Nhà báo Vương Xuân Nguyên nhớ về một kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cách đây 68 năm, ngày 07/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, một trong những chiến công hiển hách “Được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh". Chiến công đó gắn liền với vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thiên tài truyền quốc sử, đức độ quán nhân tâm.

Trong ký ức của những người giúp việc gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên những câu chuyện cảm động giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN. Trong nhà riêng của Nhà báo Đỗ Phượng có treo trang trọng một tấm ảnh sơn dầu về ông và Đại tướng tại lễ kết nghĩa giữa Sư đoàn 304 của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng với TTXVN, còn trong thư phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo đôi câu đối khảm trên gỗ của Nhà báo Đỗ Phượng kính tặng với nội dung: "Tri túc tâm thượng lạc. Vô cầu phẩm tự cao". 

dp-1651888753.jpg

Nhà báo Đỗ Phượng thăm và trò chuyện thân mật với Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp 30/4/2004

Lúc sinh thời, cứ vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước 30/4, ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 và ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, nhà báo Đỗ Phượng lại đến thăm, chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Những cuộc gặp thân mật giữa Đại tướng với Nhà báo Đỗ Phượng cũng thường là ngày hội ngộ của những người giúp việc gần gũi Đại tướng.   

Nhớ một ngày cuối tháng 4 năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004), nhà báo Đỗ Phượng cùng một số phóng viên của TTXVN có nhiều năm theo Đại tướng chụp ảnh và một số người làm báo tại Tạp chí Việt Nam Hương Sắc và cơ quan Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đến thăm Đại tướng.

Sau những giây phút chào hỏi, chúc sức khỏe Đại tướng, nhà báo Đỗ Phượng đưa lên bàn bản thảo cuốn sách ảnh với tựa đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân" và trình bày: "Thưa anh Văn! Thể theo nguyện vọng đông đảo các tầng lớp nhân dân và bạn đọc trong và ngoài nước mong muốn có được tập ảnh tư liệu đầy đủ nhất về anh qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX, anh em TTXVN có chuẩn bị rất kỹ lưỡng cuốn sách ảnh về anh. Nay tôi cùng một số anh em trân trọng đến thăm, chúc sức khỏe Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và được trực tiếp xin ý kiến Đại tướng về việc xuất bản cuốn sách ảnh quan trọng này".

Cầm cuốn sách ảnh bản thảo trên tay, Đại tướng lật nhanh mấy trang đầu rồi gấp lại và nỗi buồn nặng trĩu trên gương mặt Đại tướng. Cả căn phòng bỗng trở nên yên lặng, không ai nói gì mà chỉ dõi theo chờ đợi Đại tướng nói tiếp. Một vài phút yên lặng là những giọt nước mắt lăn từ từ trên gò mà Đại tướng. Dường như Đại tướng không muốn để mọi người phải lo lắng hay hiểu sai về sự xúc động của mình, Đại tướng nói: "Tôi rất cảm ơn tình cảm của các đồng chí đã quan tâm đến cá nhân tôi thông qua những hình ảnh rất xúc động này. Cuốn sách rất đẹp nhưng có nên xuất bản không? Tôi đề nghị các đồng chí đừng làm sách ảnh về cá nhân tôi trong khi hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta đã hi sinh ngoài mặt trận nay không tìm được một tấm ảnh nhỏ để thờ...".

z261-1651891057.jpg

z281-1651890946.jpg

Cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân với lời giới thiệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được xuất bản năm 2019

Lời nói của Đại tướng khiến những người đưa ra ý tưởng xuất bản sách ảnh về Đại tướng có sự bối rối về tình tiết nhạy cảm mà họ không lường hết trước được. Nhưng chính đề nghị của Đại tướng hôm nay đã giúp họ và rất nhiều người hiểu rõ những suy nghĩ sâu kín trong lòng của một vị tướng từng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đại tướng không bao giờ suy nghĩ cho riêng mình dù chỉ là những tấm ảnh. Trái lại, trong ông không bao giờ nguôi đi suy nghĩ về những người đồng đội, đồng bào chiến sĩ hi sinh ngoài mặt trận mà nay vẫn không có một tấm ảnh để thờ, nhiều người không tên, không tìm thấy mộ phần. Tất cả họ là những anh hùng cần được Tổ quốc lưu danh muôn thủa.

Nghe Đại tướng nói vậy, không ai dám trình bày thêm dù việc chuẩn bị xuất bản đã hoàn thành. Năm 2010, khi Đại tướng đã yếu dần, thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và bè bquốc tế mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của Đại tướng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại tướng và gia đình mới đồng ý cho phép tổ chức Triển lãm giới thiệu 100 khoảnh khắc đời thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và phải đến năm 2019, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cuốn sách ảnh "Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân" mới được xuất bản chính thức và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng viết lời giới thiệu. 

dt2-1651891368.jpg

Nhà báo Vương Xuân Nguyên thực hiện di nguyện của Nhà báo Đỗ Phượng dâng cuốn sách ảnh định xuất bản năm xưa lên hương án Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng .

dt1111-1651891157.jpg

Tác giả bài viết cùng Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Trợ lý của Đại tướng và Thượng tá Lê Văn Hải - Thư ký của Đại tướng ôn lại những kỷ niệm đẹp về những ngày gần gũi bên Đại tướng. Trong đó không quên nhắc lại kỷ niệm Đại tướng từ chối làm sách ảnh riêng về Người!

Mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 hằng năm, nhân dân, Tổ quốc, dân tộc và nhân loại yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới lại nhớ về ông với lòng tự hào kiêu hãnh về một người Anh Hùng của một dân tộc Anh Hùng, một nhân cách lớn như vì sao rực sáng mãi mãi trên bầu trời cùng nhân loại đi đến tương lai. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của Nhân dân, Danh tướng về Hòa bình, Người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại!