Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thuần sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, vùng đất có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Bà sinh ra trong gia đình có 16 đời phụng sự nghiệp Thánh, ngay từ khi còn rất nhỏ bà đã được thừa hưởng văn hóa tâm linh của gia đình cũng như nét văn hóa dân gian của dân tộc. Hơn 30 năm trong công tác gìn giữ đạo Mẫu, mặc dù được mọi người hết lòng yêu mến nhưng bà lại rất khiêm nhường và khuôn phép, không ngừng tìm tòi học hỏi những đức tính tốt đẹp của các thanh đồng đạo quan, đồng anh lính chị.
Thời bấy giờ, cái nhìn của xã hội về “ông đồng, bà cốt” luôn khắt khe, một phần do hiện tượng trục lợi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh từ một số hoạt động như lên đồng, bói toán, luôn làm cho nhiều người hiểu sai trái về văn hóa tâm linh nhưng với bản thân, bà vẫn luôn một lòng hướng đạo, gìn giữ những giá trị di sản của gia đình và dân tộc. Nhận thấy thực trạng trên, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuần luôn chỉ bảo con nhang đệ tử của mình những đường đi nước bước đúng đắn trong việc giữ gìn, phát huy và chấn hưng đạo Mẫu. Tránh biến tấu, lai căng, thương mại hóa mọi thứ, làm mất đi nét đẹp của văn hóa thờ Mẫu từ bao đời nay. Tình trạng một số người không có căn cốt hầu đồng nhưng chạy theo loại hình diễn xướng này như một sự cuồng tín đang diễn ra hàng ngày hàng giờ. Điều này, khiến không ít đồng thầy chân chính như bà phải băn khoăn, lo lắng. Là một đồng thầy có tâm sáng từ thiện nên bất cứ ai gặp khó khăn, thầy đều giúp đỡ hết mình. Từ cuộc sống khó khăn, nhờ ơn đức Phật, nhờ ơn đạo Mẫu ban cho, đồng thầy Nguyễn Thị Thuần luôn luôn tâm niệm, lấy tâm làm phúc, lấy đức làm trọng, cố gắng giúp những người nghèo khổ, luôn luôn làm từ thiện. Thầy cũng mong rằng những cô đồng, cậu đồng phải sống đúng tâm đức của mình để xứng danh con của Tứ phủ. Điều mà thầy luôn mong muốn là thế hệ đời sau có thể quan tâm hơn đến đạo Mẫu, để biết cội nguồn thánh thần, những con người hàng ngàn năm lịch sử đã có công gìn giữ đất nước.
Nghệ nhân đồng thầy Nguyễn Thị Thuần đã dành thời gian giảng dạy cho các đệ tử về chữ tín tâm khi thực hành các nghi lễ trong đạo Mẫu cũng như công đức hành thiện hướng tới cộng đồng. Với bà diễn xướng chầu văn chính là nghệ thuật hiền Thánh với mục đích ca ngợi, kể lại công lao các nhân vật lịch sử hoặc những nhân vật mang quý danh tượng trưng như ông quan, bà chúa. Khi một nghệ nhân trình tấu giá đồng là do các vị thần linh hóa thân vào, người nghệ nhân phải có sự tín tâm và hiểu biết về cốt cách nhân vật lịch sử cũng như nắm vững các điệu thức chầu văn trên cả khía cạnh âm nhạc, lời văn. Trong sự nghiệp thực hành và nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng của mình, bà đã đánh dấu cho bản thân mình nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2020, bà tham gia liên hoan nghệ thuật và diễn xướng chầu văn Đồng bằng Bắc bộ lần 7. Vào tháng 4 năm 2021, tại đền Chân Suối, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch - Cục Văn Hóa Cơ Sở và các ban ngành tổ chức chương trình liên hoan hát chầu văn toàn quốc, bà vinh dự được góp mặt tham gia biểu diễn một tiết mục và được trao tặng giải A. Những giải thưởng đó như là nguồn động lực để bà hoàn thành sứ mệnh một nghệ nhân, đồng thầy góp phần bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu, một nhịp cầu kết nối tâm linh qua phương thức diễn xướng chầu văn. Tấm lòng và tâm huyết của nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Thị Thuần thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao. Xin chúc cho bà thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời những điều tốt đẹp và ý nghĩa!