỗi người cô đều phải cố gắng giáo dục các em bằng cái tâm, đức, tài của người thầy thì nhất định chúng ta sẽ thành công.