Trong nghi lễ đạo Phật, người ta thường cung thỉnh Quán Thế Âm Bồ tát hoặc Địa Tạng Vương Bồ tát mỗi khi đảnh lễ, nhưng lại ít biết về bản chất và những nội dung cốt lõi của những điều này. Ngày nay, đại bộ phận Phật tử đều muốn vận dụng sức mạnh của lòng thành kính và niềm tin vào chư Phật, Bồ tát và đức Quán Thế Âm để cứu nhân, độ thế. Bài viết tổng hợp một số nội dung được giới nghiên cứu, phân tích và các nhà Phật học nêu ra để cùng suy ngẫm.
Từ lời cầu Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát…
Theo các nhà Phật học, Quán nghĩa là lắng nghe, lắng nhìn; Thế là thế gian, cõi đời. Thế âm là tiếng nói, âm thanh;là hiện trạng vô lượng, vô biên trong cõi trần tục. Quán thế âm nghĩa là lắng nghe tất cả những lời trần thế không phân biệt thích hay ghét, chê hay khen, nắm hay buông. Đức Bồ tát Quán Thế Âm là người lắng nghe lời nói từ đáy lòng của chúng sinh với tình thương và sự cảm thông để thức tỉnh ánh sáng bất tận của chân tâm.
Kinh Phật ghi nhận, tội nghiệp của chúng trong cõi trần thì nhiều vô lượng, vô biên; những tội có hình tướng nhiều đến độ tràn ngập không gian, không còn chỗ nào chưa nổi. Thế nhưng, khi thành khẩn, biết ăn năn, thật sự thay đổi lối sống, thì mọi tội lỗi cũng sẽ tiêu tan. Sự thay đổi của trạng thái ấy được gọi là phát Bồ đề Tâm hoặc phát khởi chí hướng tiến hóa tâm linh.
Đức Bồ tát phát tâm Bồ Đề vì muốn cảm hóa,khiến chúng sinh hài hòa an lạc, muốn trừ hết mọi khổ nạn để mang lại vô vàn niềm vui. Người mong soi sáng tối tăm ngu dốt, mang lại cho chúng sinh trí tuệ quang minh, thực hành giáo pháp làm chư Phật hoan hỷ. Do vậy, Người muốn nhập vào trí tuệ rộng lớn, muốn thể hiện sức mạnh, lòng vô úy để khởi phát tâm Bồ đề.
Đức hạnhcủa đấng Đại từ Đại bi Quán Thế Âm bồ tát bao gồm Hiện thân, Hiến thân, Nhu thuận, Bao dung, Chân thật, Đại bi, Phản văn, Thi vô úy, Ứng duyên và Mãn nguyện.
Kinh Phật dạy “Ngàn xứ ai cầu xin, ngàn nơi ngài ứng hiện”. Phẩm phổ Môn có kể rằng‘Cụ túc thần thông lực, quảng tu trí phương tiện, thập phương chư quốc độ, vô sát bất hiện thân” Nghĩa là “ Bồ tát có đầy đủ sức thần thông, tu rộng trí huệ phương tiện, nên trong cõi nước khắp mọi nơi, cõi nào người cũng xuất hiện ” đem thân gửi trao cửa Phật. Nơi nào có ai khổ sở cần nguyện Người đều tới, rồi tùy nhân duyên săn sóc, phục vụ hết lòng hiến thân.
Hiến thân không phân biệt và kỳ thị, hễ ai gặp khổ chân thành cầu cứu, bồ tát ứng hiện cứu giúp, giải nguy. Bồ tát đem thân mình hiến dâng chúng sinh,không mong hồi đáp; hiến thời gian cho việc vị tha, hiến công sức giúp người thành tựu, hiến đời mình để đem lại an lạc tới mọi người. Kinh Hoa nghiêm có kể về đức Thiện Tài học một Bồ tát thiện tri thức Bà Thi La.Là một lái thuyền, Bà Thi La đã hiến thân bằng cách không ngừng đưa người (đi, về) từ bờ này tới bờ kia. Bồ tát dùng thuyền làm phương tiện để cảm hóa người ngồi thuyền, nói chân lý để họ vui vẻ mở tâm, làm chuyện phúc đức, tăng trưởng sức mạnh thiện căn, giác ngộ,làm vững chắc thêm sức mạnh tình thương, tu công đức, thấu chân lý. Vì giúp người, Bồ tát có thể hy sinh trọn đời để làm bất cứ việc gì cần làm.
Nhu thuận. Nhu mang nghĩa mềm mỏng, nhẹ nhàng, hiền dịu; còn thuận là hòa thuận, hợp tình hợp lý, trên dưới thông suốt. Kinh Hoa Nghiêm có dạy, bao kiếp tạo nghiệp, con người chịu đau khổ cũng vì ích kỷ, ghen ghét, thù hằn; không biết hiền từ, chẳng biết nhường nhịn lẫn nhau. Nhu thuận giúp chuyển hóa lối sống chiếm hữu, dữ dằn, cố chấp; thổi tan nóng giận, ngẹt thở và bức bách. Nhu thuận là đức hạnh của chư Bồ tát, không tìm lỗi ở chúng sinh; không giận dữ ruồng rãy mà muốn kết thiện duyên, giúp chúng sinh tiến bước trên đường đạo.
Bao dung. Bao là bao trùm, bao nạp; là cánh tay mở rộng để đón nhận; còn dung là chứa đựng, đem vào. Bao dung là đức hạnh của cõi lòng rộng mở rộng, dễ dàng xóa bỏ thành kiến, chuyện cũ để mở ra ra bầu trời thông thoáng vô tận. Tinh thần bao dung của Bồ tát và chư phật khiến ai nấy đều cảm thấy được gần gũi, chấp nhận và sống an lạc.
Chân thật Trong thế giới trần tục chỉ có chân, thiện, mỹ là chỗ dựa, chỗ quay trở về của suy nghĩ, lời nói và hành vi. Chân trong lời nói là sự ngay thẳng, không mưu mô; trong suy nghĩ là sự thật thà không dối trá; trong hành vi là sự chính trực; còn trong Chân lý đó là phương tiện để dựa vào. Thiện là điều lành, việc tốt, lợi người,lợi vật không làm hại ai. Mỹ là vẻ đẹp qua sự hòa điệu của vạn vật trong tự nhiên, trong tính vị tha của lối sống, trong nét hài hòa của hành vi, trong sự dịu dàng của lời nói và trong sự chuyên nhất của tư duy.
Đại bi, đại bi là tình thương không bờ bến, không bị hạn chế bởi thành kiến, không bị vui buồn hơn thua, đúng sai thị phi làm lung lay, không chịu áp lực của bất cứ việc gì hoặc bất kỳ người nào. Đại bi là tấm lòng mỗi người đều có sẵn, nhưng phải chờ khơi dậy như chân trời chỉ tạm thời bị mây mù che phủ.
Kinh Hoa Nghiêm dạy, Bồ tát có 10 cách để phát khởi lòng Đại bi. Thấy chúng sinh không nơi nương tựa, không ai săn sóc Người sinh lòng thương; không hòa thuận dễ thương sinh lòng thương; bần cùng, không có căn lành sinh lòng thương; ở mãi trong đêm dài mộng mỵ sinh lòng thương; làm việc không tốt sinh lòng thương; bị dục vọng chói nhặt sinh lòng thương; chìm nổi trong biển khổ sinh tử sinh lòng thương; bị bệnh tật; không muốn làm chuyện tốt sinh lòng thương; đánh mất chân lý phật đậu cũng sinh lòng thương.
Phản văn Phật dạy cuộc sống hướng ngoại là cuộc sống trôi lăn của dòng sinh tử, còn cuộc sống hướng nội là cuộc sống tâm linh thoát vòng trần tục. Sự hài hòa hướng nội và hướng ngoại là cuộc sống toàn diện, Hướng nội để tâm linh thăng hoa, hướng ngoại để giúp đời cứu người là nội dung chính yếu của đạo Bồ tát.
Trong Phán văn; Phản là xoay ngược lại, còn văn là lắng nghe, lắng nhin với sự chú ý. Phản văn là xoay ngược để lắng nghe, lắng nhìn tự chân tâm bên trong. Bồ tát dạy, phải biết lắng nghe tiếng nói nhỏ nhiệm, vi tế của lương tâm; lắng nhìn những chỗ đen tối của cõi lòng; lắng nhìn nỗi đau của thâm tâm để xuyên thủng màng lưới cái tôi và truyền đạt sự thức tỉnh tới mọi người.
Thi vô úy,là sự không sợ hãi. Kinh phật dạy có 18 loại sợ; đó là đi vào đường nguy hiểm khó khăn; do tâm lý nóng bức; quên lối, lạc lõng, mê mờ; sợ ràng buộc; sợ bị giết hại; nghèo cùng khổ sở; không thể sống; không thể sinh tồn, tiếng tăm xấu xa, hoen ố; sợ chết, sợ oai tập thể; thú dữ; bóng đen; bị di chuyển, đổi dời; bị xa người thương yêu; gặp mặt người thù oán; bị ức hiếp, bức bách; sợ bị căng thẳng chèn ép; sợ chuyện buồn rầu, tang thương… Những sự sợ hãi đời thường còn nhiều, khó có thể kể hết. Kinh hoa Nghiêm dạy có 6 cách suy tư giúp tha nhân khôi phục cảm giác an toàn mất đi sợ hãi. Đó là, hãy coi mình như một căn nhà che chở ấm cúng và an toàn; nghĩ mình như người bảo vệ không để phiền não, bức bách nhiễu loạn đe dọa; coi mình như một ngọn đuốc phá tan sợ hãi, hắc ám trong tâm; như ngọn đèn tựa để tin tưởng hết lo, hết sợ; như người dẫn đưa kẻ lầm lạc trở lại đường tốt, thấy chỗ cứu cánh thanh tịnh, không ô nhiễm khổ đau; như chỗ trở về khiến tha nhân có nơi nương lý. Phật dạy, tất cả Bồ tát, Thánh Hiền đều dùng phương tiện giúp chúng sinh đạt đến an lạc, hết sợ hãi, lo âu.
Ứng duyên mang hàm nghĩa ai hỏi liền ứng đáp trả lời, ai cần là ứng hiện,tới ngay. Ưng duyên bao gồm hiện thân và hiến thân với lòng chân thật, thí vô úy, Trong ứng duyên, Bồ tát sẵn sàng dấn thân vào chỗ bất tịnh, nguy hiểm không ai muốn vào. Ở những nơi đó, Bồ tát chuyển hóa chúng sinh để họ khởi tâm trong sạch và hướng thiện.
Mãn nguyện Nguyện là ước mong, nhu cầu mong muốn. Bồ bồ tát làm mãn nguyện là đáp ứng nhu cầu,giúp chúng sinh tăng trưởng tâm thức hướng về chân, thiện, mỹ. Tâm thức của Bồ tát là tâm thức đồng bộ trong sáng vô ngại, vô cùng và vô tận của chư Phật. Cuộc sống của Bồ tát là cuộc sống khai mở tình thương, ban bố vô úy cho chúng sinh chìm trong bóng tối vô minh; lời Bồ tát sẽ chuyển hóa từ cái tôi thành sự nhu thuận cởi mở và ly dục chân lý; bước chân Bồ tát rũ bỏ nghiệp chứơng để mở ra hy vọng, còn cái nhìn của Bồ tát chính là sự lan tỏa tình thương,đem tới cảm thông hài hòa, ấm áp và yên ổn.
Đến Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát
Đức Bồ tát Địa Tạng là vị Thượng thủ đắc quả vị cao nhất của hàng Bồ tát, có thể thành Phật. Vì tình thương, Ngài đã trở lại cõi trần hành đạo cứu giúp chúng sinh với lời phát nguyện nếu tất cả chúng sinh trong địa ngục còn chưa thành Phật thì Ngài cũng chưa thành Phật
Về chữ Địa Tạng; Địa nghĩa là đất, còn Tạng là kho tàng, chứa đựng. Địa Tạng là kho tàng ở trong lòng đất. Với nghĩa tâm địa, Địa là nguồn tâm thức, Tạng là tâm ý quý báu như lòng từ bi, chân thật, mong cầu, giác ngộ…, những tâm thái tốt lành ai cũng sẵn có. Nếu địa là tâm, Tạng là động từ chứa dựng thì Địa Tạng là phép tu để lòng mình như mặt đất bao la có khả năng chứa đựng, nuôi dưỡng vạn vật, dung nạp được mọi tâm thái Đại bi hay lòng thương vô hạn
Nếu Địa mang nghĩa Phật địa là pháp giới ngôn từ, thì Tạng là sức mạnh tiềm tàng triển khai tính Phật, sức mạnh ấy được gọi là Bồ đề tâm. Thiết đài sám hối là để khai quật bồ đề tâm,một kho tàng sức mạnh tiến hóa với sám được định là nhận chân những điều sai phạm,còn hối là không tái phạm. Để so sánh sám hối, phật tử thường lấy hạnh nguyện của Đức Bồ tát Địa Tạng làm gương phản chiếu. Hạnh nguyện của Bồ tát Đia Tạng vô lượng, vô biên bởi Ngài đã tu hành kiếp số nhiều hơn cả cát bụi trong vũ trụ bao la. Trong đó, hiếu dưỡng, hàm dưỡng, minh châu, tích trượng, vô lượng phương tiện và vô biên đại nguyện là những đức hạnh cơ bản mà ngày nay đạo hứu đang thành tâm học hỏi và sám hối.
Về hạnh hiếu dưỡng. Hiếu là căn bản của đạo làm người, là tình thương của con cái đối với những bậc sinh thành. Hiếu là gốc của mọi chuyện lành, là cội nguồn của lòng đại bi vô tận. Cốt lõi của hiếu dưỡng là tình thương cha mẹ. Đó là tấm lòng hướng tới mọi người, không bị ô nhiễm, không ích kỷ. Đức Bồ tát tỏ lòng hiếu thảo bằng hy sinh thân mạng, không nề hà khó khăn tận tâm, tận lực để phụng sự chúng sinh
Nếu cốt tủy của hiếu dưỡng là lòng thương cha mẹ, thì tinh thần chủ đạo của đức hạnh này là tình thương vô hạn; coi mọi sinh linh đều như cha mẹ, bà con thân thuộc của mình
Hạnh hàm dưỡng, Hàm mang nghĩa bao dung, bao nạp; còn dưỡng là nuôi dưỡng. Đất hàm dưỡng vạn vật; không có đất cây cối, sinh vật không có nơi sinh sống, không có chốn nương tựa , Tất cả chư bồ tát, chư Phật đều mong muốn chúng sinh hàm dưỡng Tâm Bồ đề. Kinh Phật dạy“Bất phát Bồ đề tâm, hành chư thiện pháp, thị tắc ma nghiệp” , hàm nghĩa nếu chúng sinh làm vô số điều lành nhưng không phát tâm Bồ đề thì cũng sẽ rơi vào ma nghiệp; tức là càng xa đường giác ngộ chân lý, càng mất lòng từ bi, thương người, thương vật.
Kinh Hoa Nghiêm dạy, muốn hàm dưỡng tâm Bồ đề, phải hàm dưỡng chúng sinh. Bồ tát tôn trọng, phụng sự chúng sinh mới là tôn trọng, phụng sự chư Phật. Bản thể của chư Phật là tâm Đại bi, phải có chúng sinh làm đối tượng thì tình thương mới có thể tuôn trào. Ví như rễ cây là chúng sinh, hoa quả là chư Phật,là chư Bồ tát. Nước tưới thấm vào gốc rễ, thì cây mới sum suê, đơm hoa, kết trái. Bồ tát tưới nước tình thương lên mọi chúng sinh,nhiêu ích hàm dưỡng tất thảy để tâm bồ đề khai phát, thì đạo mới có được thành tựu,
Dưới góc nhìn của Bồ tát, bồ đề tâm như con mắt sáng, thấu suốt mọi chốn an nguy. Bồ đề tâm như chính đạo dẫn người di thoát khỏi tà kiến, như cỗ xe chuyên chở Bồ tát đến khắp mọi nơi, như cánh cửa rộng mở đón nhận công hạnh của chư bồ tát, như căn nhà, ai ở trong đó đều thấy yên ổn, như cha mẹ hiền nuôi dạy tất thảy con cái, như người bạn tốt giúp ích mọi người. Bồ đề tâm rộng như biển cả, cao như núi Tu di với lòng bình đẳng; to như hư không, chứa đủ diệu kỳ, rộng lớn vô biên. Cũng như hạt giống có thể sinh sôi mọi pháp Phật, Bồ đề tâm giống như ruộng tốt đẻ hạt nảy mầm, phát triển; đức Bồ tát là những người cày cấy siêng năng chăm sóc, tạo mọi duyên lành khiến hạt mau lớn, mang lại phì nhiêu và phước lành từ bi
Nếu bồ đề tâm là nước sạch,thì bồ tát là người đem nước này đến với chúng sinh,khiến cho mọi người khởi tâm hy vọng, thoát khỏi buồn khổ, không bị quá khứ đè nặng. Nếu Bồ đề tâm la gió thổi, thì đức Bồ tát lại là người đem gió ấy vào lòng chúng sinh. thổi tan cố chấp, hung bạo dữ dằn; mở khai từ bi,hướng thượng tu hành, bước theo con đường chính đạo.
Giống như ngọn lửa mạnh, Bồ đề tâm đốt tan mọi tà kiến mà Đức Bồ tát là người mang lửa tình thương đến chúng sinh để thiêu rụi mọi cố chấp cực đoan, suy tư hạn hẹp. Nếu Bồ đề tâm được ví như mặt trời, thì Bồ tát là người khởi tạo để mặt trờì Đại bi chiếu tới mọi tâm thái. Cốt lõi của hạnh hàm dưỡng là nuôi dưỡng bồ đề tâm, là tinh thần rường cột để thực hiện lòng nhu thuận, tha thứ không bờ bến. Bồ đề tâm giống như đèn sáng tỏa chiếu chân lý quang minh, còn Bồ tát là người đem ngọn đèn ấy ân cần dạy dỗ chúng sinh, ngắm nhìn vạn chuyện thăng trầm dể vững tâm mạnh bước trên con đường giác ngộ.
Hạnh minh châu Minh mang hàm nghĩa ánh sáng là quang minh, còn châu là viên bảo ngọc. Hạnh mimh châu là công hạnh khai mở và vận dung viên ngọc chân tâm bất sinh, bất diệt có ở trong tâm. Đó là đức hạnh tu trì viên ngọc sáng, khiến vô lượng công đức có thể khởi ánh quang minh trong vũ trụ sinh diệt. Cốt lõi của minh châu là triển khai quang minh tâm bồ đề.
Kinh Hoa nghiêm nói ngọc Tịnh Quang Minh,át sắc sáng của những ngọc khác; Ngọc Hỏa Diệm chiếu tan mọi tối tăm, ngọc Tự Tại Vương chiếu thấu vật sáng nhật nguyệt, ngọc hải Tạng hiển hiện tất cả những việc trang nghiêm trong biển cả…. riêng Bồ đề tâm, được Bồ tát ngồi thuyền đại nguyện vớt về giải thoát. Ngọc bồ đề tâm của đại bồ tát hiển hiện tất cả những việc trang nghiêm trong biển trí huệ. Ngọc bồ đề tâm quang minh là ánh sáng huệ, tình thương; là ánh sáng của đại nguyện, an lạc và muôn vàn lành trị, đem lại niềm tin làm hoan hỉ hạnh phúc. Tay đại bồ tát lúc nào cũng cầm viên ngọc ma-ni tỏa sáng hào quang. Tích xưa truyền lại rằng, đại Bồ tát vào địa ngục, quang minh ngọc chiếu sáng phá tung cửa ngục, vạc dầu sôi, lửa tra tấn đều bị dập tắt và sen hồng nở rộ. Viên ngọc báu của đại bồ tát là hình tượng công hạnh tu tập từ vô lượng kiếp để ban cho chúng sinh ánh sáng hy vọng, khai mở lương tâm sức mạnh nội tại, đức tin, sự lành trị, an lạc, thức tỉnh, vô úy, hài hòa. Nếu cốt tủy của minh châu hạnh là quang minh bồ đề tâm, thì rường cột của hạnh này là ngừng những thói quen, tật xấu phủ kín quang minh
Hạnh tích trượng còn gọi là thanh trượng, trí tượng, đức tượng. Tích trượng là một cây trượng chư tăng thường dùng để dựa, chống khi đi đường hoặc xua những thứ độc xà, ác thú trên đường đi trong núi rừng. Khi bồ tát đi khất thực Ngài thường rung tích trượng để thí chủ nghe biết sự hiện diện của ngài. Tích trượng có tác dụng nương tựa, chống đỡ;giống như Bồ tát được coi là chỗ nương tựa của chúng sinh. Với ai nhập thế giúp đời, tích trượng giúp họ dựa vào để thành tựu công hành cứu nhân, độ thế. Cũng như tích trượng có thể xua duổi rắn độc,thú dữ; Bồ tát có khả năng xua đuổi tâm lý dữ dằn, không cho tiêm nhiễm thói hư, tật xấu.
Trong thời mạt pháp, lòng tham ích kỷ tăng nhanh, chân lý đạo đức dễ bị xóa nhòa cùng với cạm bẫy mê mờ. Chấn tích trượng là để xua tan quỷ dữ, xóa bỏ ý niệm sa ngã, dễ bị cám dỗ, độc ác, thích làm tổn hại người khác. Do tính xấu, nghiệp chướng còn vô lượng, vô biên và cảnh dữ cũng không sao kể xiết, chấn tích trượng là dể biến hóa, xua tan hết chướng nhân chướng duyên, chướng nghiệp cản trở sự lớn mạnh của tâm bồ đề.
Từ thân tâm của 6 giác quan với tai, mắt, mũi, lưỡi, thân,ý được hình thành gọi là lục nhập, Theo đó, giác quan tiếp xúc ngoại cảnh gọi là xúc, ngoại cảnh truyền vào là thọ.Quá trình tiếp xúc ghi nhận, tâm thái yêu thích và ghét bỏ nổi dậy, khi yêu muốn nắm giữ gọi là thủ, còn ghét bỏ là xả . Trên tích trượng, đầu có 12 khoen, khi rung động sẽ tạo tiếng kêu cảnh báo. 12 khoen tượng trưng cho 12 nhân duyên sinh vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão,tử liên hoàn và ràng buộc lẫn nhau.
Khi rung tích trượng là lúc Bồ tát muốn thức tỉnh chúng sinh thoát khỏi vòng kiềm tỏa liên hoàn của dục vọng biến ảo; thức tỉnh tha nhân trở về hợp nhất với bản tính khai mở, nhận diện duyên khởi của vạn sự biến động để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, vô minh và mê nuội.
Hạnh vô lượng phương tiện. Kinh phật kể rằng, khi đức Thế tôn thuyết pháp có vô số chư thiên,bát bộ, quỷ hần đến hội tụ. Phật hỏi Bồ tát Văn Thù có bao nhiêu người tham dự? Văn Thù thưa… trải qua trăm ngàn vạn kiếp tính đếm thì không thể nào kể xiết số người tham dự!. Phật bảo, Thánh phàm tới tham dự đều do Bồ tát Địa tạng hóa độ, sức mạnh trí huệ, sức mạnh thần thông, sức mạnh phương tiện,, sức mạnh phụng hiến của đức Địa Tạng thật kim cổ vô song, Tuy đã giải thóat, song đức Địa Tạng vẫn ở lại cứu độ chúng sinh, vẫn vui vẻ sống trong sinh tử, làm người giáo hóa, không ngừng cứu độ, vận chuyển chúng sinh tới bờ giải thoát đến cõi Niết bàn. Đối với vô lượng vô biên ác nghiệp, Đức Bồ tát có đủ phương tiện để giúp thức tỉnh chúng sinh. Ngài dùng ngôn giáo, thân giáo hoặc tạo ra hoàn cảnh sống và bằng tác động trực tiếp hay gián tiếp hoặc phân thân dến khắp mọi nơi để giáo hóa, thức tỉnh chúng sinh Công hạnh ấy được gọi là vô lượng phương tiện
Vô biên Đại nguyện. Nguyện là những điêù hoặc việc đã hứa với tha nhân, với chúng sinh nhằm cải thiện nhân cách, thái độ và lối sống. Đây không phải là điều mong ước vị ngã ích kỷ chỉ để thụ hưởng mà là sự hy sinh hạnh phúc của mình cho tha nhân. Phát nguyện là khởi tâm dám hy sinh vì người, đường đi của Bồ tát là con đường do phát nguyện mà thành. Nhờ phát nguyện và làm theo nguyện, Bồ tát đã có được thành tựu phương tiện thiện xảo. Chư bồ tát dạy chúng sinh,mạnh dạn phát nguyện vì vô vàn sinh linh. Khi bồ tát trồng một gốc lành nho nhỏ, ngài đã hồi hướng gốc này tới mọi chúng sinh, mong rằng ai cũng được thanh tịnh, đi tới chốn cứu cánh tu hành, xa rời địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và vô lượng khổ não
Vô biên đại nguyện là nơi trú ngụ để tâm linh có chốn nương tựa, tránh được khổ đau; là nơi bảo vệ, không để phiền não, buồn rầu xâm hại; là chỗ trở về chấm dứt mọi thứ sợ hãi, lo âu. Như con đường lộ, vô biên đại nguyện dẫn chúng sinh tới nơi chính giác; là nơi yên ổn giúp tha nhân tìm đến hạnh phúc nội tại; làm ánh quang minh, xóa tan bóng tối ngu si tầm thường. như ngọn đuốc sáng, vô biên đại nguyện đốt rụi vô minh, tối tăm, sợ hãi; trở thành ngọn đèn soi tỏ con đường thanh tịnh dẫn chúng sinh tới chân thật vô vi. Đáy lòng của các Bồ tát là biển cả tình thương; mỗi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động đều như dấy lên một tình thương, tỏa rộng trong tâm thức của mỗi chúng sinh.Những gì được gọi là công đức đều là kết quả của sự dấy khởi từ tình thương vô hạn và sự lan tỏa này còn được gọi là hạnh hồi hướng.
Không có tình thương vô hạn sẽ chẳng có vô biên đại nguyện. Thiếu vô biên đại nguyện thì không có được thành tựu vô lượng trí tuệ và càng không có vô lượng phương tiện thiện xảo. nếu ví đèn là bồ đề tâm thì dầu là tình thương vô hạn, tim đèn là đại nguyện, ánh sáng là đại trí. Bởi vậy, theo các nhà Phật học, thành tâm sám hối chính là khai mở tình thương vô hạn từ trong đáy lòng của mỗi chúng sinh.
Thay cho lời kết
Triết học, tôn giáo là những hình thái xã hội đa dạng và phức tạp. Căn cứ vào điều kiện ăn ở, tôn giáo đưa ra giáo lý về nghi lễ, thái độ để định thành kinh sách, lấy triết lý tinh thần để dẫn dắt tín đồ đến hạnh phúc, siêu thoát hoặc dùng quan hệ giáo lý thần linh thông qua sám hối, xin tha thứ để được lên thiên đàng.
Từ hàng vạn năm dựng nước và giữ nước, trong tâm thức và sinh hoạt, cộng đồng người Việt đã không bỏ qua triết lý sống dựa vào truyền thống đạo đức gia đình và niềm tin Thánh Thần trong tôn giáo truyền thống dựa trên triết lý dân tộc. Bài viết tiếp sau, tác giả sẽ có đôi nét lạm bàn.