Nhà tôi ở cạnh nhà thờ, thường thì vẫn lấy tiếng chuông nhà thờ để biết thời gian. Người làng tôi hay nói : này dậy đi thôi, chuông nhà thờ rồi đấy hoặc làm vậy thôi, còn đâu để đến chiều, chuông nhà thờ rồi đấy. Lớn lên tôi hỏi u tôi :
-Thế u đẻ con ra lúc mấy giờ?
- Lúc ấy có đồng hồ đâu, chỉ nhớ là đẻ mày ra được một lúc thì chuông nhà thờ buổi sáng.
Vậy đấy, tiếng chuông nhà thờ còn có chức năng là cái đồng hồ của cả làng.
Mùa đông thì bốn rưỡi sáng là chuông to,năm giờ là chuông nhỏ còn mùa hè thì
bốn giờ là chuông to,bốn rưỡi là chuông nhỏ. Tiếng chuông to là để đánh thức mọi người. Tiếng chuông nhỏ là bắt đầu giờ hành lễ.
Tôi nằm trong chăn ấm nói với u tôi :
- Rét thế này thì làm gì có ai dậy sớm đi lễ hả u?
- Vẫn có người đi , các ông bà già ở gần nhà thờ vẫn dậy sớm đi lễ đấy.
Thế rồi có hôm phải dậy sớm đi nhổ cây su hào giống tôi gặp các ông các bà đi lễ sớm, nhìn vào nhà thờ cũng được hơn chục người. Tuy ít nhưng cũng đủ thấy đức tin của họ thế nào.
Mười hai giờ trưa là chuông to,một chuông và một hồi dài
Bốn rưỡi chiều là chuông to báo lễ
Năm giờ chiều là chuông nhỏ báo giờ lễ bắt đầu
Khoảng sáu giờ chiều là chuông tan lễ. Những hôm nào có lễ trọng thì muộn hơn.
Những ngày lễ trọng thì kéo cả hai chuông to,tiếng chuông bing...bang......bing...bang... hòa vào nhau, vang xa,nghe hay lắm.
Bất giác nhớ đến câu hát trong bài " Làng tôi" của nhạc sĩ Văn Cao : " làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung" . Khung cảnh êm đềm và nên thơ ,tiếng chuông nhà thờ lan vào trong xóm, lan ra cánh đồng, tỏa ra một thứ thanh âm cuộc sống nhẹ nhàng thân thuộc xiết bao.
Thời ấy đất nước còn chiến tranh,khó khăn đủ bề . Xã tôi chưa có trường học, cấp một và cấp hai học ở nhà thờ, đình chùa và các nơi thờ tự thời phong kiến trước đây. May mà các cụ ngày xưa cũng chịu khó xây dựng nên chúng tôi còn có chỗ để học hành.
Tôi học cấp một và hai năm cấp hai ở nhà thờ vì thế quen tiếng chuông lắm và biết hết những ngày lễ trọng trong năm của bên Công giáo.
Những ngày ấy hoặc là chúng tôi được nghỉ, hoặc là được về sớm.
Nhà thờ lúc bấy giờ không có Cha. Sau khi Cha Hanh tạ thế năm một nghìn chín trăm sáu tám thì nhà thờ không có cha nữa. Phải đến những năm một nghìn chín trăm chín mươi mới có Cha xứ cai quản.
Kéo chuông ở nhà thờ là ông bà từ Tầu. Chẳng biết tên thật của ông bà là gì, thấy mọi người cứ gọi là ông Tầu bà Tầu.
- Rau bà Tầu, dầu bà Giáo,áo cô Sợi
Ông bà làm rau,bèo ở hai cái ao trước sân nhà thờ, mùa hè thì rau muống, mùa đông thì rau cần. Ông bà chăm rau đặc biệt non,dài trông ngon mắt lắm , bó rau muống xòe ra, ngọn dài non đẫy,bó rau cần trắng nõn dài vắt qua cái sảo.
Rau của bà đem ra chợ bán hết ngay, người ta tranh nhau mua ấy chứ.
Ông bà không có con đẻ, nhận bác Quán làm con nuôi.
Nhà thờ cho ông bà một gian nhỏ ngay sát hang đá để ở.
Bể nước mưa trong nhà thông với nước mưa hứng từ hang đá nên ngọt và mát lắm. Lũ học sinh chúng tôi ra chơi đùa nhiều khát nước chạy vào nhà ông bà vớ cái gáo dừa vục xuống bể đưa lên miệng tu ừng ực, nhiều khi cũng chẳng kịp nói câu cho cháu xin gáo nước nhưng ông bà cũng chẳng nói gì. Tôi nhớ lâu lâu trời không mưa là bể cạn nước vì lũ học sinh uống khỏe quá.
Ông bà kéo chuông xong thì vắt hai dây chuông vào nhau và ném lên cao thế nhưng thi thoảng mấy ông tướng vẫn nghịch ngợm công kênh nhau lên gỡ xuống và kéo trộm đánh" boong" một tiếng . Ông cầm cái gậy từ trong nhà chạy ra la lối, chúng tôi sợ quá chạy bán sống bán chết, nhưng mà lâu lâu vẫn nghịch,vẫn kéo trộm chuông. Nghĩ lại đúng là nhất quỷ nhì ma.
Ấy vậy nhưng không đứa nào dám kéo trộm chuông nhỏ vì chuông nhỏ ngoài việc báo giờ lễ còn được kéo lên khi có người bên Công giáo qua đời. Đàn ông chết báo bẩy tiếng, đàn bà chín tiếng cho nên kể cả những ông tướng táo tợn nhất cũng không dám đụng vào chuông nhỏ.
Sau này đi học xa ,thỉnh thoảng về nhà vẫn nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đều đặn như xưa và rồi cũng chẳng nhớ ông bà đã về với Chúa từ khi nào.
Những người Đạo gốc họ cứ sống với một đức tin sâu thẳm như vậy.
Theo Chuyện làng quê