Người dân được lợi gì khi kết nối mạng nhà thuốc?

Xin gửi tới cộng đồng bài viết: Khi kết nối cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, không chỉ cơ quan quản lý mà người dân cũng có thể dễ dàng tra cứu được giá thuốc, đăng trên Vietnamnet.

Trước tình trạng bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các thuốc kháng sinh khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày một cao, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn cũng như triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc nhằm kiểm soát việc bán thuốc không kê đơn, làm giảm tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.

Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. Cơ quan Nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong việc quản lý thuốc.

Hiện tại, đã có khoảng 41.000 cơ sở bán lẻ thuốc kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, chiếm hơn 66%, trên tổng số 61.900 cơ sở bán lẻ thuốc trên cả nước.

Người dân được lợi gì khi kết nối mạng nhà thuốc?
 Không chỉ có lợi cho cơ quan chức năng, khi kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia, người dân cũng dễ dàng tra được nguồn gốc thuốc, giá, hạn sử dụng cùng nhiều thông tin khác

Theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Y tế, nếu đến đầu năm 2020 các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt các cơ sở bán lẻthuốc thì sẽ phải dừng việc buôn bán thuốc.

Cả nước đang có khoảng 70 công ty cung cấp phần mềm kết nối với giá dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/tháng nên các nhà thuốc có quyền lựa chọn nhà cung cấp tuỳ theo nhu cầu. Mỗi phần mềm có độ mạnh, yếu khác nhau nhưng đều có chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” bao gồm dashboard theo dõi kết quả liên thông dữ liệu; quản lý kho quốc gia; quản lý hoạt động nhập xuất, kinh doanh của từng nhà thuốc; truy xuất nguồn gốc và hoạt động nhập, xuất, tồn, bán hàng của từng thuốc, từng lô; quản lý hóa đơn; quản lý đơn thuốc; kiểm tra được hạn sử dụng, cảnh báo thuốc sắp hết hạn; công khai được API cho liên thông dữ liệu; chuẩn hóa danh mục 52.000/60.000 loại thuốc.

Khi kết nối liên thông, chủ nhà thuốc có thể giảm thiểu từ 50 - 70% thời gian quản lý kiểm đếm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu, mỗi giao dịch chỉ cần từ 30 giây đến 1 phút.

Đối với Bộ Y tế, Sở Y tế, hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; Kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; Kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào 1 số nhà cung cấp; Truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định.

Đối với người dân, hệ thống giúp tra cứu, truy xuất được giá cả, hạn sử dụng, nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng đồng thời người dân cũng nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng…

T.Thư