Nhân Ngày thơ Việt Nam năm Nhâm Dần -2022, xin có một đề xuất nhỏ tại khu di tích Nguyễn Du

Trước Ngày Thơ Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022, chúng tôi có may mắn được du xuân về Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh...

Khi vào thăm Di tích Nguyễn Du, chúng tôi thật bất ngờ cảm động, vì được Giám đốc Hồ Bách Khoa, Phó giám đốc Trần Thị Vinh và các anh chị trong Ban Quản lý khu di tích, chẳng những đã tiếp đón rất nhiệt tình chu đáo, mà còn tặng gần chục cuốn sách tư liệu quý, hầu hết được đóng bìa cứng (ảnh đính kèm).

chuydvh1q-1644828502.jpgTặng sách tượng trưng, từ trái qua: Giám đốc Hồ Bách Khoa, Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Phó giám đốc Trần Thị Vinh. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhân đây, chúng tôi xin có một đề xuất nhỏ: hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Lục bát là thể thơ thuần Việt nhất, đã có hàng ngàn năm, được sinh ra từ ca dao và dân ca… nhưng phải đợi đến Truyện Kiều của Nguyễn Du mới hoàn chỉnh và đạt tới đỉnh cao. Nói cách khác, nhờ thiên tài của Đại Thi hào Nguyễn Du mà thể loại Lục bát đã khẳng định được vị thế của mình và được vinh danh xứng đáng.

chuykidvh2-1644828622.jpgMột số ấn phẩm quý, do Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du tặng Nhà thơ Đặng Vương Hưng. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sau Nguyễn Du, Thơ Lục bát không dừng lại, vẫn tiếp tục được nhiều tác giả sáng tác, tiếp tục sinh sôi, phát triển như một dòng chảy âm thầm, lặng lẽ, nhưng mãnh liệt của Văn hoá Việt… Chính vì thế, thiết nghĩ Khu Di tích Nguyễn Du nên dành một không gian phù hợp để trưng bày và giới thiệu các Tác giả - Tác phẩm hậu Nguyễn Du, đã có thành tựu với thể loại Thơ Lục bát.

chuykieudvh3-1644828727.jpgMột số hiện vật trưng bày tại di tích Nguyễn Du. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Kính mong các vị cao nhân, các tác giả và những người yêu Thơ Lục bát cho thêm ý kiến về đề xuất nêu trên!

Hà Tĩnh, 14/2/2022

D.V.H

Theo Trái tim người lính