Diễn viên Nguyệt Nguyễn.
Pv: Là người đảm nhận đóng vai chính trong phim, chị cảm nhận thế nào về vai nhân vật Hạnh?
Diễn viên Nguyệt Nguyễn: Trước hết là tôi đồng cảm với Hạnh. Cùng là phụ nữ, hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn Hạnh gặp phải khi lấy người chồng như Phong. Thêm nữa, bối cảnh phim diễn ra tại vùng ngoại ô thành phố, nơi những hủ tục lạc hậu trọng nam khinh nữ còn tồn tại, tệ nạn cờ bạc rượu chè chưa được chấm dứt, thì Hạnh, người phụ nữ ấy còn phải oằn vai gánh nặng số phận “con cò” lặn lội bờ ao, đầu tắt mặt tối lo cho gia đình mà không một lần được chồng tôn trọng, mẹ chồng công nhận.
Cảnh trong phim "Tổ ấm nhìn trên cao".
Thứ hai, là tôi thương Hạnh. Tôi không trách cô ấy sao không dứt áo ra đi, để mặc anh chồng bê tha đó “sống chết mặc bay”! Đó là bởi vì Hạnh - nhân vật điển hình người phụ nữ Việt Nam có đức hy sinh chịu nhẫn nhục cao, hơn cả là trách nhiệm, một khi đã kết hôn thì “xuất giá tòng phu”, đó chính là một trong những phẩm chất truyền thống người phụ nữ Việt Nam mà cho đến giờ tôi vẫn ngưỡng mộ.
Pv: Nhân vật Khuê trong “Hoa hồng trên ngực trái” và Hạnh trong “Tổ ấm nhìn trên cao” đều là những phụ nữ phải chịu cảnh bị chồng khinh bỉ, ruồng rẫy, nếu họ có ở ngoài đời và đến gặp chị, chị sẽ khuyên họ điều gì?
Diễn viên Nguyệt Nguyễn (cười): Tôi sẽ là chuyên gia tư vấn hả? À, vâng, tất nhiên là vẫn sẽ phải mạnh mẽ rồi, bước tiếp và tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Cả hai nhân vật Khuê và Hạnh cũng đã đối mặt với những khó khăn một cách rất kiên cường. Đặc biệt là Hạnh. Tôi học được nhiều điều từ Hạnh. Cho những khó khăn mà cô ấy gặp phải từ việc bị chồng đánh đập, mẹ chồng cay nghiệt ác độc, phải nhìn đứa con thơ phải bán mình, người chồng bấy lâu chung thủy ngoại tình ngay trước mắt… tất cả những nỗi đau tinh thần ấy có lẽ đã chạm sâu đến tột cùng của sự bất hạnh. Nhưng ở trong cô ấy, bản năng phụ nữ, bản năng người làm mẹ, đâu đó có một sức sống tiềm ẩn vượt lên tất cả. Và tôi tin chúng ta cũng có hạt mầm sức sống đó.
Pv: Nhân vật Hạnh trong phim là một phụ nữ hiền lành tần tảo, vậy bạn có khó khăn gì trong quá trình chuyển biến thành nhân vật?
Diễn viên Nguyệt Nguyễn: Tôi không thể phủ nhận là không có khó khăn, rất nhiều là đằng khác. Như tôi đã chia sẻ, Hạnh là người phụ nữ truyền thống, còn bản thân tôi sống khá hiện đại, tính cách cũng không kiên nhẫn nhu mì được như Hạnh, nên những cảnh bị chồng là Phong đánh đập lăng mạ, thực sự tôi đã chỉ muốn chống trả lại theo cách của mình. Nhưng tôi không thể làm vậy được, vì lúc đó tôi đang là Hạnh đâu phải là Nguyệt. Hơn nữa để nhân vật của mình không “nhàm chán” tôi đã phải trăn trở suy nghĩ nhiều làm sao để tạo dấu ấn riêng cho Hạnh, một phụ nữ điển hình, nhân vật gần gũi, khán giả xem thấp thoáng thấy mình trong đó, nhưng cũng phải có gì đó để khán giả nhớ tới sau khi phim kết thúc.
Cảnh khác trong phim "Tổ ấm nhìn trên cao"
Pv: Trong phim "Tổ ấm nhìn trên cao" có nhiều cảnh bạo lực gia đình chị thấy sao về vấn nạn này và người phụ nữ nên làm gì khi bị bạo hành gia đình?
Diễn viên Nguyệt Nguyễn: Thực sự bạo hành gia đình cho đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Đâu đó ngoài kia trong căn nhà nào đó hàng ngày vẫn xảy ra những vụ việc như của Hạnh bị chồng bạo hành mà không dám đến cơ quan nhà nước trình báo. Họ thà chịu đựng “một điều nhịn bằng chín điều lành” hơn là để cho toàn xã hội biết can thiệp và giải quyết. Nên cần có “tiếng nói” cho những sự việc tương tự, bởi vì nếu xem phim bạn sẽ thấy Hạnh đã chịu tổn thương rất nhiều khi bị bạo hành. Và đó thật sự là điều đáng buồn, rất đau lòng.
Xin cảm ơn diễn viên Nguyệt Nguyễn!