Kéo co – Trò chơi mang tính văn hóa tín ngưỡng
Kéo co được biết đến là trò chơi dân gian lâu đời của người Việt Nam chúng ta. Đó không chỉ là môn thể thao mang tính tập thể, thể hiện sức mạnh và tinh thần đoàn kết giữa mọi người với nhau mà kéo co còn là trò chơi dân gian mang tính tâm linh. Thông qua nghi lễ và trò chơi kéo co, người dân ở các địa phương muốn gửi gắm khát, niềm tin và nguyện ước đến với thần linh và các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm. Trò chơi kéo co thường phổ biến ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, tuy nhiên tại mỗi địa phương thì việc nghi lễ và trò chơi kéo co lại có những nét đọc đáo và riêng biệt thể hiện đặc trưng của từng vùng đất đó.
Trình diễn nghi lễ và trò kéo co ở hội làng thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh
Điển hình như tại tỉnh Vĩnh Phúc vào những ngày đầu năm mới họ thường tổ chức những giải thi kéo co với nhau. Không phân biệt già trẻ, gái trai, không có đua tranh quyết liệt để giành phần thưởng cho đội chiến thắng và cũng không giới hạn thời gian, lễ hội kéo co của thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường thường diễn ra từ ngày 4 đến 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tưởng nhớ nữ tướng Lê Thị Ngọc Chinh với tích truyện bỏ đá cuội vào thắt lưng bao làm vũ khí đánh giặc thời xa xưa.
Các nghi thức như tế lễ, chia dây… được thực hiện theo phong tục. Trò chơi mang đậm nét văn hóa dân tộc, là món ăn tinh thần cổ vũ người dân hăng say lao động và ngày nay thu hút khá đông khách du lịch cùng nhân dân địa phương tham gia. Cũng vào dịp đầu xuân năm mới, lễ hội truyền thống Kéo song thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên cũng được tổ chức trong dịp vui Tết, đón Xuân từ mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng, nhằm mô phỏng lại chiến thắng của vua Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Đằng. Trò chơi cổ truyền này xuất phát từ tập quán sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân địa phương, bắt nguồn từ chiến thuật sử dụng dây song điều chỉnh tốc độ của chiến thuyền phù hợp thời gian dâng, hạ nước trên sông. Cho đến ngày nay, cách thức thực hành và những nghi lễ của trò chơi vẫn còn được giữ nguyên…
Lan tỏa truyền thống trong cộng đồng
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghi lễ và trò chơi kéo co đã thể hiện những sắc thái tượng trưng cho nền văn hóa dân gian và tính đa dạng cao. Những cây song, cây tre, dây thừng đều được sử dụng để kéo, là một trò chơi nghi lễ mang tính tâm linh và khát vọng của người dân tại mỗi địa phương.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm “Cộng đồng nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cùng đại diện các cộng đồng thực hành nghi lễ và kéo song thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên và kéo co thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); kéo co thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh); kéo mỏ thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn và cộng đồng kéo co đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội)…
Theo ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Việc ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy sự đánh giá cao của Tổ chức UNESCO với các giá trị của di sản và là niềm tự hào chung của dân tộc, trong đó có cộng đồng cư dân các địa phương và các nghệ nhân, những người chăm lo, gìn giữ phát huy giá trị di sản”.
Sau 5 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đến nay tuy chưa đầy đủ, nhưng đây là lần đầu tiên các cộng đồng nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam gặp mặt. Ông Trần Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hương Canh chia sẻ rằng” Tôi mong muốn hằng quý hoặc hằng năm, các đội kéo co ở các địa phương sẽ gặp mặt trao đổi kinh nghiệm và thực hành để phát huy kỹ năng trò chơi kéo co. Bày tỏ sự đồng tình, các đại diện cộng đồng kéo co đều khẳng định, đây không chỉ là một trò chơi dân gian mà chứa đựng trong đó cả đời sống tâm linh, ước vọng của cộng đồng, đồng thời bày tỏ có sự kết nối liên tục, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học tập lẫn nhau để bảo đảm đa dạng văn hóa trong giữ gìn bản sắc”.
Qua buổi gặp mặt, các đại biểu đều thống nhất thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam góp phần hỗ trợ cộng đồng thực hiện các nghi lễ cũng như góp phần tăng cường quan hệ giao lưu trao đổi gắn kết cộng đồng thực hiện di sản lại với nhau.