Và cũng nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca vô cùng phong phú. Những điệu hò đối đáp giai điệu trữ tình, rộn ràng, mênh mông xuôi theo những con sông dài bát ngát. Những điệu lý duyên dáng, giản dị, tính chất tự sự, đậm nét quê hương của vùng đất hoang sơ và hào phóng. Những bài hát ru êm đềm sâu lắng, dạt dào tình mẫu tử. Để rồi tất cả những câu hát, điệu hò ấy cứ luôn tô điểm cho vùng đất quê hương tôi thêm đẹp, thêm giàu và thật đáng yêu…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (áo trắng, bìa phải) tại buổi Họp mặt giới văn nghệ sĩ được tổ chức tại Tiền Giang vào năm 2003
.
Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (xin được gọi thân mật là nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam) sinh ngày 14-7-1932 trong một gia đình trí thức có tiếng tại Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Cha của nhạc sĩ là ông Nguyễn Văn Dưỡng, một thầy giáo rất có uy tín trong làng. Mẹ là bà Phạm Thị Luận, một phụ nữ đoan trang, xinh đẹp, nhân hậu và trí tuệ hơn người. Chính vùng đất này còn là một trong những cái nôi của dòng nhạc tài tử Nam bộ. Từ thuở bé, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã nghe, đã thuộc, đã thấm sâu vào máu, vào thịt những dòng nhạc khúc chiết, du dương, những cú nhấn nhá tuyệt vời từ các ngón đàn điêu luyện của các bậc thầy âm nhạc cổ truyền dân tộc.
Tuổi thơ, cậu bé Nguyễn Văn Nam thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Năm 1947, ông trở thành đội viên nhỏ tuổi của Ban “Đời sống mới” tỉnh Mỹ Tho. Đặc biệt, trong những ngày học dưới mái trường Tiểu học kháng chiến Phan Lương Trực tại Đồng Tháp Mười, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam rất chăm chỉ học tập. Năm 1949, ông chính thức nhập ngũ và công tác tại Tổ Quân nhạc Khu 8, sau này là Đoàn Văn công mặt trận Đồng Tháp Mười.
Trong thời gian này, Nguyễn Văn Nam đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Ông được các thế hệ đàn anh rất tên tuổi ở Nam bộ thời bấy giờ: Nhạc sĩ Huê Nhu (tác giả bài hát Vệ quốc đoàn tiến lên), Nguyễn Hữu Trí (tác giả Tiểu đoàn 307), Phan Vân (tác giả Niềm thương mến). Đặc biệt là nhạc sĩ Hoàng Việt, là người đàn anh đồng nghiệp của ông.
Các người anh đồng nghiệp đã hết mực dìu dắt và chỉ dẫn Nguyễn Văn Nam đến với con đường âm nhạc. Học được một chút vốn liếng bài bản, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam càng thêm say mê cây đàn, giọng hát của mình. Các phong trào văn nghệ của chiến khu nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đều tham gia, nhưng vào thời điểm ấy ông chỉ tham gia với vai trò người đánh đàn và hát.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và do sức khỏe không được tốt ông được giải ngũ với diện thương binh nặng và được chuyển ngành sang Bộ Văn hóa. Năm 1959, lòng đam mê âm nhạc thôi thúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã chạm chân đến ngưỡng cửa của dòng nhạc bác học - nhạc chuyên nghiệp. Ông thi và trúng tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này). Sau 4 năm miệt mài trên ghế nhà trường, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp âm nhạc, do đó ông được chuyển thẳng lên hệ đại học sáng tác âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 1966, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam tốt nghiệp loại giỏi và được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Saint Peterbourg (Cộng hòa Liên bang Nga). Ông hoàn tất chương trình học và tốt nghiệp vào năm 1973, sau đó về Việt Nam làm việc.
Năm 1974, ông lại được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leningrad và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ 2 ngành Sáng tác và Lý luận. Ông đã ở lại Nga làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Tự trị Kabardino-Bankar từ năm 1979, là hội viên chính thức của Hội Nhạc sĩ Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga).
Năm 1991, ông trở về nước, tham gia công tác giảng dạy bậc đại học và cao học chuyên ngành Sáng tác, Lý luận tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Trong 26 năm làm việc tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, ông được phong hàm Giáo sư vào ngày 20-11-2015 vì những đóng góp cho nền âm nhạc của Việt Nam.
Trong cuộc đời tất bật làm việc, gắn bó và say mê cùng âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam ghi dấu ấn với bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, bạn bè, người thân là một người thầy dạy nhạc hiền lành, thông minh, vui tính, dí dỏm, là một giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ tài năng, tâm huyết, nổi tiếng và là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên có nhiều tác phẩm được công diễn tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong 8 bản giao hưởng nổi tiếng của nhạc sĩ, Bản giao hưởng số 8 được nhạc sĩ viết tặng cho quê hương Tiền Giang của mình như một món quà ân tình của người con bao năm sống xa quê. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2003 duy nhất ở thể loại giao hưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là tác phẩm đầu tiên về thể loại nhạc giao hưởng được Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh trao giải thưởng năm 2003 - 2004.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã được giới chuyên môn, các giáo sư và rất nhiều sinh viên Mỹ mến mộ. Ông còn là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên được đến Mỹ dàn dựng tác phẩm mới tại New York vào năm 2003… Có thể nói, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là một trong số ít nhà soạn nhạc Việt Nam được thế giới biết đến và đánh giá cao qua một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc hàn lâm nước nhà, đầu năm 2007, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam danh dự đón nhận Giải thưởng Nhà nước qua các tác phẩm: Giao hưởng số 3, Tổ khúc giao hưởng “Tiếng sáo 1”, Khúc phóng tác giao hưởng “Tưởng nhớ”, Giao hưởng số 5 “Mẹ Việt Nam”, Giao hưởng số 6 “Sài Gòn 300 năm”. Ông được tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Vàng tại Hội diễn ca nhạc năm 1995 với tác phẩm vũ kịch Huyền thoại Mẹ, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam bản Giao hưởng số 8 - Đất nước quê hương tôi, UBND TP. Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng cho độc tấu sáo và dàn nhạc Miền đất thiêng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng giải thưởng cho bản giao hưởng Nhật ký trong tù, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải thưởng Âm nhạc, giải đặc biệt cho các tác giả, nhạc sĩ khu vực phía Nam… |