Hai dự án...chung một số phận
Theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản lớn với quy mô 10 - 200 ha, đã được quảng cáo và tiếp thị bán đất nền, biệt thự từ nhiều năm qua. Mặc dù thành phố đã giao đất cho chủ đầu tư từ lâu nhưng hầu hết dự án đều rơi vào thảm cảnh thi công dở dang, bị bỏ hoang hàng chục năm qua...
Theo UBND huyện Mê Linh, các doanh nghiệp đã triển khai xây dựng đường xá, điện nước, xây các dãy nhà biệt thự, liền kề... và bán cho người mua từ hơn chục năm trước. Nhưng đa phần chủ sở hữu không hoàn thiện và về ở, khiến các khu đô thị gần như bị bỏ hoang ngay giữa Thủ đô.
Hàng trăm căn biệt thự ở Khu đô thị Galeximco Lê Trọng Tấn giờ vẫn hoang lạnh, lác đác bóng người ở.
Điển hình nhất là dự án khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh). Dự án này có tổng vốn đầu tư là 900 tỷ đồng, do CTCP Hà Phong (có cổ đông chính là Pacific Corporation và Geleximco) làm chủ đầu tư.
Khởi công từ năm 2004, dự án Khu đô thị Hà Phong có quy mô rộng hơn 41,8ha. Trong đó có hơn 20ha đất được phép xây dựng 444 căn biệt thự và 279 căn hộ liền kề, 3ha được xây dựng chung cư cao tầng, văn phòng; còn lại là đất công viên và hạ tầng giao thông. Chủ đầu tư đã xây dựng nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề, làm hạ tầng giao thông nhưng chỉ ở dạng nhà thô, chưa hoàn thiện. Lác đác mới có một vài người sửa nhà, hoàn thiện gần đây.
Tại dự án này, người dân có nhu cầu ở thực cũng khó lòng chấp nhận cảnh sống hoang lạnh, không có tiện ích. Còn người muốn bán cắt lỗ cũng gặp bế tắc vì không có người mua, giá đất chỉ từ 9-11 triệu đồng/m2. Trong khi thời kỳ sốt đất, những căn biệt thự rộng từ 360-500m2 có giá tới 18 – 22 triệu đồng/m2. Công ty Hà Phong cũng chưa có động thái khởi động lại, Khu đô thị Hà Phong vẫn trong trạng thái “đóng băng” vì không có giao dịch, giá giảm sâu...
Sau 15 năm triển khai, đến nay nhiều khu nhà biệt thự, liền kề trong khu đô thị Hà Phong đã xuống cấp, hoang tàn, khuôn viên trở thành nơi chăn thả bò, dê...
Không chỉ ở Mê Linh, Geleximco cũng chịu tai tiếng tại dự án khu đô thị lớn khác tại đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) có mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2008 với quy mô 135ha, dự kiến trở thành khu đô thị kiểu mẫu có đầy đủ hạ tầng: nhà chung cư, biệt thự, sân golf, thể thao, siêu thị...Geleximco cũng quảng bá bán hàng rầm rộ, tạo nên cơn sốt đất ở khu vực này, nhất là khi quận Hà Đông được sáp nhập về Hà Nội.
Nhưng suốt chục năm qua, dự án 3.000 tỷ đồng này cũng rơi vào cảnh hoang vu, ảm đạm vắng bóng người. Có hàng trăm ngôi nhà đang trong tình trạng bỏ hoang tại dự án này, chỉ lác đác vài căn nhà đang được chủ nhà hoàn thiện để về ở. Còn phần lớn là giới đầu tư mua đi bán lại trên giấy tờ, không có nhu cầu ở thực.
Geleximco lấy tiền đâu làm dự án?
Geleximco được biết đến là tập đoàn đầu tư đa ngành ở nhiều mảng hoạt động như bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin và sản xuất công nghiệp.
Đến nay Geleximco có mức vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm thành lập Geleximco, tháng 5/1993, ông Vũ Văn Tiền cũng góp vốn lập Ngân hàng An Bình (ABBank).
Qua nhiều lần tăng vốn, hiện ABBank đã nâng vốn lên mức 5.300 tỷ đồng. Ông Vũ Văn Tiền từng nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ABBank và rút lui tại ĐHCĐ thường niên năm 2018. Thay thế là ông Đào Mạnh Kháng, Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước và là em rể ông Tiền. Dù không còn là Chủ tịch HĐQT ABBank, nhưng ông Tiền được cho là vẫn có ảnh hưởng rất lớn tại ABBank.
Được biết, ông Vũ Văn Tiền và ông Đào Mạnh Kháng là đại diện từ nhóm cổ đông Geleximco sở hữu 20,7% vốn của ABBank. Trong đó, công ty do ông Tiền đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc sở hữu 12,99% vốn ABBank. Geleximco là cổ đông lớn thứ 2 tại ngân hàng này, chỉ sau Malayan Banking Berhad (Maybank). Cá nhân ông Tiền cũng sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu ABB...
Trong hệ sinh thái doanh nghiệp họ Geleximco, ông Vũ Văn Tiền còn là cổ đông lớn ở nhiều công ty như Công ty CP Ngôi sao An Bình (ABSC), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG), Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán.
Đáng chú ý, Geleximco và các cá nhân nắm cổ phần chi phối Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) – đã được ABBank đều đặn cho vay khoảng 5.000 -8.000 tỷ đồng mỗi năm với lãi suất thấp. Mục đích khoản vay được thuyết minh là “hỗ trợ tín dụng các nhà đầu tư”, song đích đến của dòng tiền nghìn tỷ này thực chất chảy đi đâu hiện chưa rõ ràng...
Trong hơn mười năm qua, Geleximco và các công ty trong hệ sinh thái đã liên tục mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, với hàng loạt dự án khu đô thị quy mô từ vài nghìn tỉ tới 10.000 tỷ đồng, dự án BT giao thông...Dù không được công khai thông tin, song việc Geleximco và nhóm cổ đông lớn đang nắm quyền điều hành chủ chốt, sở hữu cổ phần của ABBank, không loại trừ ngân hàng có thể được sử dụng như là "kho" tài chính cho các dự án này của Geleximco.
Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho công ty mà người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT hoặc thành viên Ban kiểm soát ngân hàng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng, người có liên quan không được vượt quá lần lượt là 15% và 25% vốn chủ sở hữu của ngân hàng (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).
Cho đến nay, ABBank đã “bơm” bao nhiêu tiền cho Geleximco và nhóm công ty liên quan của các cổ đông lớn để đầu tư bất động sản vẫn chưa được công bố cụ thể. Liệu rằng ABBank đã tiến hành thẩm định cho vay kỹ lưỡng các dự án của nhóm khách hàng “thân hữu” này chưa, có đảm bảo tuân thủ các quy định về giới hạn cho vay và tài sản đảm bảo hay không, kiểm soát vốn sử dụng đúng mục đích... là những câu hỏi chưa có lời giải đáp?
Trước những luồng thông tin có liên quan nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm vào cuộc làm rõ để tránh những rủi ro cho người tiêu dùng và những tác động không tốt đến thị trường vốn và thị trường bất động sản...?!