Voi nhà Y Sâm ở buôn M'Liêng, huyện Lắk trên đường đến Khu du lịch Hồ Lắk đón khách.
Kỳ 2: Nước mắt voi đã chảy
Có thể nói hoạt động du lịch voi ở Buôn Đôn và Lắk được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết tới. Người ta đua nhau tìm đến đây để thưởng thức, trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc trưng này với số lượng và tần suất dày đặc khiến sức lực của đàn voi bị bóc lột” đến kiệt quệ, trong số đó có không ít cá thể voi đã vĩnh viễn nằm xuống.
Ai đã từng vào các khu du lịch Buôn Đôn, Lắk đều nhận thấy đời sống của đàn voi nhà hiện tại hoàn toàn khác xưa, nó chỉ được sử dụng vào mục đích kiếm tiền thông qua hoạt động du lịch được mở ra tại địa phương, còn những gì liên quan đến cuộc sống gắn với luật tục hành xử của con người đối với loài động vật hiền lành và thông minh kia thì ít được chú ý tới.
Từ thú vui du lịch trên lưng voi…
Tất nhiên thu nhập của chủ voi lẫn đơn vị du lịch sở hữu dịch vụ này là rất đáng kể, bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/ngày. Nói như ông Y Ka Byă, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), mối lợi ấy có sức thu hút mọi người, mọi nhà đưa voi vào làm du lịch nhằm cải thiện đời sống. Trong số 24 con voi nhà ở đây, phần lớn được sử dụng vào mục đích du lịch - và không ai phủ nhận thực tế này đã và đang đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho nhiều hộ gia đình có voi.
Chủ voi Y Mắk Knul (buôn Trí B, xã Krông Na) tâm sự: "Voi ngày nay không làm du lịch thì làm gì, chẳng lẽ chỉ để làm biểu tượng thể hiện cho sự quyền uy và giàu có như quan niệm của cha ông xưa?". Ở vùng Buôn Đôn này, voi là phương tiện kiếm tiền dễ dàng nhất, gia đình nào có voi cũng tranh thủ làm việc ấy như một sinh kế không thể bỏ qua. Điều Y Mắk nói ra không phải không có lý, nhưng cũng từ “cái lý” này (hay nói đúng hơn là nhận thức chung của chủ voi) đã dẫn đến không ít câu chuyện bi hài xung quanh đời sống của loài vật thông minh và hiền lành kia, khiến bao người phải day dứt, ngậm ngùi.
Đến hệ lụy đau lòng
Do nhận thức và sử dụng voi không một chút “kiêng nể” như thế nên một số chủ voi phải trả giá nhãn tiền. Đầu năm 2001, con voi Pạc Ngui của gia đình Y Thên Byă (buôn Trí A, xã Krông Na) đã gục xuống vì quá lao lực. Ông Ama Thên, bố của Y Thên từng nói về nỗi khổ của đàn voi ở đây, rằng lũ con cháu bây giờ sử dụng voi như xe máy, việc gì cũng dùng đến voi; hằng ngày phải chở khách du lịch, rồi tham gia trình diễn hội hè đây đó thì lấy sức đâu mà trụ nổi (!). Vì thế mà con Pạc Ngui phải mãi mãi nằm xuống và đó là con voi đầu tiên của xứ sở voi Buôn Đôn phải nhận lấy hệ lụy trên.
Voi Pắc Cú chết do bị kẻ gian sát hại. Ảnh do Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh cung cấp
Từ đó đến năm 2017, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, đã có ít nhất 13 con voi nhà bị khai thác và xâm hại cho đến chết. Trong đó, đau lòng nhất là cái chết của con voi Pắk Cú ở Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn. Được biết, sau nhiều năm bị “bóc lột” sức lực quá mức để phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn, cuối năm 2013, một đêm con voi ốm yếu này bị cùm chân thả trong rừng Yok Đôn và bị kẻ gian sát hại bằng nhiều nhát chém vào lưng, đùi mà không thể chống đỡ.
Tiếp đó, từ năm 2014 - 2016, trên địa bàn Buôn Đôn liên tiếp nhiều voi nhà (voi H’Yaly của ông Y Bít Byă, voi Năng Liêng của anh Y Tim Byă, voi H’Lưm của bà Kan La, voi Buôn Nhang của anh Y Ka Tứk…) lần lượt ngã xuống khi đang chở khách du lịch, hoặc trong lúc bị xích thả trong rừng để kiếm ăn.
Tại Khu Du lịch Hồ Lắk cũng diễn ra hệ lụy tương tự, đã có 2 con voi nhà (voi Y Chum của ông Đàng Năng Long và voi Bok Khăm của anh Y On Tên) không sống nổi vì quanh năm “tận tụy” phục vụ khách du lịch. Đến bây giờ, cộng đồng người M’nông ở buôn M’liêng vẫn không thôi nuối tiếc khi nói về cái chết của voi Bok Khăm! Được biết, con voi là gia tài lớn nhất ông bà để lại cho ba anh em nhà Y On Tên, nhưng thay vì phải chăm sóc tận tình và tử tế, thì họ chia nhau khai thác, sử dụng voi một cách bất chấp. Theo lời Y On Tên, trong ba anh em thì mỗi người được sở hữu voi 2 ngày mỗi tuần (theo thỏa thuận); và cứ thế, 6 ngày trong tuần, họ tranh thủ triệt để đem voi vào khu du lịch chở khách kiếm tiền từ sáng đến tối, đến khi voi Bok Khăm nằm xuống mới nhận ra mình thật quá đáng thì đã muộn màng.
“Trong số voi đã chết, chỉ có 2 – 3 con ở độ tuổi trên 62, còn lại đều trên dưới 40 tuổi. Ở độ tuổi này, nếu được chăm sóc và hành xử với voi theo đúng Luật tục thì voi không bao giờ chết được, nó phải sống thêm 30 – 40 năm nữa”. Ông Ama Thên, buôn Trí A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn)
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Thông điệp nào cho vấn đề bảo tồn voi nhà Đắk Lắk?
buy cialis