Tác phẩm mang đậm màu sắc Phật giáo này đã được lưu truyền hàng trăm năm qua trong các ngôi chùa Việt cổ. Nhà thơ khóc (tế) người chết để đồng thời xót thương người đang sống. Ngoài sáu hạng người phú quý, tác giả dồn hết yêu thương cho những kiếp người vô danh, sống và chết trong lặng lẽ. Với 184 câu thơ song thất lục bát, tác phẩm khởi hành từ miền dương thế, trong bối cảnh “mưa dầm sùi sụt” đầu thu để nhìn về cõi âm phủ. Cảm thương trước bao khổ nạn, nhà thơ kêu gọi những linh hồn vất vưởng cùng về dự đàn giải thoát. Nguyễn Du khóc thương cho mười sáu loại người bất hạnh đã, đang, rồi cũng phải chìm trong bể khổ, với cảm xúc mỗi lúc một bi ai thống thiết…Không chỉ xót thương, ông còn tìm phương cách cứu vớt con người thoát cơn hoạn nạn, giúp con người bớt khổ đau…Văn tế đã khuyên các cô hồn nên thờ Phật giải oan cứu khổ:
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
Nhưng, cho tới những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, ngoài một vài vị cao tăng và số ít Phật tử ra, đại đa số dân chúng không biết đến tác phẩm “Văn chiêu hồn” kiệt xuất này...
Điều may mắn lớn lao của di sản văn học - văn hóa dân tộc là: bản khắc gỗ có thể là duy nhất duy nhất còn lại của tác phẩm kỳ lạ này lại được lưu giữ tại một ngôi chùa quê - chùa Diệc. Nhưng ngẫu nhiên nào của lịch sử mà tác phẩm lớn “Văn Chiêu hồn” đã được lưu giữ ở một ngôi chùa đầy màu sắc huyền thoại, cách Tiên Điền - Nghi Xuân, quê cha Nguyễn Du hơn 15 cây số? Đó là một vấn đề lý thú đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu văn học, sử học.
Lần đầu tiên được nghe kể về ngôi chùa này qua một thiên bút ký của nhà văn Võ Văn Trực người Nghệ An (Sách “Thượng nguồn và châu thổ,” Nxb Thanh Niên, 2003), phải hơn chục năm sau chúng tôi mới đến được với ý định làm phim nằm trong dự án “Ký sự chùa Việt”, nhưng khi đó chùa đang chuẩn bị trùng tu. Đó là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Vinh. Được khởi dựng từ cuối thời Trần, chùa Diệc có kiến trúc bề thế, từng là trung tâm văn hóa tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ, có giá trị lớn về kiến trúc và lịch sử. Nhưng nay chỉ còn cổng tam quan và hai bia đá phủ đầy rêu phong…
Chùa Diệc còn gọi là Diệc Cổ Tùng Lâm, hay Diệc Cổ Tự. Người sáng lập chùa chắc có ý mượn ý trong Kinh Phật để đặt tên: diệc (亦) – trong cụm từ “diệc bộ diệc xu”, nghĩa là cùng bước theo, cùng chạy theo các bậc tu hành đắc đạo để lên cõi Niết Bàn (Như Lai pháp thân diệc vô trụ xứ - Đại Bát Niết bàn kinh). Cũng có thể từ câu của Trang Tử: “Phu tử bộ diệc bộ, phu tử xu diệc xu” - thầy đi trò cũng đi, thầy chạy trò cũng chạy.
Nhưng dân gian lại có cách giải thích hợp tình hợp lý hơn - dựa theo câu chuyện về một loài diệc do Trời phái xuống làm mưa cho vùng đất hạn hán lâu ngày rồi chết đi, nhân dân thương tiếc xếp xác diệc lại thành gò, và từ gò, một ngôi chùa được xây lên được gọi là chùa Diệc... Chắc là xuất phát từ loài lông vũ họ Diệc (danh pháp khoa học Ardeidae) là họ chứa một số loài chim lội nước, từng có lúc được xếp trong bộ Hạc (Ciconiiformes). Các tên gọi phổ biến của chúng trong tiếng Việt là vạc, diệc, diệc bạch hay cò. Chữ Hồng (鴻) trong từ Hồng Bàng (鴻龐) chính là để chỉ một con chim nước thuộc họ diệc (Thời kỳ Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại của Lộc Tục Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ).
Phải chăng, đàn diệc huyền thoại kia của ngôi chùa thiêng cũng nằm trong cõi Thập loại chúng sinh mà Nguyễn Du chiêu hồn?
Các ghi chép và lời truyền miệng cho biết: Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 3 ha. Chùa có 17 pho tượng cổ, những bức đại tự lưỡng long chầu nguyệt, tòa sen, hương án, lũy cây, vườn tược, hồ sen, v.v như nhiều ngôi chùa quê... Đặc biệt có hai bia đá lớn với những hình chạm khắc tinh vi. Các đôi câu đối: Thiền môn quang phổ độ/ Vĩnh thủy viễn trường lưu ( Cửa thiền rạng sáng sự tế độ và dòng nước sông Vĩnh đón nguồn từ xa) - Nhân tâm cầu hòa lạc/ Phật pháp thượng tín trung (Lòng người cầu mong sự hòa mục và phép phật ưa chuộng điều tín điều trung )...
Cũng theo sử sách và trí nhớ của các lớp người già cả, nơi đây từng in dấu chân của nhiều tao nhân mặc khách, nhiều nhà chí sĩ yêu nước...Thời Cần Vương, đây là nơi gặp gỡ của nhiều Văn thân bàn tính lập mưu đánh Pháp, và đầu nghĩa quân đã rơi xuống tại Quán Lau gần chùa... Những năm đầu thế kỷ XX, chùa là nơi liên lạc bí mật của Phan Bội Châu với các đồng chí. Tháng 3-1926, hội Phục Việt đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại chùa Diệc đòi xóa án Phan Bội Châu và truy điệu Phan Châu Trinh... Chùa Diệc đã mở cửa đón tiếp cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế về thăm quê Nam Đàn...
Nhưng nguyên cớ nào mà “Văn Chiêu hồn” đã được thế gian biết đến để bước vào kho tàng văn học chữ Nôm quý giá của dân tộc?
Phía bắc chùa là trường Quốc học Vinh được thành lập từ năm 1920, đó là cái nôi của nhiều thế hệ trí thức đầu tiên: những nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị... Thầy trò trường Quốc học với chùa có mối liên hệ mật thiết. Năm 1926, tại chùa, thầy giáo Lê Thước đã phát hiện được bản in từ ván khắc gỗ duy nhất tác phẩm “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du. Trao đổi với ông Võ Hồng Hải lúc đó là Giám đốc Sở VH-TT-DL (giờ là Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi được biết: cha của ông, nhà nghiên cứu văn hóa nổi danh Võ Hồng Huy đã là người sau cùng gìn giữ bản khắc gỗ quý báu này.
Thường vào ngày chủ nhật, thầy Thước sang đàm đạo với vị sư trụ trì học vấn uyên thâm, mê văn chương. Đó cũng là thời kỳ thầy Thước say mê nghiên cứu về Nguyễn Du, ông đã viết cuốn "Truyện cụ Nguyễn Du"... Tình yêu và công phu lao động của thầy đã được một phần thưởng lớn mà chỉ người làm công tác nghiên cứu văn học cổ - trung đại mới thấm hết: lẽ đương nhiên, với mối tình thâm, sư thầy đã đưa nhà nghiên cứu văn học Lê Thước xem bản “Văn chiêu hồn” được in từ bản ván khắc duy nhất tại nhà chùa (2). Thế là ông tìm được tác phẩm Nôm đã từng lưu lạc hàng trăm năm chưa hề được nhắc đến... Bắt đầu từ đó, các thế hệ người dân Việt Nam mới bắt đầu được khóc cùng đại thi hào họ Nguyễn qua những câu thơ xé lòng xé ruột không kém kiệt tác “Thiên thu tuyệt diệu từ” Truyện Kiều:
“Thương thay thập loại chúng sinh”
“Thương thay cũng một kiếp người”
“Đau đớn thay phận đàn bà”
“Lòng nào lòng chẳng thiết tha”
“Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”
Ngày hôm nay khi vào một ngôi chùa quê - đặc biệt là những “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến), ta như còn nghe văng vẳng lời cảnh báo của đại thi hào trong tiếng khóc lớn của ông: con người sẽ còn chịu cảnh trầm luân mãi mãi cùng “thập loại chúng sinh”, nếu không mau chóng kịp thời bừng tỉnh để thoát khỏi vòng mê đắm của bả phú quý vinh hoa, của dối lừa, tham lam, độc ác… “Vòng mê đắm” này đang bắt đầu tràn ngập xã hội ta, và cũng đang dần “nhuộm đen” cả không ít nơi thờ tự linh thiêng của Phật giáo…
_________________
1. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Văn chiêu hồn” chưa chắc đã là của Nguyễn Du. Nhưng phần đông nhà nghiên cứu đã khẳng định: Tác phẩm đó chính là của Đại thi hào.
2. Có tài liệu nói: Bản “Văn chiêu hồn” cổ hơn là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại (nên được gọi là bản Chính Đại), được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Từ bản này và bản tại chùa Diệc, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn khảo chứng, hiệu đính kỹ lưỡng và đã đưa ra một văn bản khác có độ tin cậy cao hơn.