Nhạc sĩ Doãn Nho và ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”

Ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” là một trong 10 bài hát truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam, rất quen thuộc với các thế hệ chiến sĩ.


Hồi còn sống, nhạc sĩ quân đội Hoàng Tạo (1936 – 2004) thường đến nhà tôi chơi, hát cho nhau nghe những tác phẩm mới. Có lần nghe liền mấy bài của anh phần lớn ngôn ngữ âm nhạc xen lẫn giữa “Trưởng và Thứ” trong giai điệu. Tôi nhận xét luôn: Có vẻ như anh chịu ảnh hưởng của cụ Nguyễn Xuân Khoát? Hoàng Tạo nói: "Có phần đúng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều hơn ở anh Doãn Nho, nhất là từ bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Anh giải thích: Nghe bài hát này ta thấy bước tiến khi tiến hành giai điệu mà anh Doãn Nho đã khéo xử lý đan xen giữa Trưởng và Thứ rất rõ. “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” đó chính là son thứ, còn“Vừng đông đã hửng sáng” đấy là si giáng trưởng, chất anh hùng ca lại có được chiều sâu.


Nhạc sĩ Doãn Nho. 


Nếu chỉ có trưởng thôi thì nó dễ nông nhưng bên cạnh đó có điệu thứ tạo nên sự trầm hùng, sâu sắc. Và mỗi lần nghe ta cảm nhận rất rõ những bước đi hào hùng của lớp lớp các cán bộ chiến sĩ đồng thời cũng thấy được chiều sâu đó chính là tình yêu quê hương, đất nước và lòng biết ơn những thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.


Nghe Hoàng Tạo giải thích, tôi lại nhớ những lần nhạc sĩ Doãn Nho đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), anh cũng kể về sự ra đời của ca khúc này: “Bốn năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1958, tôi được cử đi tiền trạm về vùng đất lịch sử này để chuẩn bị cho đôàn Văn công Tổng cục chính trị lên biểu diễn phục vụ bà con các dân tộc và các chiến sĩ; đồng thời cũng là dịp đi thực tế để sáng tác. Tôi viết rất nhanh, chỉ trong 2 ngày là xong “Tiến bước dưới quân kỳ”.
“Vừng đông đã hửng sáng
 núi non xanh ngàn trùng xa
Tổ quốc bao la hiền hòa 
Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao 
Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca 
trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” 

Hoàn chỉnh xong, bài hát được tốp ca nam trong đoàn tập ngay. Tốp nam này do 2 nghệ sĩ Trần Chất, Đoàn Thiều phụ trách đội hát. Buổi đầu tiên dàn dựng và hát còn có cả nhạc sĩ Huy Luân kéo đàn Accordion. Như vậy, người sáng tác và người biểu diễn đều là người lính là đồng đội nên tập rất nhanh, hát rất đúng ý. Và không có gì sung sướng, hạnh phúc hơn là niềm vui có một bài hát mới được viết và được diễn ngay trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.”


Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, Nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ Dân Huyền tại Nhà hát Đài TNVN. 


Tôi cũng có đôi kỷ niệm với nhạc sĩ Doãn Nho. Đó là những năm 60 của thế kỷ trước, bài hát “Chiếc khăn Piêu” khi biểu diễn ai cũng giới thiệu là Dân ca Khơ Mú (Xá). Ngay cả các nhạc sĩ Thái Cơ, Trần Hữu Pháp, thời đó công tác ở Nhà xuất bản Văn Hóa cũng “nhầm” như thế. Đúng dịp tôi được cử phụ trách các chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài TNVN, thì nhận được thư của anh Doãn Nho gửi về Đài, trong thư anh kể lai lịch khi sáng tác bài ấy có dựa trên chất liệu dân ca Khơ Mú, lúc đầu mang tên là “Chiếc khăn rơi”. Từ đó chúng tôi trả lại tên cho tác giả, bằng cách chuyển bài đó sang chương  trình ca nhạc mới cho đúng vị trí. Năm 1979 anh Doãn Nho ngỏ lời giúp anh có bản soạn Piano bài “Bên Lăng Bác Hồ” của tôi để  thêm danh mục âm nhạc Việt nam trong luận án của anh. Tôi rất vui đã thực hiện được đúng hẹn để anh kịp mang sang Kiev (Liên Xô) nơi anh tu nghiệp. Những năm sau đó, khi hai cháu Ánh Quyên và Doãn Nguyên (con gái và con trai của anh) về làm việc ở Đài TNVN, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn và hiểu biết nhau nhiều hơn.

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933. Thuở nhỏ, Doãn Nho đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân gian Bắc Bộ và âm nhạc phương Tây, bắt đầu học violon năm 10 tuổi. Năm 1945, ông tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng. Năm 1946, ông tham gia vào Đội tuyền truyền lưu động Bắc Giang, rồi Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên năm 1948. Năm 1950, ông học Trường Lục quân Việt nam khóa 6, sau đó về Đội văn công của nhà trường , vừa chơi violon vừa sáng tác những ca khúc đầu tay như Bà mẹ nuôi, Tiến theo gương La Văn Cầu... Năm 1954, ông công tác tại Đoàn văn công Tổng cục chính trị, viết bài hát Vui giải phóng, hợp xướng Sóng Cửa Tùng và những ca khúc như "Chiếc khăn rơi", "Tiến bước dưới quân kỳ".


Từ 1962-1964, Doãn Nho được cử đi học sáng tác tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô). Trở về nước, ông đi vào chiến trường ở Khu 4, Nam Lào, Quảng Trị. Ở đây ông đã có những tác phẩm: "Quả bom câm", "Tây Nguyên chiến thắng", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (thơ Hữu Thỉnh), "Người con gái sông La" (thơ Phương Thúy), "Hát mừng quê ta giải phóng"...  

Ngoài những sáng tác thanh nhạc, ông còn viết thanh xướng kịch Trẩy hội đền Hùng, một số tác phẩm khí nhạc như Thơ giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sử, Khúc tưởng niệm cho soprano và dàn nhạc, Concertino cung la thứ cho violon và dàn nhạc, Liên khúc giao hưởng ba chương Chiến thắng, Thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng, Thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long (chương 1), nhạc cho vở balê Một thời và mãi mãi… Ông còn viết nhạc cho kịch, kịch múa và nhạc phim. Năm 1982, ông nhận bằng tiến sĩ nghệ thuật học  tại Nhạc viện Kiev và đã có nhiều bài tiểu luận, tham luận, phê bình âm nhạc.

 “…Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi
Mãi mãi vững tin Đảng tiền phong
Bộ đội của ta đã mạnh lớn
Lớp lớp sóng người vững bước
dưới cờ vinh quang này
là đoàn quân đã chiến thắng
đây ánh quân kỳ chiếu sáng ngời…”

Trở lại ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”. Đây là một trong 10 bài hát truyền thống của quân đội nhân dân Việt nam, rất quen thuộc với các thế hệ chiến sĩ. Hàng ngày khi tiến hành lễ chào cờ Tổ quốc nơi quảng trường Ba Đình, trước lăng Hồ Chủ tịch, thì giai điệu bản nhạc này cũng được tấu lên vọng vang trong ánh bình minh dưới khung trời Hà Nội. Trong các ngày lễ lớn của nhà nước, của quân đội ,dàn nhạc kèn đã hòa tấu “Tiến bước dưới quân kỳ” rất trang nghiêm và hùng tráng.
Cậu học trò sinh ra ở làng Cót (Hà Nội) năm nào, nay là nhạc sĩ đại tá quân đội, về hưu đã hơn hai chục năm. Nhạc sĩ Doãn Nho đã được tặng thưởng: Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương lao động hạng 3, Huân chương quân công hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng khác.

Ngày xưa ông tiến bước cùng đồng đội, nay ông tiến bước cùng cộng đồng người cao tuổi, trên cương vị Viện trưởng “Viện nghiên cứu ứng đụng dưỡng sinh tâm thể Việt Nam”. Đầu xuân Kỷ Hợi (2018) chúng tôi gặp nhau trong cuộc họp của Tạp chí Người Cao tuổi. Rất vui được nghe Doãn Nho cùng các cộng sự hát bài “Còn gì vui hơn” viết về dưỡng sinh tâm thể của ông. Là bậc đàn anh trong “làng” âm nhạc Việt Nam, ông không ngừng giúp ích và làm đẹp cho đời.