Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và mối duyên với “Dạ cổ hoài lang”

Những ngày này, Bạc Liêu rộn ràng kỷ niệm 100 năm bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời. Từ bản gốc nhịp đôi phát triển đến bài vọng cổ hiện nay là một hành trình sáng tạo. Nhắc đến “Dạ cổ hoài lang” cũng thật là thiếu sót nếu không nhắc đến vị nhạc sĩ nặng lòng với bài ca này - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

“Trở lại Bạc Liêu” là chương trình nghệ thuật vừa được Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp Báo Nhà báo & Công luận thực hiện nhằm tôn vinh bản “Dạ cổ hoài lang” và các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Trong đêm vinh danh ấy, nhạc sĩ tài hoa đã không thể có mặt do sức khỏe yếu. Nhưng tên ông, những giai điệu và tiếng lòng của ông thì cứ ngân vang mãi trên quê hương Dạ cổ.

Đêm nhạc “Trở lại Bạc Liêu” tôn vinh bản “Dạ cổ hoài lang” và các sáng tác của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. 

“Trở lại Bạc Liêu” là tên một ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, cùng với hàng loạt ca khúc hay viết về Bạc Liêu nói riêng, miền Nam nói chung: “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”, “Điệu  buồn phương Nam”, “Đau xót Lý Chim quyên”, “Trên sóng Cửu Long”, “Chào Cửu Long Giang”… Trong đó, rất nhiều ca khúc được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lồng vào đó ít thì là tứ nhạc, nhiều thì là cả giai điệu lẫn ca từ của bản “Dạ cổ hoài lang”. Hầu hết những ca khúc ấy đều thành công, được công chúng rất mến mộ. Ông viết bằng cả niềm trân trọng di sản Bạc Liêu: “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu Hoài lang. Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm. Xề u xế u liu phạn. Dây tơ đàn kìm buông thiết tha” (“Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang”); hay là: “Về trông sóng lúa mênh mông, hẹn những mùa vàng bội thu. Bạc Liêu miền đất phương Nam, sáng ngời tình yêu thủy chung. Chất ngất trong ta tấm lòng ai thiết tha mong đợi. Tiếng ca mơ màng theo cung đàn Dạ cổ hoài lang”.

Chẳng những vậy, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn là người “khoác áo mới” cho bản “Dạ cổ hoài lang”. Sau nhiều năm vương vấn bài ca này, năm 1999, ông trở lại Bạc Liêu, nghe nghệ nhân ca lại bài ca này và tiến hành phục dựng, ký âm theo nhạc Tây phương. Bản nhạc ký âm này được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đưa cho ca sĩ Hương Lan và Hạnh Nguyên đi hát ở Hà Nội như một ca khúc độc lập. Ca sĩ Hương Lan vốn quen với cải lương nên hát có sửa đổi đôi chỗ về thanh nhạc nhưng Hạnh Nguyên thì hát đúng bài ký âm. Đó chính là bài “Dạ cổ hoài lang” được phổ biến rộng rãi trong công chúng đến tận hôm nay. Ngoài ra, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn là người tiên phong, cùng các cộng sự dịch bản “Dạ cổ hoài lang” sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Quan thoại để giúp bản nhạc của bác Sáu Lầu thêm vang xa.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển quê ở Quảng Nam, vào Sài Gòn học đại học và khi ra trường thì được cử về Bạc Liêu dạy học, khi mới 22 tuổi. Ông cho rằng đó là cái may mắn, điều cơ duyên để giúp ông tiếp cận và say đắm “Dạ cổ hoài lang”. Nói theo ông, bài ca đó “thâu tóm trọn vẹn chất Oán trong hồn tính lãng mạn tươi đẹp của âm nhạc phương Nam”. Để rồi suốt quãng đời còn lại, dù làm thơ, viết văn, làm báo hay sáng tác nhạc, thì âm hưởng “Dạ cổ hoài lang” vẫn da diết trong ông mãi không thôi.

Ở tuổi 72, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đang chống chọi với bệnh tật, với đau đớn thể xác. Nhưng tâm hồn ông vẫn trong trẻo với “Dạ cổ hoài lang”.