Nhà văn- nhạc sĩ Phạm Việt Long trình làng ca khúc "Chiều thiếu nữ": Phóng khoáng, lãng mạn đầy chất thơ

Ca từ giản dị, gần gũi kết hợp với giai điệu phóng khoáng vui tươi đã khiến cho ca khúc "Chiều thiếu nữ" của nhạc sĩ Phạm Việt Long mượt mà, bắt tai nhưng cũng lãng mạn, đầy chất thơ.

Xuất thân là một nhà báo chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó lại nhiệt huyết với văn chương, nhà văn- nhà báo Phạm Việt Long khiến nhiều người bất ngờ khi tiếp tục rong chơi cùng âm nhạc và liên tiếp trình làng những ca khúc ấn tượng.

d2-1648607994.jpgNhà văn- nhà báo Phạm Việt Long

"Chiều thiếu nữ" (lời thơ: Hiền Phương) là ca khúc mới mà nhạc sĩ đa tài này sắp ra mắt. Với giai điệu đẹp đậm chất trữ tình da diết nhưng không kém phần phóng khoáng, "Chiều thiếu nữ" đã tạo nên một không gian âm nhạc đầy lãng mạn của một cuộc tình thật đẹp.

Sáng tác của nhạc sĩ Phạm Việt Long đưa người nghe trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi phác họa bức tranh bằng nhạc và lời rất thơ về tình yêu đôi lứa.

d3-1648608053.jpgTác phẩm Chiều thiếu nữ 

"Anh cùng em sang bên kia cầu..Nơi có những vùng quê yên ả. Câu thơ đã một thời rộn rã..Lại bất ngờ lay động cả chiều nay". Ca khúc mở đầu với giai điệu nhẹ nhàng, thư thả, như lời tâm tình, giãi bày của chàng trai với người con gái mà anh yêu thương.

Đến với "Chiều thiếu nữ", người nghe bắt gặp những hình ảnh vô cùng quen thuộc như cánh diều nơi triền đê chất chứa bao điều mong mỏi giữa hai bờ mơ - thực, câu chuyện cổ tích thủa nào, dòng sông mênh mang, dạt dào sóng vỗ.

Và rồi sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ cùng trái tim nhiệt thành đã khiến nhạc sĩ gốc Ninh Bình phải thốt lên rằng: "Khi người ta yêu tuổi nào cũng trẻ. Biển sông nào cũng chẳng ngại nông sâu!".

Dù sử dựng chất liệu dân gian bình dị nhưng ca khúc "Chiều thiếu nữ" vẫn không hề ảm đạm mà mang theo cả nhiệt huyết, tươi mới của tuổi trẻ khi mà giai điệu từ dịu dàng, chậm rãi dần trở nên vui tươi, rộn ràng một cách uyển chuyển, tự nhiên.

"Chiều thiếu nữ" mang một màu sắc rất riêng, mới lạ, độc đáo so với những sáng tác trước đó của Phạm Việt Long. Ca khúc là lời tâm tình thủ thỉ chuyện lứa đôi nhưng vẫn mang nét tươi vui, sôi nổi, nồng nhiệt của một thời tuổi trẻ.

Với quan niệm, làm báo, viết văn hay sáng tác nhạc đều dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc, nên các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Việt Long dù đề tài tình yêu hay quê hương, đất nước, con người cũng đều thấm đượm "hồn quê" với những chất liệu dân gian, hình ảnh mộc mạc, gần gũi.

d1-1648608072.jpg Ca sĩ diễn viên Quốc Quốc và Ceo Á hậu Trang Viên biểu diễn tác phẩm

Tuy nhiên, những gì bình dị, chân phương nhất dưới ngòi bút của Phạm Việt Long lại trở nên rất thơ, rất tình, khiến người nghe được thả hồn vào cùng từng giai điệu, đắm chìm về miền kí ức đẹp một cách mộc mạc đã qua.

Nếu như "Niệm bình an" là lời nhắc nhở chúng ta biết yêu hòa bình, yêu quê hương, đất nước; buông bỏ sân si, biết thứ tha, sống yêu thương đồng loại, “Mơ hình bóng quê nhà” đầy sâu lắng, tha thiết thì chùm ca khúc về mảnh đất, con người Hà Nội: “Đêm thu Hà Nội” (thơ Hiền Phương), “Hà Nội ngày về” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Nhớ Hà Nội” (thơ Văn Trọng Hùng), “Hoa sữa tình đầu” (thơ Nguyễn Phan Hách)..lại thể hiện sự bay bổng, lãng mạn, hào hoa vốn có của một người đã gắn bó với thủ đô hơn nửa thế kỷ.

Có lẽ, chính "chất sống" vô cùng phong phú cùng nhãn quan rộng mở của một nhà báo, nhà văn đã khiến cho những tác phẩm của nhạc sĩ, tiến sĩ Phạm Việt Long đầy sức sống, giản dị, gần gũi với những người yêu nhạc.

Mong rằng với nền tảng kinh nghiệm, từng trải của một nhà báo kì cựu, sự nhạy cảm của một nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long sẽ tiếp tục ra mắt những ca khúc mới về tình yêu, quê hương đất nước, mang theo chất riêng, làm phong phú thêm nền âm nhạc nước nhà.

Nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long sinh năm 1946 tại Hà Giang, quê gốc ở Ninh Bình.

Trong những năm miệt mài với con chữ và nghệ thuật, ông đã nhận được nhiều giải thưởng ấn tượng như: Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập sách “Bê trọc”; Giải C sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất - năm 2018 với tập sách “Bi Bi và Mặt đen”; Giải Nhất Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với tập sách “Hát mãi Trường Sa ơi”; Giải Khuyến khích Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với tập sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”.

Trong năm 2020, tập truyện “Phong lan về trời” (NXB ) của nhà văn, nhạc sĩ đa tài Phạm Việt Long cũng tạo được tiếng vang và dấu ấn không nhỏ trong lòng độc giả.

----

Đọc thêm bài viết liên quan: https://vanhoathoidai.vn/