"Nhà dột, Vợ dại, Con dốt": Ba nỗi lo của người đàn ông

Tết đến cận kề. Dường như nhà nghèo thì sợ Tết còn nhà giàu thì vui mừng chờ đón Tết? Mấy chủ nhà vườn bán cây cảnh ế ẩm tập trung ngồi ở quán nhỏ bên đường bàn về đề tài này và nỗi sợ của người đàn ông về "Nhà dột, vợ dại, con dốt".

Anh H một người chịu khó làm ăn buôn bán cây cảnh có tiếng trong làng cây nhưng vì không may dính vào bất động sản bị thua lỗ trắng tay. Tết với anh là một nỗi sợ hãi và ám ảnh vô cùng: "Tết đến chủ nợ đòi liên hồi. Đi làm quanh năm ngày tháng quần quật như trâu bò cũng chỉ đủ để trả nợ, không lo toan cho vợ con và người thân với bổn phận của một người chồng. Nói ai tin cho gia cảnh của mình. Con cái không được ăn diện đi chơi như bạn bè nghĩ mà tủi quá. Người ta có nhà cửa đàng hoàng mua thứ nọ thứ kia về bày còn mình thì...Không thể để vợ con chờ đợi thêm được nữa".

nha1

"Nhà dột, vợ dại, con dốt" nỗi lo không chỉ riêng ai; Ảnh minh họa.

Anh K, một anh hai Nam Bộ có phần thoáng hơn trong quan niệm về Tết: "Cả năm lăn lộn ngoài thương trường mấy ngày Tết bên bữa cơm sum họp cùng gia đình là vui rồi. Mọi cái còn lại cứ để nó diễn ra theo xu thế tự nhiên. Suy nghĩ chi nhiều cho mệt. Trên đời này, cái gì tròn và hoàn thiện rất dễ bị vo mất. Trục trắc, không như ý là cái ngưỡng cho người ta phấn đấu, tu tập, rèn luyện để trưởng thành".

Anh N một người đứng tuổi hơn cả và có lẽ cũng là người từng trải hơn cả khi đưa ra ba nỗi sợ hãi nhất của một người đàn ông là "Nhà dột, vợ dại, con dốt". Anh bình tĩnh phân trần: "Trong ba điều sợ hãi nhất ấy, thì vai trò của vợ rất quan trọng. Người vợ hiền thảo thông minh khéo léo trong ứng xử thì dù nhà có dột vẫn đầm ấm an vui và tất nhiên họ biết cách dạy, biết cách ảnh hưởng đến giáo dục con cái. Một trong những Hán tự có ý nghĩa uyên thâm là chữ “An” (安), nghĩa là bình hòa, yên ổn. Chữ “An” gồm hai phần, trên cùng có mái nhà (宀) và phía dưới tượng trưng cho một người phụ nữ (女), nghĩa là trong nhà có bàn tay lo lắng của người phụ nữ thì gia đình sẽ trở nên yên bình. Cổ nhân xưa có câu:“Thê hiền phu an”, tạm dịch là: Vợ hiền đức thì chồng được bình an".

Anh H đồng tình với anh N và cho rằng: "Gia đình có thể hạnh phúc, bình an hay không, thế hệ sau có thể thành tài hay không, phần nhiều có liên quan tới hành vi xử thế của nữ chủ nhân trong nhà, cũng có liên quan tới việc họ đối xử với chồng với con với cha mẹ chồng và cả bạn bè của chồng như thế nào. Giàu về bạn sang về vợ là vậy".

nha2

"Nhà dột, vợ dại, con dốt": Ba nỗi lo của người đàn ông; Ảnh: Internet

Anh K bổ sung thêm: "Người phụ nữ "Công dung ngôn hạnh" giống như phong thủy vượng khí sẽ mang lại hạnh phúc và may mắn tài lộc cho gia đình nói chung cho người chồng nói riêng. Sự đoan trang tề chỉnh, lễ nghi khuôn phép, và tấm lòng thiện lương của người phụ nữ sẽ mang tới phúc đức vô tận cho gia đình và con cháu sau này. Mặt khác, một người vợ không đủ đoan trang, không đủ nền nã, lại bất hiếu với song thân, thất kính với hàng xóm bạn bè và các mối quan hệ của chồng sẽ mang lại vận rủi cho chính bản thân, đồng thời đem rắc rối đến cho gia đình. Bởi vậy cổ nhân xưa dạy rằng: “Hảo nữ nhân hội vượng tam đại. Phôi nữ nhân hội hại tam đại”, nghĩa là: Người phụ nữ tốt sẽ giúp ba thế hệ hưng thịnh, người phụ nữ xấu sẽ góp phần làm cho ba thế hệ bại hoại".

Nói về vai trò của người chồng, người vợ trong một gia đình, các cụ ta từ xa xưa đã chỉ rõ: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Đàn ông, người chồng thường lo toan, gánh vác những việc lớn việc khó trong gia đình đến các quan hệ xã hội. Để tránh rơi vào ba điều sợ nhất nêu trên thì người đàn ông phải làm tốt vai trò của mình ở những việc như: Cột trụ vững chắc trong gia đình; Biết tạo niềm vui, sự tín nhiệm; Sống quan tâm, độ lượng, vị tha sẽ làm vợ vị nể hơn; Sống chung thủy, yêu vợ chân thành thể hiện qua một lời khen tặng, một cử chỉ yêu thương, một cái nhìn khích lệ sẽ làm vợ hạnh phúc tràn trề; Quan tâm hơn tới vợ và con cái, cùng chia sẻ công việc gia đình, luôn tạo bầu khí hòa thuận là tấm gương cho con cái bắt chước học hỏi...

nha3

Đìu hiu cảnh "chợ lao động" với nỗi lo cơm áo của những người đàn ông; Ảnh: Internet

Những người nghèo, người sa cơ lỡ vận rơi vào hoàn cảnh túng bấn thì nỗi lo cơm áo gạo tiền là nỗi lo thường nhật đâu chỉ có khi Tết đến xuân về. Ngược lại cũng không thiếu những gia cảnh "nhà giàu cũng khóc". Không hiếm những gia đình có nhà cao cửa rộng biệt phủ nhà lầu xe hơi nhưng con cái không có động lực phấn đấu ăn chơi lêu lổng sa vào các tệ nạn xã hội gây đau đầu bao bậc làm cha làm mẹ. Trong những trường hợp như vậy, dù có ở biệt phủ đi chăng nữa thì vẫn liệt vào nỗi sợ “Nhà dột”. Nhà dột ở đây được hiểu theo nghĩa bóng, tức là có nền nếp, lễ giáo, có phúc có hậu hay không. Giàu mà không sang là vậy. Giàu đời bố nhưng chẳng những không “củng cố đời con” mà ngược lại còn dẫn đến sự suy tàn và hư hỏng trong tương lai. Như vậy là chỉ là “có” chưa thể là “giàu” được.

Có những người sau bao năm kinh bang tế thế tiền hô hậu ủng bao người sum xuê tung hô nịnh bợ đã hoa mắt quên mất những giá trị của cuộc sống giản dị đời thường. Đó là ngày đi làm tối về bên gia đình vợ con, sống chan hòa với bà con chòm xóm anh em bạn bè. Đến khi rơi vào lao lý mới giật mình nhìn lại thì những ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng đã trở nên quá xa vời, đã muộn khi biết mình đã vượt qua giới hạn đỏ của cuộc sống.

Ca khúc Khát vọng xuân nói về nỗi lo của một người đàn ông một sáng tác của Thái Duy Linh phổ thơ Phạm Hải.

Ngẫm về câu chuyện giữa những người kinh doanh cây cảnh trao đổi về ba nỗi sợ hãi của một người đàn ông thật chí lý và là mối quan tâm này không phải của riêng ai. Nỗi sợ, niềm tin, nghị lực phấn đầu và cả những toan tính để tránh ba nỗi sợ "Nhà dột, vợ dại, con dốt" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Suy cho cùng ai sống trên đời cũng muốn "nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, gia đình hạnh phúc". Nhưng dòng đời xô đẩy, "Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí" bao cám dỗ đẩy đưa ta vào vòng xoáy không phải lúc nào cũng kiểm soát hết được. Có những cái họa do “Tham, Sân, Si” gây ra; có những cái họa do vô minh, ít kiến thức, kinh nghiệm thực tế nên mắc phải. Nhưng cũng có cái họa do “tai vay vạ gió” tự nhiên quàng vào cổ người hiền lành một cách bất ngỡ. Không ai học được hết chữ “ngờ”, cũng chẳng ai thuộc hết bài trên trường đời là vậy. Nhà Phật gọi là duyên là nghiệp phải trả phải mang. Chỉ có lấy tấm chân tình mà tu tập diệt khổ, không oán không trách không ảo vọng ở nơi đâu ngoài mình cả. Đời là bể khổ là vậy chăng?

Đối mặt với những gian truân chìm nổi và nỗ lực bất thành con người mới nhận ra giới hạn thực sự của mình. Và nỗi lo về ba điều đáng sợ nhất của một người đàn ông luôn rình rập hiện hữu trong cuộc sống. Họ trăm trở về những chuyện "lực bất tòng tâm" nhìn thế sự diễn ra trong lo lắng buồn sầu. Ai cũng có những lo lắng riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn mình về ba điều trên ở mức độ khác nhau. Chỉ khi vượt qua  nó, “tề gia” ổn mới mong đủ dũng khí và niềm tin để “bình thiên hạ”.

Đồng cảm và chia sẻ với nỗi lo của những người kinh doanh cây cảnh có tâm sự về ba điều lo lắng riêng tư mà cầu mong họ sớm thành công trên đường đời để trả nợ đời trả nghiệp mình và vượt qua nỗi lo "Nhà dột, vợ dại, con dốt".

Quyết Tuấn