Người lính Cụ Hồ trên quê hương Phong Phú

Đó là thương binh, cựu chiến binh Lê Văn Thuyết ở xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa (đồng hương với đại tướng Chu Huy Mân) hiện đang làm Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của thành phố Vinh Nghệ An.

242381332-386498756261044-4970568583556246085-n-1632129279.jpg

Anh Thuyết sinh năm 1947, nhập ngũ chống Mỹ cứu nước năm 1967. Được biên chế vào C1 – D1 – E9 – F304 cùng đơn vị tham gia nhiều chiến dịch như 1968, 1972, 1975 để giải phóng miền Nam. Năm 1972, anh đã là trung úy, (Đại đội trưởng của đại đội từng có trung đội Mai Quốc Ca chiến đấu kiên cường, bất khuất bảo vệ đầu cầu Quảng Trị. Tháng 4 năm 1972 trung đội có 20 chiến sĩ thì 19 đồng chí đã anh dũng hy sinh còn một người bị thương rồi bị bắt và được trao trả năm 1973).

Tháng 9 năm 1972 đại đội của anh còn lại 15 tay súng, phải đánh trả với 3 đại đội địch ở cao điểm 74 trên đất Hải Lăng, Quảng Trị. Anh bị thương, hai ngày sau tỉnh lại mới biết mình đã bị địch bắt. Chúng cho máy bay đưa anh về đồn Mang Cá, chưa vội chuyển anh đi nhà tù vì chưa khai thác được gì. Các vết thương trên người anh nhiều đến nỗi địch rỉ tai nhau (hắn có thể chết). Đêm tháng 22 tháng 2 năm 1973 (mùng 1 Tết Nguyên Đán) lợi dụng bọn địch đã ăn tết no say, anh lặng lẽ rủ được hai người nữa bất ngờ trốn chạy. Được vài trăm mét các anh bị chúng phát hiện, bắn đạn đuổi theo như mưa. (Cho đến nay anh vẫn chưa biết được số phận của hai người kia ra sao). Khi chạy được vào rừng sâu, anh bị một nhóm khác bắt lại. Nghĩ lần này mình có thể chết nhưng rất may đó là nhóm trinh sát quân giải phóng. Mấy ngày sau, anh được trả về đơn vị cũ. Các vết thương phần mềm chưa ổn định nhưng anh vẫn cứ quyết xin ở lại cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh anh vẫn tham gia chỉ huy Đại đội “thần tốc” chiếm tổng kho Long Bình. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 anh lại bị thương bất tỉnh. Đồng chí Lô Xuân Thệ quê ở Yên Bái cùng chỉ huy Đại với anh hy sinh. Ngày 30 tháng 04 anh được quân y khẩn trương chuyển ra Bắc cấp cứu bằng máy bay. Bởi vậy anh không biết được cả nước đang reo hò đại thắng lợi. Điều trị an dưỡng một thời gian, hội đồng y khoa giám định cho anh mất sức 68%. Cuối năm 1975 anh về quê cưới vợ. Năm 1988 anh viết đơn tự nguyện rời đoàn an dưỡng về sống với gia đình. Từ đó bà con quê hương Phong Phú tín nhiệm bầu anh làm xóm trưởng cho đến hết năm 2018.

Tôi cũng là thương binh an dưỡng với anh sau chiến tranh ở một khu điều dưỡng, nghe tin về quê anh được bà con yêu quý còn làm được nhiều việc có ích cho đời, cho mọi người. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, tôi rủ mấy đồng đội cùng về thăm anh tại gia đình ở Phong Phú. Đúng lúc anh đang bận cùng cấp trên thẩm định theo định kỳ để giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Anh cho biết Xóm Phong Phú của anh được thành phố tôn vinh làng văn hóa từ năm 2009. Xóm có 264 hộ, 988 nhân khẩu. Hiện chỉ còn 2 hộ nghèo (chiếm 0,7%). Xóm chuyên trồng lúa và chăn nuôi cá, vịt. Các công trình giao thông Thủy Lợi được cứng hóa bằng bê tông 100%. An ninh trật tự được đảm bảo. Các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên, nông dân… hoạt động tốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Các phương tiện nghe nhìn của xóm như loa đài được hoạt động để toàn dân theo dõi tin tức thời sự, thời tiết… Đặc biệt xóm có đội văn nghệ hoạt động sôi nổi, đóng góp nhiều (ca sỹ) cho câu lạc bộ hát dân ca của xã. Nhưng đến nay phải tạm dừng vì giặc dịch covid. Xóm được xã xếp vào tốp dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới.

Anh vui vẻ giới thiệu thêm: Dù mình là thương binh nặng nhưng chi bộ cùng nhân dân xóm tin cậy, động viên giúp đỡ mình làm trọn chức danh xóm trưởng suốt 25 năm qua. Họ đã tạo cho mình niềm vui, quên đi nỗi đau nhức ở các vết thương. Sang năm 2019, anh được bà con thống nhất cho nghỉ việc xóm làng vì tuổi cao sức yếu. Nhưng hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của thành phố Vinh bầu anh làm chủ tịch hội. Anh cảm thấy vui bởi như vậy anh có điều kiện để liên lạc thăm hỏi đồng đội từng chiến đấu hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp ngày nay. Với lại anh cũng có điều kiện thăm lại bà con nơi chiến trường xưa nghĩa tình. Anh đã đi lại phát hiện 40 ngôi mộ của đồng đội tại khu vực Hải Lăng. Anh dự kiến với trí nhớ của mình sẽ lập bản đồ báo cáo bộ phận chính sách sư đoàn 304 và đơn vị tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị để cùng nhau đưa được hài cốt đồng đội về với quê hương bản quán. (Năm 2013 anh cũng đã tìm được mộ liệt sĩ Vũ Hồng Lực rồi liên lạc với thân nhân đã đưa hài cốt về địa phương).

Cùng là thương binh tôi rất muốn được học tập tinh thần phấn đấu quên mình vì nhân dân của anh Lê Văn Thuyết.

 

Theo Trái tim Người lính