Năm nào hội làng cũng có những người từ rất xa về lễ vì đình làng tôi thờ ông tổ nghề tóc của VN. Năm nay tôi còn nhìn thấy cả GS sử học Lê Văn Lan về dự lễ hội cùng với những người trang điểm cầu kỳ tóc tai nhuộm đủ màu xanh đỏ và nói đủ giọng trung nam bắc ! Họ làm lễ rất trang trọng với lễ vật hậu hĩnh. Không biết có phải vì làm nghề phục vụ người không nhưng tôi thấy người làng tôi ăn nói rất nhẹ nhàng lịch sư. Dù họ ít học hay có trình độ cao họ đều lịch sự nho nhã. Nhất là các bác ,các ông bà cao tuổi. Họ còn rất nhân hậu nữa.
Tôi có một người bạn nhà ở Láng Thượng sau đó đi công tác lập gia đinh và định cư ở TP Hồ Chí Minh. Lần nào ra Hà nội thăm cha mẹ cũng tới thăm một cụ bà trong họ nhà tôi vì bà đã cứu mẹ của bạn ấy trong lần mẹ bạn ấy sinh cậu em trai thứ hai. Cả nhà bạn ấy coi bà là bà ngoại. Coi các con của bà là các cậu các dì của minh.
Bà nội tôi cũng rất nhân hậu và hiền lành. Bà yêu quý mẹ tôi như con gái. Mẹ chồng và con dâu chưa bao giờ có tiếng bấc tiếng chì nào. Bà đi bán hàng quà vặt như hạt mít luộc. lạc luộc. khoai luộc. sắn luộc để giảm đỡ gánh nặng cho các con nhưng trẻ con không có tiền bà sẽ cho chúng ăn mà không lấy tiền. Cả làng chỗ bà bán hàng đều yêu mến bà. Khi bà mất họ đến tụng kinh cho bà mà không cần mời gọi. Bà có hai người con nuôi. Một người là gái bà nuôi từ nhỏ khi gia đình tản cư vào Thanh Hóa. Khi cô ấy lớn bà gả chồng cho cô rồi mới quay về Hà nội. Một người con trai nhận là con trai bà khi bà mua táo và chuối của chú ấy. Thấy chú đói mà không dám ăn để mang tiền về cho vợ nuôi đàn con bà gọi chú ấy đến và mời chú ăn cơm. Chú ấy coi ông bà tôi như bố mẹ nuôi. Khi bà tôi ốm nặng cô vợ chú còn sang chăm bà như mẹ đẻ. Bà chỉ có một mình bố tôi. Ông nội tôi mất sớm từ năm Ất Dậu 1945 Lúc đó mất ở đâu cũng không biết. Sau đó bà tản cư theo kháng chiến bà nuôi một anh vệ quốc đoàn bị thương và ốm nặng chính là ông nội sau của tôi. (Chuyện về ông tôi sẽ kể sau )
Khi ông bà tôi mất có ba người con làm cả làng ngơ ngác.
Bà ngoại tôi cũng hiền lắm. Và rất thương các cháu. Ông ngoại cũng mất sớm. Bà ở vậy từ lúc chưa đến 40 tuổi nuôi một đàn con 4 đứa. Buôn gánh bán bưng là từ để chỉ công việc của bà. Chỉ là một gánh hàng nhỏ như chanh ớt gừng tỏi… buôn đầu chợ bán cuối chợ mà nuôi được đàn con khôn lớn trong thời buổi loạn lạc chiến tranh.
Vậy mà cả 2 bà của tôi chưa chửi nhau cãi nhau với ai bao giờ. Con cháu cũng vậy.
Bà nội dạy con cháu rất nghiêm. Đi hỏi về chào. Đi đâu phải xin phép. Ăn cơm phải mời người lớn. Ăn xong trước phải xin phép người lớn rồi mới được đứng lên. Anh chị em trong nhà tuyệt đối không bao giờ chửi nhau dành đồ ăn đồ chơi. Anh chị lớn thì phải nhường nhịn các em bé. Ăn trước phải để phần người ăn sau rồi mới ăn. Ăn cơm phải ngậm miệng nhai để không phát ra tiếng tóp tép. Ăn cỗ phải gắp mời mọi người trước rồi mới ăn. Ăn trông nồi ngồi trông hướng ! Nếu thấy thức ăn ít thì chỉ ăn một chút thôi chừa phần cho người khác. Muốn nói chuyện trong bữa ăn phải nuốt hết đồ ăn trong miệng mới được nói. Ho hay hắt hơi phải lấy tay che miệng. Đi ăn nhà hàng hay uống nước phải bớt lại chút đồ ăn đồ uống vì uống nước không uống cả cặn , ăn không vét đĩa. ..
Nói năng phải từ tốn lễ độ. Nếu người lớn đang ngồi tuyệt đối không đi qua trước mặt. Nếu buộc phải đi vì không còn đường khác phải xin phép nếu người lớn cho phép mới đi.
Nhiều lắm!...
Tiếc rằng bây giờ tôi dạy con cũng không được chu toàn như xưa vì hoàn cảnh không cho phép. Xưa gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống nên lễ phép trên kính dưới nhường là lẽ đương nhiên. Gia đình tôi bây giờ ở riêng. Chồng làm ca, vợ bận làm thêm giờ, con ăn bán trú. Rất ít có những lúc quây quần để dạy các con như xưa mình được cha mẹ ông bà rèn dũa. Chúng lớn rồi không biết có giữ được nếp nhà không !?
Bà ngoại tôi nhà nghèo ít học mà nấu ăn ngon lắm. Bà nội cũng vậy. Nhất là các loại chè và bánh của người Hà nội xưa.
Bà dạy mẹ và mẹ dạy lại chúng tôi. Cả cách làm mứt nữa nhưng tôi không có cơ hội làm vì phải kiêng đồ ngọt. Vậy là lại thất truyền. Bây giờ bạn bè gặp nhau cũng ít đến nhà vì sợ phiền những người khác trong gia đình nên các món cầu kỳ như bún mọc. bún thang hay bún ốc.. cũng ít nấu. Chỉ có ngày giỗ ông bà tổ tiên mới làm mâm cơm đầy đủ nem , mọc, giò chả , măng , miến , xôi vò ,xôi gấc... Vậy là cũng mai một dần cái khéo léo đảm đang của người Hà nội xưa.
Tôi không nghĩ mình lại bị nhận ra là người Hà nội khi ra ngoài tỉnh. Tôi không xinh đẹp mảnh mai hay đài các. Không mặc đẹp hay cầu kì. Tôi là một phụ nữ trung niên ăn mặc rất bình thường giản dị , trang điểm nhẹ nhàng lại béo. Tóm lại chẳng có gì đăc biệt. Tôi lên Bắc Giang thăm anh chị chồng , đứng chờ xe buyt ở bến. Tôi mua một chai nước uống và đi về chỗ đứng chờ xe. Bà chủ quán bảo tôi cứ ngồi đi vì xe chưa đến đứng làm gì cho mỏi chân, tôi không lấy tiền ngồi như Hà nội nhà cô đâu mà sợ! Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao chị biết em người Hà nội ? Bà ấy bảo tự nhiên cảm thấy thế thôi chứ không rõ lý do.
Tôi đi mua hàng ở chợ hay cửa hàng ở Bắc giang đều bị nhận ra là người Hà nội. Tôi bảo không phải nhưng họ vẫn khẳng định là đúng. Chả biết mình có gì khác không mà bị nhận ra dễ thế !
Tôi tin rằng cái gì thuộc về bản sắc là khó phai nhòa. Rất dễ để nhận ra nhưng lại rất khó để gìn giữ. Con gái tôi giờ hâm mộ BTS Hàn và thích ăn Kim Bap. Rất thich các món ăn châu Âu như Mỳ Ý, Phô mai Nga , Chân giò xông khó Đưc ,Bơ Pháp , Hoa quả nhập khẩu. Chỉ cơm mẹ nấu thì vẫn thấy ngon nhưng cũng đòi đổi món liên tục. Phong cách rất tự do phóng khoáng chứ không hiền lành nhút nhát như mẹ ngày xưa.
Nhân đọc bài của một bác viết về người Hà nội tôi rất nhớ hai bà của tôi nên tôi viết bài văn này ! Rất mong được sự góp ý của các cô bác anh chị và các bạn ! Chân thành cảm ơn!