Chỉ còn ít giờ nữa năm 2021 sẽ qua, năm 2022 sẽ tới, một tập sách như các tập trên do TTXVN mua bản quyền của Project Syndicated và biên dịch ra tiếng Việt không thấy xuất hiện… nên đành hỏi anh Google, trong 0,60 giây anh ấy cho ra 18.000 kết quả. Xin lướt qua vài bài, rút ra một số ý như sau:
+Nhà kinh tế học người Anh Jim O'Neill, trong một bài báo cũng dành cho Project Syndicate nói rằng không thể đưa ra dự báo gì cho năm 2022, bởi theo quan điểm của ông, việc dự báo trở nên rất khó khăn, vì trước đây chưa từng có quá nhiều dấu hỏi lớn đặt ra đối với một loạt các vấn đề kinh tế then chốt như hiện nay.
Về chính sách tài khóa và ý tưởng cho rằng, nợ chính phủ ở mức độ nào đó đã trở thành vấn đề khó giải quyết, những gì đã diễn ra trong năm 2020-2021 đã chứng minh rằng, phần lớn cách nghĩ thông thường này là sai lầm.
Điều quan trọng hơn rất nhiều là khoản nợ đó dùng để làm gì. Nợ phát sinh để ngăn chặn sự sụp đổ của hoạt động kinh tế hoàn toàn khác với nợ phát sinh chỉ để tài trợ cho một chương trình nghị sự quá tham vọng của chính phủ.
Về chính sách tiền tệ, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, rõ ràng là thế giới hậu khủng hoảng tài chính 2008 - mà trong đó sự hào phóng của các ngân hàng trung ương dường như là vô tận - đã kéo dài quá lâu và không còn hiệu quả nữa.
Từ lâu, chúng ta đã cần phải quay trở lại mối quan hệ trong đó tỉ lệ lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát có một số điểm tương đồng với tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng.
Mặc dù có thể đưa ra lý do cho việc chậm trễ này để quản lý một cú sốc lớn như Covid-19, song việc duy trì các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo dường như là không đúng chỗ.
Như các chuyên gia của Milton Friedman đã nhận định, những chính sách này thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lạm phát gần đây.
Sau nhiều năm vật lộn để đạt được tỷ lệ lạm phát cao hơn (gần bằng hoặc cao hơn mục tiêu đặt ra), các ngân hàng trung ương hiện coi lạm phát chỉ là tạm thời.
Trên thực tế, các giám đốc ngân hàng trung ương cũng chẳng biết liệu lạm phát có kéo dài hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát chỉ là nhất thời, lời biện minh cho một chính sách tiền tệ hào phóng ngày càng không thuyết phục.
Bên cạnh những vấn đề kể trên, điều khiến người ta lo ngại là câu hỏi quan trọng về sự gia tăng năng suất, điều đã gây thất vọng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trong nhiều năm qua.
Những sự đổi mới và những thay đổi về hành vi do đại dịch gây ra có báo trước sự trở lại được mong đợi từ lâu của mức tăng năng suất mạnh mẽ hay không?
Không ai biết được đại dịch sẽ còn dẫn tới những điều gì. Liệu Omicron có nhanh chóng trở thành biến thể "thống trị" mới hay sẽ bị thay thế bởi một biến thể khác?
Và những mối đe dọa lớn khác như "đại dịch" kháng kháng sinh đang âm thầm diễn ra, hay những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu?
Ngoài ra, vẫn còn một vấn đề lớn khác là tình trạng nghèo đói trên toàn cầu, vốn đã bắt đầu gia tăng trở lại trong 2 năm qua. Loại bỏ tai họa này dường như là một thách thức thậm chí còn lớn hơn quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cuối cùng, tâm lý phổ biến chung hiện nay của mọi người là cảm thấy không chắc chắn về nền quản trị toàn cầu.
Không giống như giai đoạn 2008-2010 khi G20 tỏ ra rất hiệu quả, trong giai đoạn 2020-2021 hầu như không có tiến triển có ý nghĩa nào trong hoạt động hợp tác kinh tế toàn cầu.
+Liệu có thể dự báo 2022 sẽ khởi đầu cho đoạn kết của đại dịch?
Theo một bài tổng hợp đăng trên báo VietnamPlus (Vietnam+), khi hầu hết các nước đã chuyển từ chiến lược "không ca mắc" sang sống chung an toàn với dịch bệnh, thách thức lớn nhất là phải xác định mức độ lây nhiễm có thể chấp nhận được đối với từng quốc gia.
Thế giới đã bước sang năm COVID-19 thứ ba khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, chủng virus được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc cuối năm 2019, đang làm đảo lộn kế hoạch đón Năm mới 2022 ở nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh hầu hết các nước đã chuyển hướng từ chiến lược "không ca mắc" để tập sống chung an toàn với dịch bệnh, thách thức lớn nhất lúc này là phải xác định mức độ lây nhiễm có thể chấp nhận được đối với từng quốc gia trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau.
Nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế và nối lại các hoạt động thông thương, do vậy nguy cơ lây lan biến thế Omicron là rất khó tránh khỏi. Hiện biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng có vẻ các nước đã rút ra nhiều bài học và với những kinh nghiệm xương máu trong 2 năm chống dịch vừa qua, thế giới hoàn toàn có thể vượt qua "cơn sóng thần" lây nhiễm mới lần này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố nhân loại phải kết thúc đại dịch trong năm 2022, nhấn mạnh con người đã có trong tay mọi công cụ để làm được điều đó. Chuyên gia hàng đầu của WHO Maria Van Kerkhove khẳng định con người hoàn toàn có thể tránh kịch bản tồi tệ nhất quay trở lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định: "Tất cả chúng ta đều lo lắng về Omicron nhưng không được hoảng sợ. Đây không còn là thời điểm tháng 3/2020. Chúng ta đã được chuẩn bị và có sự hiểu biết nhiều hơn (về cách thức ứng phó dịch COVID-19)."
Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron, song hầu hết các nghiên cứu cho tới thời điểm này đều chung quan điểm Omicron lây lan rất nhanh nhưng gây triệu chứng nhẹ hơn nhiều và tỷ lệ tử vong cũng giảm so với các phiên bản trước.
Báo cáo chính thức đầu tiên của Vương quốc Anh cho thấy nguy cơ nhập viện do nhiễm Omicron thấp hơn từ 50 đến 70% so với Delta. Điều đó khiến nhà chuyên gia lạc quan dự báo sự xuất hiện của Omicron có thể sẽ là sự khởi đầu cho đoạn kết của "cơn ác mộng đại dịch”, thậm chí mở ra tương lai con người sống chung hòa bình với loại virus này như một căn bệnh đặc hữu.
Tiến sỹ Bruce Farber, Giám đốc bộ phận chuyên trách về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện New Hyde Park (Mỹ), cho rằng kịch bản hoàn hảo là biến thể mới rất dễ lây lan nhưng không khiến hầu hết mọi người trở nặng và tạo ra mức độ miễn dịch tạm thời. Ông Farber nhận định: “Điều đó chắc chắn có thể giúp chấm dứt tình trạng quá nhiều người phải nhập viện và tử vong do COVID-19.”
Chìa khóa để kiểm soát dịch vẫn là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Để có thể khống chế đại dịch trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng thế giới cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng, đặc biệt là mũi tăng cường, nghiên cứu cải tiến vaccine nếu cần thiết và phân phối nguồn cung bình đẳng.
Theo Bác sỹ Anthony Fauci, chuyên gia về dịch tễ học tại Mỹ, việc tiêm liều tăng cường ít nhất sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ chéo của vaccine ở mức nhất định, có thể chống lại bệnh nặng, thậm chí chống lại biến thể Omicron.
Cả thế giới đang nỗ lực đạt tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, đây là điều cần thiết để giảm tối thiểu số ca tử vong, bệnh chuyển biến nặng. Điều này đòi hỏi phải có ít nhất 70% dân số thế giới, hầu hết là người lớn, thanh thiếu niên và đa số những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, được tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine).
WHO cho rằng thế giới có thể đạt được mục tiêu này vào nửa cuối năm 2022. Theo ước tính của WHO, để tiêm phòng đủ liều cơ bản cho 70% dân số toàn cầu, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19.
Với sản lượng toàn cầu gần 1,5 tỷ liều mỗi tháng, thế giới sẽ có đủ vaccine để đạt được các mục tiêu tiêm phòng toàn cầu nếu vaccine được phân phối công bằng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cần có sự phối hợp để thoát khỏi đại dịch COVID-19 cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Nếu không có cách tiếp cận phối hợp, bình đẳng, việc giảm thiểu các trường hợp mắc bệnh ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ không được duy trì theo thời gian.
Với cách tiếp cận mang tính toàn cầu và nỗ lực chung của cả thế giới, hy vọng những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch sẽ đi qua. Virus có lẽ vẫn hiện diện nhưng nếu con người được trang bị những công cụ phù hợp, COVID-19 sẽ không còn "thống trị" cuộc sống của chúng ta./.