Suốt gần 90 năm cuộc đời, nhà báo Đỗ Phượng đã đi một hành trình dài từ lửa đạn chiến tranh tới hòa bình. Hiếm có nhà báo nào từng đi qua bốn cuộc chiến như ông.
Từ một thanh niên sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng, ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng rồi trở thành “cây đa, cây đề” của làng báo, người đứng đầu hãng Thông tấn Quốc gia…
“Dù ở cương vị nào, ông cũng ‘cháy’ hết mình với công việc và sống hết lòng với những người xung quanh. Dẫu biết nhà báo Đỗ Phượng mắc bệnh nan y đã lâu và không ai thoát được quy luật ‘sinh-lão-bệnh-tử’ của tạo hóa nhưng khi nghe tin ông rời cõi tạm để về chốn vĩnh hằng, lòng tôi vẫn nghẹn lại, đau thắt,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Trưởng ban Biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ.
- Thưa nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, là người từng có thời gian gắn bó lâu dài cả trong công việc và cuộc sống với nhà báo Đỗ Phượng, ông có ấn tượng gì đặc biệt về nhà báo lão thành Đỗ Phượng?
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Tôi trở thành phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam [trước đây là Việt Nam Thông tấn xã - PV] từ năm 1966. Cũng từ năm đó, nhà báo Đỗ Phượng được cử từ Ban Tuyên huấn Trung ương về giữ cương vị Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã. Cũng từ đây, tôi gắn bó với ông cả trong công việc và cuộc sống. Với tôi, ông không chỉ là một vị thủ trưởng đáng kính mà còn là một người thầy, người anh thân thiết.
Tôi còn nhớ, trong thời gian học tập nghiệp vụ để trở thành một phóng viên của TTXVN, tôi có được nghe nhà báo Đỗ Phượng giảng dạy trực tiếp. Ông là người đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về báo chí nói chung và ảnh báo chí nói riêng. Ban đầu, tôi không thể hình dung được, làm sao một người với dáng vẻ gày gò, dong dỏng cao, thậm chí có thể nói là "mảnh mai" thế kia lại có thể là một người làm báo lăn lộn với thực tiễn, chiến trường, trận địa đến như vậy.
Ông luôn lên lớp với gương mặt tươi tỉnh, cách nói chuyện hóm hỉnh, rất cuốn hút.
Sau này, khi đã trở thành một phóng viên làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông, tôi lại càng ngưỡng mộ sự thông minh, tinh thần học tập suốt đời, không ngừng mở rộng kiến thức cũng như sự linh hoạt, nhạy bén trong tư duy và tầm nhìn chiến lược ở một nhà lãnh lạo như ông.
Có thể nói, ông là một người làm báo xuất sắc.
- Xin ông chia sẻ sâu hơn về cuộc đời “người làm báo xuất sắc” Đỗ Phượng từ cảm nhận, góc nhìn của riêng mình?
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Trong cả công việc và cuộc sống, nhà báo Đỗ Phượng là một người có tâm và có tầm.
Hiếm có người làm báo nào đi qua bốn cuộc chiến (kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam) như ông.
Khi trở thành người lãnh đạo TTXVN, trong chiến tranh, ông đặc biệt chú trọng đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ phóng viên chiến trường. Sự lớn mạnh và những đóng góp to lớn của đội ngũ phóng viên chiến trường của TTXVN (trong việc đưa những thông tin, hình ảnh từ các chiến trường ác liệt nhất, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc) có dấu ấn đặc biệt của nhà báo Đỗ Phượng.
Ông làm việc say mê, tận tụy, luôn dốc hết tâm sức, trí tuệ vào việc xây dựng hãng thông tấn quốc gia lớn mạnh. Để giữ cho mạch thông tin được xuyên suốt, kịp thời trong điều kiện chiến tranh ách liệt, ở vị trí người lãnh đạo, ông luôn phải “căng mình” để khi một cơ sở thu phát tín hiệu nào bị đánh phá thì lập tức phải có cơ sở khác thay thế.
Ông không chỉ đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ những nhiệm vụ trước mắt mà còn luôn đau đáu với việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên giỏi nghề và vững vàng về chính trị để đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững của TTXVN. Mỗi khi có điều kiện, ông liên tục tổ chức các lớp học nghiệp vụ ở cả trong Nam và ngoài Bắc. Ông đã quy tụ được hàng trăm sinh viên giỏi từ các trường đại học cho lớp phóng viên GP10. Sau này, họ trở thành những cán bộ nòng cốt của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng và TTXVN nói chung.
Con người “mảnh mai” ấy cũng không quản ngại khó khăn khi sát cánh cùng các cộng sự, chiến sỹ băng mình vào chiến trường Quảng Trị (năm 1973); trực tiếp đến các vùng rừng núi hiểm trở khu vực Tây Nam Bộ để nghiên cứu tình hình, triển khai kế hoạch đặt các đài thu phát vô tuyến điện, điều động cán bộ phóng viên đưa tin phản ánh diễn biến, tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam…
Ông cũng không ngại khó khi đảm nhận vai trò trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam sang giúp các bạn Campuchia xây dựng hãng thông tấn SPK (những năm đầu Campuchia mới giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot)…
Đặc biệt, khi bước vào thời bình, đất nước chuyển mình nhanh chóng, mạnh mẽ. Những người làm báo nói chung và những người làm báo TTXVN nói riêng đứng trước nhiều thách thức trong việc đổi mới thông tin, cách làm. Giai đoạn này, một lần nữa, trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh (cả bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp) của nhà báo Đỗ Phượng được khẳng định khi ông chèo lái con thuyền TTXVN.
Ông đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phương thức làm báo, đưa ra những quyết định táo bạo để thông tin của TTXVN không chỉ phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là thông tin nguồn nhanh nhạy và tin cậy cho các đài, báo trong nước mà thông tin của TTXVN phải đến được trực tiếp với bạn đọc.
Những ấn phẩm như Tin nhanh Espana 82, Tuần tin Văn hóa & Thể thao Quốc tế (tiền thân của báo Thể thao & Văn hóa ngày nay), Tuần Tin tức và Tuần tin Khoa học kỹ thuật, Kinh tế thế giới lần lượt ra mắt bạn đọc trong thời gian 1982-1983; trong đó dấu ấn của nhà báo Đỗ Phượng là điều không thể phủ nhận.
Dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Đỗ Phượng, những cán bộ, phóng viên, biên tập viên của TTXVN luôn được phát huy năng lực, sở trường của bản thân, làm việc hết mình để đóng góp cho sự nghiệp chung. Dù rất bận rộn nhưng ông sẵn sàng ngồi đối thoại, chỉ ra từng lỗi nhỏ trong những bản tin, bài viết, bức ảnh của cấp dưới với một thái độ ân cần, cởi mở.
- Còn trong đời sống, chân dung vị thuyền trưởng Đỗ Phượng có thể được hình dung như thế nào, thưa ông?
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Ông là một người nhân hậu và tình nghĩa, luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Hầu như, tất cả các việc hiếu-hỉ của anh em trong cơ quan, ông đều thu xếp tham dự, chỉ trừ trường hợp đi công tác xa, không thể có mặt.
Nhà báo Đỗ Phượng luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1973), ông có nói với tôi rằng: “Nếu cậu chuẩn bị lập gia đình, cưới vợ thì tập trung lo việc riêng chu đáo đi nhé!” Ban đầu, tôi không hiểu ý câu nói của ông.
Ngay sau lễ cưới khoảng 20 ngày, tôi được phân công vào Quảng Trị để theo sát diễn biến việc trao trả tù binh. Lúc này, khi vào chiến trường, tôi mới hiểu và thấm thía câu nói của ông. Ông luôn trù tính trước mọi việc, cố gắng sắp xếp để việc công-tư được thuận nhất trong điều kiện có thể.
Hay như câu chuyện về cách nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ những nhọc nhằn, khó khăn với gia đình liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, tôi cũng sẽ không bao giờ quên.
Năm 1965, Tổng cục Chính trị Quân đội cử Lương Nghĩa Dũng cùng đi học lớp đào tạo phóng viên ảnh cho chiến trường miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã. Từ năm 1967, nhà báo Lương Nghĩa Dũng trở thành một trong những tay máy chủ lực của của Tổ ảnh Quân sự (đặt tại Phân xã Nhiếp ảnh - Việt Nam Thông tấn xã).
Lương Nghĩa Dũng khoác ba lô vào chiến trường, để lại đàn con thơ nơi quê nhà. Nhiều lần, anh từ chối cơ hội lui về tuyến sau để tiếp tục lăn xả ở những mặt trận ác liệt nhất cùng đồng đội. Năm 1972, anh hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.
Sinh thời, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng thuộc biên chế của Tổng cục Chính trị Quân đội. Lẽ ra, việc chăm lo đời sống của gia đình anh sẽ do bên Tổng cục Chính trị Quân đội đảm nhận. Tuy nhiên, giữa bộn bề thiếu thốn của cuộc sống chung thời hậu chiến, nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ những khó khăn của gia đình liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, gấp rút thu xếp công việc cho con trai liệt sỹ - anh Lương Xuân Trường.
Nhà báo Đỗ Phượng đã tạo điều kiện đào tạo anh Trường thành một phóng viên có nghề của TTXVN. Không chỉ có vậy, trong quá trình gia đình đi tìm mộ của liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo Đỗ Phượng, bằng những quan hệ cá nhân, đã nỗ lực giúp đỡ để gia đình tìm và đưa được liệt sỹ về quê nhà.
Lối sống tình nghĩa của nhà báo Đỗ Phượng đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên sự đồng lòng, đoàn kết của một tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên TTXVN. Ông mãi là một tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh để thế hệ sau noi theo.
- Trân trọng cảm ơn ông./.