Người lính già - Anh hùng dân phong Đặng Văn Việt

HỘI NHẬP|| "Người lính già - Anh hùng dân phong" Đặng Văn Việt sau khi chỉ huy 130 trận đánh, và thắng 116 trận đã bắt đầu nghiệp viết sách, dịch sách. Ông bảo: “Trẻ đánh giặc, già kể chuyện”. Cuốn sách đầu tiên là hồi ký "Đường số 4 rực lửa”. Cuốn sách được xếp hàng đầu trong những Hồi ký thế giới năm 2000 do đài BBC công bố (Paris, 5-2005).

Ông còn có những tác phẩm khác: “Tóm tắt và đối chiếu lịch sử quân sự Việt Nam với lịch sử quân sự thế giới: Từ cổ đại tới hiện đại"; “Người lính già kể chuyện dân tộc Việt Nam 4.000 năm chống xâm lược"; đặc biệt công trình do ông chủ biên “Một phác thảo lịch sử quân sự” là một công trình quy mô về lịch sử, kinh nghiệm quân sự 4.000 năm, được coi là một “Binh thư yếu lược thu nhỏ”, hay “Bách khoa thư quân sự thu nhỏ”. Và ông Đặng Văn Việt đã dịch không ít hồi ký của đối phương, như: "Con đường tử địa ("La Route Morte" của Charles Henry de Pirey), "Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương" ("L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine" của Pierre Quatreponit), v.v. Các công trình này giúp ông có thêm uy tín đối với các cựu chiến binh trong nước và nước ngoài, và cũng là một trong những cơ sở của sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên từng là cừu địch.

dvv12-1632666450.jpgÔng Đặng Văn Việt  (người ngồi giữa) thăm lại Đông Khê lúc ngót 100 tuổi

Bộ sách Pháp "Những trận lớn trong lịch sử" (SOCOMER-Paris) đã dành riêng 2 cuốn cho Điện Biên Phủ và Bi kịch đường thuộc địa số 4 năm 1950.

Ông Đặng Văn Việt đã có mặt từ những ngày đầu trên trục Đường số 4, chỉ huy và đánh thắng nhiều trận phục kích và công đồn. Trong Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, ông đã chỉ huy đơn vị bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton. E174 khi đó cùng với các đơn vị bạn trong 7 ngày đêm diệt 9 tiểu đoàn quân tinh nhuệ của quân đội viễn chinh Pháp. Ông Đặng Văn Việt được người Pháp mệnh danh là “tiểu Napoleon”, "Hùm xám Đường số 4” kể từ đó. Còn bà con ở các tỉnh Cao-Bắc-Lạng tôn kính gọi ông là “Đệ Tứ quốc lộ đại vương”.

Nguyên Đại tá Charles De Pirey sau này có viết thư cho Đặng Văn Việt kể rằng: "Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra sau này là kẻ đối địch nguy hiểm nhất của chúng tôi, kẻ đã làm cho chúng tôi thất điên bát đảo trên đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi… Đặng Văn Việt đối với chúng tôi là một đối thủ cực kỳ mưu trí, nguy hiểm, không khoan nhượng nhưng cũng là con người biết tuân thủ những luật quốc tế về tù binh chiến tranh…”.

01-15-1632653514.jpgÔng Đặng Văn Việt khi 27 tuổi

Giới thiệu và bình luận hồi ký của Đặng Văn Việt, Giáo sư Darrinlat có nhận xét: "Gần đây một số chỉ huy cũ ở đường số 4, phía Việt và phía Pháp có dịp gặp nhau và trên tinh thần thượng võ, nói về sự tôn trọng nhân phẩm của nhau trên tinh thần giải hòa dân tộc. Điều này rất tốt nhưng tốt hơn là đôi bên cùng nhau phân tích cái tai hại của chủ nghĩa thực dân đã gây những cuộc chiến chia rẽ các dân tộc."

Sĩ quan chỉ huy đại đội tinh nhuệ Pháp Charles Henry de Pirey- tác giả cuốn "Con đường tử địa RC4 - 1950" ("La Route Morte RC4-1950") đã nhấn mạnh nguyên nhân thất bại của quân đội Pháp: "Từ 1950 - 1954, từ Cao Bằng đến Điện Biên Phủ chúng ta đã phạm vào những sai lầm trên mặt quân sự, chính trị, một cách ấu trĩ kỳ lạ. Về mặt quân sự chúng ta đã đánh giá thấp đối thủ, chúng ta có theo dõi nhưng không đi trước họ trong sự lo liệu chiến tranh. Chưa bao giờ chúng ta thành công trong việc bắt đối phương phải theo chiến lược của chúng ta. Chúng ta lại luôn theo chiến lược của họ. Chúng ta phải chấp nhận chiến đấu trên những địa hình mà đúng ra phải tránh xa. Về mặt chính trị, chúng ta đã chưa tỏ ra là có khả năng bảo vệ hoà bình. Chúng ta không biết cách lập lại hoà bình đúng lúc và cũng không bao giờ biết tiến hành chiến tranh".

dvv2-1632666528.jpg
dvv4-1632666556.jpgMấy cuốn trong hàng chục sách tham khảo của ông Đặng Văn Việt khi viết các công trình lịch sử quân sự Việt Nam, trong đó những cuốn sách do chính đối phương đã thua trận viết và ký tặng ông.

Còn ông Đặng Văn Việt, đối thủ chưa gặp mặt của Pirey, cũng là người dịch cuốn sách này, đã công tâm đánh giá: " Khi viết lại lịch sử, Pirey đã viết với tinh thần kính trọng, bằng lời văn và sự tôn trọng cuộc chiến giữa Pháp với Việt Nam khách quan, đúng mực. Chiến tranh xảy ra là do sự tính toán sai lầm của lãnh đạo cấp cao quân đội Pháp... Sau 50 năm, nhận thức về cuộc chiến đã khác đi. Người Pháp công nhận thất bại, công nhận rằng hai dân tộc cần sống chung hòa bình. Do đó, họ không cần bưng bít sự thật đã thua trí tuệ Việt Nam."

Cựu sĩ quan Charles Henry de Pirey đã chân thành đáp lại: "Ngài đã phục vụ cho lý tưởng của mình bằng một tài năng quân sự, một tâm lòng yêu nước tuyệt vời và đã viết nên trang sử vàng thi hùng tráng! Đất nước Việt Nam tươi đẹp với một dân tộc dũng cảm và dễ mến của Ngài muôn năm!" (Con đường tử địa RC4 - 1950)

Sau 50 năm, Trung tá Cornuault, một thành viên của ANAPI viết thư cho ông Việt: “Chúng tôi, những cựu chiến binh Pháp, đánh giá ngài rất đúng đắn, tất cả chúng tôi đều thống nhất nhận định rằng ngài là một chiến binh thẳng thắn và đầy tính trượng phu nhưng mưu mẹo và tinh quái một cách khủng khiếp”.

Thời đại đã đã tạo ra một đòi hỏi cấp thiết và đáng trân trọng: lịch sử đã sang trang, đã đến lúc, những đối thủ năm xưa hãy ngồi lại, mặt nhìn mặt, tay cầm tay, không mặc cảm, không hận thù, để nói chuyện với nhau như những người bạn! Hãy sống và làm việc cho tình hữu nghị và sự phồn vinh của hai dân tộc Việt Nam và Pháp!

MỘT CUỘC ĐỜI OANH LIỆT

Ông Đặng Văn Việt sinh năm 1920 tại Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình dòng dõi, với ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy, từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng, Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, tỉnh trưởng tỉnh Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim, từ năm 1947, ông Hướng là Bộ trưởng không bộ phụ trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Mẹ của ông là cụ Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương, cụ Phương là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.

Sớm giác ngộ cách mạng, tháng 3-1945 Đặng Văn Việt tham gia lực lượng Việt Minh. Ngày 21-8-1945, ông được giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trên kỳ đài trước cửa Ngọ Môn, đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Huế trước 120 họng súng của triều đình nhà Nguyễn. 

Trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Việt tham gia giữ nhiều vị trí quan trọng của quân đội. Ông là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn bộ binh chủ lực 174 Cao Bắc Lạng (thành lập tháng 8-1949) đã trực tiếp tham gia chỉ huy đánh nhiều trận đánh giành thắng lợi như Bông Lau - Lũng Phầy 1949, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Tây Bắc 1952... Giai đoạn này, thực dân Pháp đặt biệt danh cho Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là “Hùm xám đường số 4”.

Năm 1954, Đặng Văn Việt được phân công giảng dạy ở Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Đại học Trần Quốc Tuấn). Năm 1958, ông Đặng Văn Việt được phong quân hàm Trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.

Từ năm 1985 ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Đặc biệt, với hồi ký Đường số 4 rực lửa, ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Ngoài ra ông còn có một số tác phẩm dịch qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế.

Ông từ trần hồi 0 giờ 55 phút ngày 25-9-2021 (tức ngày 19 tháng 8 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi.