PV: Là một nhà báo đã tiếp xúc và làm việc với nhiều vị lão thành cách mạng từng đồng hành bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc hẳn anh đã được nghe rất nhiều câu chuyện về tình cảm của Đại tướng với thương binh, liệt sĩ. Xin anh chia sẻ về vấn đề này?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Tôi có vinh dự được gần gũi giúp việc nhiều vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, phóng viên gần gũi, từng đồng hành với Đại tướng nhiều năm nên được nghe, được đọc nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm và sự quan tâm của Đại tướng với đồng bào chiến sĩ cũng như thân nhân những gia đình thương binh liệt sĩ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi thương binh; Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác trong một lần trao đổi đã kể lại chuyện Đại tướng rơi nước mắt khi nói với các cán bộ chỉ huy khi đánh đồi A1 gặp khó khăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Nhân dân giao con em cho chúng ta mà các đồng chí để họ hy sinh như thế thì thử nghĩ xem trách nhiệm của các đồng chí như thế nào". Điều đó cho tôi thấy được sự trân trọng và tinh thần trách nhiệm của Đại tướng với từng cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu.
Hòa bình lập lại, Đại tướng luôn quan tâm và theo sát công tác tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Thiếu tướng Chu Phác cùng nhiều đồng đội thường xuyên báo cáo kết quả với Đại tướng về công tác tìm kiếm liệt sĩ. Cho đến tận bây giờ, những người làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn mãi ghi nhớ trong lòng lời dặn của Đại tướng lúc sinh thời: "Chúng ta được sống như ngày nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống nên phải cố gắng đưa anh em về với gia đình”.
PV: Được biết sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi những người lính dưới quyền như người thân ruột thịt. Vậy anh có thể chia sẻ những câu chuyện như vậy?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Chúng ta còn nhớ trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara vào năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ...Các ngài gọi tôi là vị tướng Thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ, thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính…”.
Đại tướng không cầm được nước mắt trong một lần nghe báo cáo về tình hình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, Đại tướng đã nhiều lần rơi nước mắt khi nghĩ đến vết thương và sự hy sinh của của người lính trong chiến tranh. Tôi có dịp được nghe hai người trợ lý gần gũi Đại tướng nhiều năm là Đại tá Nguyễn Huyên và Đại tá Trịnh Nguyên Huân chia sẻ về những ấn tượng không thể nào quên trong mỗi dịp Đại tướng đi công tác ở địa phương. Hầu như bao giờ, Đại tướng cũng tới thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trước tiên và những lần như vậy, Đại tướng không bao giờ cầm được nước mắt trước những tấm bia ghi danh liệt sĩ.
Trong những năm tháng giúp việc Nhà báo Đỗ Phương, tôi nhiều lần được nghe ông kể về những câu chuyện cảm động của Đại tướng với chiến sĩ trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch dù lớn dù nhỏ.
“Đại tướng đã có nhiều đêm mất ngủ, nhiều lần không cầm được nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ, chiến sĩ thương vong trong các trận đánh. Trong những tình huống như vậy, Đại tướng đã suy nghĩ đến phát ốm như trong chiến dịch Điện Biên Phủ để tìm ra những phương án tốt nhất nhằm giảm thương vong cho bộ đội ta. Đại tướng luôn đau với mỗi vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của đồng bào…”, Nhà báo Đỗ Phượng một lần chia sẻ.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên phải) dâng cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân lên bàn thờ Đại tướng ngày 19/12/2019
PV: Tôi được biết, anh đã cùng nhà báo Đỗ Phượng và những đồng nghiệp khác tham gia biên soạn cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân”. Trong quá trình thực hiện có kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Thực ra kỷ niệm khi làm về cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” có rất nhiều, nhưng có một câu chuyện mà cho đến tận bây giờ khi nhắc lại tôi vẫn thấy vô cùng cảm động.
Đó là vào một ngày cuối tháng 4 năm 2004, tôi theo nhà báo Đỗ Phượng đến thăm Đại tướng và trao đổi ý tưởng làm một cuốn sách ảnh về Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004). Hôm ấy, nhà báo Đỗ Phượng cầm một bản thảo cuốn sách ảnh về Đại tướng do một số phóng viên, nhiếp ảnh gần gũi ông nhiều năm thực hiện đến để xin ý kiến Đại tướng trước khi xuất bản. Cầm cuốn sách trên tay, Đại tướng trân trọng lật mở từng trang. Khi đọc đến những trang cuối, ánh mắt Đại tướng buồn và những giọt lệ rơi trên má gầy gò.
Đại tướng cảm ơn ý tưởng tốt đẹp của những phóng viên, nhà báo và những người đồng chí thân thiết đã dành cho ông. Nhưng ông đã dứt khoát từ chối việc làm sách ảnh riêng về ông bởi một lý do vô cùng xúc động: "Đừng làm sách ảnh riêng về tôi khi còn hàng vạn đồng bào chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận chưa tìm thấy hài cốt, không có một tấm ảnh nhỏ để thờ".
Nghe Đại tướng nói vậy, không ai dám trình bày thêm dù việc chuẩn bị xuất bản đã hoàn thành. Phải đến năm 2010, những bức ảnh trong cuốn sách dự định xuất bản trên mới được nhà báo Trần Tuấn (TTXVN) triển lãm tại Hà Nội để giới thiệu 100 khoảnh khắc đời thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên trái) trao đổi tư liệu với đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thư ký riêng của Đại tướng
PV: Sau những khi nghe câu chuyện vô cùng cảm động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ, anh có cảm nhận như thế nào?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Đại tướng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vị tướng của nhân dân, một nhân cách lớn luôn thấu cảm nghĩa tình với đồng bào chiến sĩ. Chỉ riêng trong quan hệ với người lính và tình yêu thương với thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ đã khắc họa nên chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người bình dị mà vĩ đại, một huyền thoại khi tại thế, một thánh nhân còn sống mãi trong ngôi đền linh thiêng của lòng dân Đất Việt đúng như GS. AHLĐ Vũ Khiêu đã khái quát:
"Võ công truyền Quốc sử
Văn đức quán nhân tâm"
Là một người dân Việt Nam, tôi không chỉ cảm phục trước tài năng của Đại tướng mà còn cảm phục trước tình cảm sâu sắc của Đại tướng với thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta về đạo lý truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, mãi mãi tri ân các anh hùng dân tộc, các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho non sông Đất Nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
PV: Xin cảm ơn anh!