Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. Ảnh Huyền.
Chiều 12/12/2019, tại Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội), đã diễn ra buổi ra mắt Album “Trách ông Nguyệt Lão” của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Đến dự có nhạc sĩ Phạm Việt Long, nhạc sĩ Giáng Son, nhà thơ Hồng Thanh Quang... và đông đảo phóng viên báo chí trung ương, Hà Nội.
Nhắc đến Nguyễn Quang Long, nhiều người nhớ đến anh là một trong những cái tên của nghệ thuật truyền thống nói chung, hát xẩm nói riêng. Nguyễn Quang Long theo học ngành thanh nhạc, lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hiện tại, trong anh tồn tại nhiều “chức danh”, vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà nghiên cứu âm nhạc, vừa là người sáng tác. Khoảng 20 năm qua, anh luôn nỗ lực hết mình cùng với các cộng sự đã phục hồi và đưa xẩm trở lại với công chúng, và ngày càng trở nên quen thuộc hơn.
Album “Trách ông Nguyệt Lão”. Ảnh Huyền
Chúng ta cũng biết đến anh nhiều qua nhóm Xẩm Hà Thành, cùng với những người đã tạo dựng: Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng. Từ đó, những bài xẩm do anh sáng tác đã được đón nhận và đi vào đời một cách tự nhiên: Xẩm cá chết, Xẩm Đường lưỡi bò, Xẩm trà đá, Xẩm sai Tiễn trừ cướp biển...
Vốn học thanh nhạc, tự nhận là không hiểu biết gì về thơ, vậy mà qua 15 năm miệt mài với xẩm, Nguyễn Quang Long đã bất ngờ sáng tác nhiều bài thơ lục bát làm lời cho xẩm. Điều đó cho thấy, một khi nghệ sĩ đã coi nghệ thuật dân tộc là máu thịt, đắm đuối với nó, hi sinh cho nó, thì hồn dân tộc sẽ thấm dần vào hồn người, dẫn tới phút thăng hoa, người nghệ sĩ bước lên một tầm cao mới của nghệ thuật, từ đó cống hiến được nhiều hơn. Tiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long |
“Trách ông Nguyệt Lão” được coi là album nói về tình yêu, đậm chất trữ tình, dí dỏm, với 9 bài xẩm đều do Nguyễn Quang Long sáng tác hoặc biên soạn. Trong album, bên cạnh giọng Nguyễn Quang Long, còn có sự góp mặt của Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa...
Các bài xẩm trong album: Trách ông Nguyệt Lão (Xẩm Chênh bong/biên soạn Nguyễn Quang Long); Thôi em cứ việc lấy chồng (Xẩm tàu điện/Thơ Hồng Thanh Quang); Dặn con (Xẩm Thập ân/ Nguyễn Quang Long); Xẩm “bốn mùa hoa Hà Nội” (Nguyễn Quang Long – Hồ Điệp); Chân quê (Xẩm Tàu điện/Thơ Nguyễn Bính); Duyên phận tơ vòng (Xẩm Tàu điện – Thập ân – Chênh bong/Nguyễn Quang Long); Nghĩ kỹ mà xem (Xẩm chợ/Thơ Hồng Thanh Quang); Xẩm phố thu (Xẩm tàu điện/Nguyễn Quang Long); Ơ này, em gì đấy ơi (Xẩm Chênh bong/Nguyễn Quang Long).
Qua album thấy được nỗ lực, tìm tòi không ngừng của Nguyễn Quang Long cho âm nhạc truyền thống. Album được thu theo lối mộc, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước để tạo thành bản nhạc beat, sau đó nghệ sĩ mới thu phần hát như cách thu phổ biến hiện nay.
Trong các tác phẩm ở album, Nguyễn Quang Long có dùng thơ của Hồng Thanh Quang và Nguyễn Bính, bởi anh cảm thấy mình đồng điệu tâm hồn với hai nhà thơ này. Nguyễn Bính cho anh thấy không khí xưa, còn nhà thơ Hồng Thanh Quang cho anh thấy ăm ắp đời sống phố thị hiện nay.
Có mặt tại buổi ra mắt, nhà thơ Hồng Thanh Quang thấy khâm phục nhóm Xẩm Hà Thành và Nguyễn Quang Long. Trong thời buổi hiện nay mà có những nghệ sĩ say mê với xẩm thì thật hiếm. Xẩm đối với Nguyễn Quang Long đã ở một biên độ rộng hơn, không chỉ than vãn như xưa, mà còn thể hiện được nhiều điều khác. Nhà thơ Hồng Thanh Quang mong Nguyễn Quang Long sẽ tiếp tục với Xẩm.
Nguyễn Quang Long biểu diễn cùng nhóm Xẩm Hà Thành. Ảnh Huyền