Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết 1.000 chữ Long bằng thư pháp trên đĩa gốm Chu Đậu lập kỷ lục
Cụ nổi tiếng trong và ngoài nước bởi lối viết thư pháp "Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cụ đã lập kỷ lục viết 1.000 bức thư pháp chữ “Long” trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam.
Cụ Lý học chữ Nho, viết thư pháp từ người cha của mình. Với năng khiếu thiên bẩm, khi mới 14, 15 tuổi, cụ đã thông thạo lĩnh vực này và có nhiều bức họa được đăng trên báo.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý trong một dịp khai bút đầu xuân
Từ năm 1998 đến năm 2008, cụ Lý đã tham gia rất nhiều cuộc thi thư pháp khắp các vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, cụ được giới thư pháp thừa nhận tài năng qua hai cuộc triển lãm tại Festival Huế năm 2006 và 2008. Hai bức thư pháp viết theo lối chữ Triện “Chiếu dời đô” và “Nam Quốc Sơn Hà” hiện đang được để tại đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý rất nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Bằng niềm đam mê, vốn kiến thức uyên thâm và khát khao sáng tạo, cụ ngày đêm trăn trở, nghiên cứu về một lối viết thứ pháp Việt hoàn toàn mới để thoát khỏi lối mòn của 5 lối viết thư pháp truyền thống: Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư.
Sau một thời gian ngắn, cụ đã công bố lối thư pháp: “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Hai lối thư pháp này tạo ra sự khai phá kì lạ so với thư pháp đơn thuần. Với “Nhân diện thư”, mỗi nét chữ là một nét mặt nhân vật và tác phẩm đó được biến thể thành nhân vật. Đặc biệt, chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách… của nhân vật.
Lối thư pháp mới do nhà thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo
Với lối viết “Vật điểu thư”, mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của một con chim hoặc một bông hoa. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp được cụ thổi vào những con chim, bông hoa sống động và bay bổng như thật.
Hai lối viết thư pháp mới của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo ra đã thoát khỏi khuôn mẫu của cách viết thư pháp truyền thống. Sau khi ra đời, lối viết này trở thành hiện tượng của thư pháp đương đại. Sự khác biệt tuyệt vời ở những bức chân dung sống động hay những sinh vật đầy mầu sắc khiến nhiều người say mê, khâm phục.
Hai thể chữ thư pháp mới này đã thực sự thổi một luồng sinh khí sáng tạo mới trong giới thư pháp Việt. Ngoài việc miêu tả nghĩa, loại hình thư pháp mới còn miêu tả thần thái của vật, người. Tên mỗi người phải hiện lên được thần thái của người đó. Tên mỗi loài vật, người ta có thể hình dung vật đó như thế nào. Cụ Lý có biệt tài nhận biết thần thái của mỗi người từ gương mặt, cách nhìn, giọng nói để thể hiện hình dáng mỗi người qua những nét chữ tài hoa.
Mới đây, ông Toshiki Ando, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nhật (ảnh trên) đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt với lối thứ pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Hay cuộc thi triển công phu thư pháp của cụ Lý trước những nhà thư pháp tên tuổi của Trung Quốc hồi đầu năm để lại những ấn tượng đầy tự hào của những người yêu thư pháp.
Chính vì vậy, sự hiện diện của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tại Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2019 đang được đón đợi những bức họa thư pháp đặc sắc mang phong cách “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” cùng với sự đồng điệu giữa những tâm hồn nghệ sĩ và bàn tay nghệ nhân tiêu biểu trong toàn Quốc sẽ góp phần làm nên thành công của sự kiện Sinh Vật Cảnh cuối năm 2019.
Dưới đây là một số bức thư pháp mang phong cách “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” của Nhà thư pháp Lê Thiên Lý: