Nhà cách mạng Đào Duy Anh

PGS.TS Trần Đức Cường

Đào Duy Anh là một trí thức lớn của đất nước trong thời kỳ cận hiện đại. Ông là một nhà bách khoa, nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp cho văn hóa dân tộc.

Các lĩnh vực khoa học xã hội được ông quan tâm và có nhiều đóng góp có triết học, ngôn ngữ học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học… Nhưng trước hết, có thể khẳng định: Đào Duy Anh là một nhà sử học uyên bác với các công trình nghiên cứu có giá trị có ảnh hưởng sâu rộng trong việc phát triển nền sử học Việt Nam và đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh: 1. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX; 2. Cổ sử Việt Nam; 3. Việt Nam văn hóa sử cương và 4. Đất nước Việt Nam qua các đời (nghiên cứu về địa lý học lịch sử Việt Nam). 

Trong thời gian đầu khi bước vào hoạt động văn hóa, báo chí, sử học, chính trị học, triết học, Đào Duy Anh đã rất chú ý đến sách về chủ nghĩa Mác. Ông từng viết: “Tôi tìm mua sách chữ Pháp ở Sài Gòn và sách chữ Hán ở Chợ Lớn nhằm xây dựng tủ sách cho Bộ biên tập báo Tiếng Dân. Tôi mua được một số sách chủ yếu là về các môn sử học, triết học, xã hội học, kinh tế học, trong đó có một số sách về chủ nghĩa Mác hợp pháp, như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử và một số sách nghiên cứu về triết học và văn hóa Phương Đông của các tác giả Tây Phương, Nhật Bản và Trung Quốc”… Đây chính là thời gian ông tìm mua được một số sách do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản để tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản như: ABC du communisme, Théorie du materiadisme historique, Lénine et la question nationnale…, ngoài ta tôi còn mua được một số sách của các nhà xuất bản khác như Historie du socianlisme, Karl Marx, sa vie, son oeuvre của Mac Beer, Lénine của Clara Zetkin, la femme et le socialisme của Auguste Bebel…”[1].

Đọc các tác phẩm Mác xít, và nung nấu việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, cũng như nhiều trí thức yêu nước thức thời trong những thập niên đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam, Đào Duy Anh cho rằng: “Tôi tin tưởng rằng cách mệnh Việt Nam muốn thành công cuối cùng tất phải theo hướng cách mệnh xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội đây là chủ nghĩa xã hội khoa học hay chủ nghĩa cộng sản, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác, mà chủ nghĩa Mác tức là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”[2].

z5391467199859-3f0a60645f86b37dd6e4c65b3d226c7e-1714301665-4-1714458648.jpg

Quang cảnh Hội thảo Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024)

Trong thời gian ở Huế, ngoài việc làm báo Tiếng Dân, Đào Duy Anh còn bỏ nhiều công sức xây dựng tủ sách cho Ban Biên tập báo Tiếng Dân làm tài liệu tham khảo, chủ yếu gồm các công trình viết về sử học, triết học, xã hội học, kinh tế học trong đó có một số sách về chủ nghĩa Mác như Duy vật chủ quan, kinh tế sử quan, nhân loại tiến hóa sử…

Sớm tham gia rồi trở thành một trong các yếu nhân của tổ chức Tân Việt, Đào Duy Anh còn xuất bản Quan Hải Tùng thư lấy ý từ câu của Mạnh Tử: “Quan hải nam vi thủy” (xem biển thì biết rằng làm ra nước là khó), với ý rằng: mình xem cái biển học mênh mông bát ngát mà nguyện làm con chim tinh vệ suốt đời ngậm đá lấp biển Đông, sẽ cố gắng cắp từng hòn sỏi mà mong góp phần vào công việc lấp biển học mênh mông bát ngát ấy). Xuất bản Quan Hải Tùng thư, Đào Duy Anh muốn tận dụng việc xuất bản hợp pháp mà gieo vào tâm trí thanh niên Việt Nam một ít kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác, lẫn với một ít kiến thức mới về khoa học, nhất là về khoa học xã hội, là những điều cần thiết để hiểu chủ nghĩa Mác dễ hơn, do đó nhằm các đọc giả của Tùng thư mà phát triển đảng Tân Việt.

Kể từ khi ra đời cho đến khi Đào Duy Anh bị thực dân Pháp bắt giam vào tháng 7  năm 1929 trong cuộc khủng bố phong trào Cách mạng trong cả nước,  Quan Hải Tùng thư xuất bản được 13 tập sách, gồm các công trình sau đây: Trí khoa (Trần Đình Nam biên soạn), Đông Tây văn hóa phê bình (Nghi Đạm dịch, gồm hai quyển Thượng và Hạ), Văn minh  Âu – Mỹ (Tình Tiên soạn), Thế giới cường quốc chánh thế khảo (Trần Mạnh Nhẫn soạn), Xã hội (Ngộ Nhân), Dân tộc (Ngộ Nhân), Lịch sử nhân loại (Ngộ Nhân biên), Phụ nữ vận động (Dã Lam nữ sĩ), Thực dân lịch sử (Vệ Thạch, tức Đào Duy Anh), Sinh tồn cạnh tranh (Ngộ Nhân), Kinh tế học tiểu sử (Hoa Tung biên, gồm hai quyển Thượng và Hạ.

Các sách của Quan Hải Tùng thư đạt chất lượng cao với đội ngũ cộng tác viên gồm các tác giả, dịch giả, biên tập viên giỏi và tâm huyết như Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh, Trần Đình Nam…

Sách do Quan Hải Tùng thư phát hành có tác dụng tốt đến nhận thức về nội dung tư tưởng và khơi dậy lòng yêu nước cho độc giả. Sau này, trong cuốn hồi ký Sống với tình thương, của bà Như Mân – người đồng chí và là bạn đời của GS. Đào Duy Anh, viết: “Sách của Quan Hải Tùng thư in ra chúng tôi đều đọc, nhờ đó đã mở ra cho chúng tôi hiểu biết thêm về Cách mạng giải phóng dân tộc”.

Trong thực tế, Quan Hải Tùng thư không dừng lại ở năm 1929. Đến năm 1930, sau khi ra tù, Đào Duy Anh lại cùng với các đồng chí của mình xuất bản thêm được 11 đầu sách nữa trong hai năm 1930 và 1931. Lúc này, Quan Hải Tùng thư xây dựng được đại lý bán sách ở nhiều nơi từ Hà Nội, Hải Phòng đến Phan Thiết, Sài Gòn, Trà Vinh, Phnom Pênh (Camphuchi) và Vientiane (Lào)…

Như trên đã nêu, sách do Đào Duy Anh sưu tầm, xuất bản và giới thiệu với độc giả thực sự là những công trình có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước, hướng tới người đọc những kiến thức cơ bản về Cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Trong tình hình thực tế lúc ấy, Đào Duy Anh đã chọn cho ông phương pháp hoạt động hiệu quả nhất phù hợp với điều kiện và thế mạnh của ông: Nghiên cứu nhằm truyền bá những kiến thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác và đề cao các giá trị của văn hóa dân tộc mà điểm cốt lõi là tinh thần yêu nước và tự hào dân tọc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang: chống đế quốc và phong kiến tay sai giành độc lập cho đất nước, tự do, hanh phúc cho nhân dân…

[1]  Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm hồi ký, Nxb Trẻ với sự hợp tác của ASIA – MESDIA, 1989. Tr.31,32

[2] Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm hồi ký, Nxb Trẻ với sự hợp tác của ASIA – MESDIA, 1989. Tr.31,32

 

 PGS.TS Trần Đức Cường