Ảnh minh họa |
"Hành động của chính phủ về môi trường phản ánh niềm tin của chúng tôi rằng cần phải thay đổi tư duy đáng kể và đó không phải là những hạn chế đối với tăng trưởng mà là động lực thúc đẩy tăng trưởng", phát ngôn viên cao cấp của Chính phủ ông Katsunobu Kato nói trong một cuộc họp thường kỳ.
Nhật Bản, quốc gia đã ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, từng bị xem là miễn cưỡng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mặc dù họ tự hào là đất nước của công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nhật Bản là nước đóng góp lớn thứ 6 vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2017.
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, với hầu hết các lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa Fukushima năm 2011.
Dự kiến, nhu cầu điện tại quốc gia này sẽ tăng 30-50% vào năm 2050, nhưng đảng bảo thủ cầm quyền cho đến nay vẫn tỏ ra khá thờ ơ với vấn đề năng lượng tái tạo, mặc dù Thủ tướng Suga đã thay đổi quan điểm trong những tuần gần đây.
Theo kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái tạo, các quan chức đang đặt trọng tâm mới vào việc tạo ra điện gió ngoài khơi với mục tiêu sản xuất tới 45 gigawatt trong những thập kỷ tới.
Nhật Bản cũng muốn sử dụng các nhà máy nhiệt điện và hạt nhân với công nghệ thu giữ carbon để đáp ứng 30-40% nhu cầu điện của quốc gia. Ngoài ra, công nghệ amoniac và hydro dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện của quốc gia.
Đến giữa những năm 2030, chính phủ của nước này cũng đặt mục tiêu chấm dứt việc bán các phương tiện chở khách chỉ chạy bằng xăng. Nhật Bản có kế hoạch thay thế chúng bằng xe hybrid, ô tô điện và ô tô lắp động cơ pin nhiên liệu, đồng thời giảm chi phí pin cho những loại xe này.
Tuy nhiên, trong khi các quan chức nói rằng kế hoạch mới là đầy tham vọng thì một số nhà phê bình lại cho rằng nó sẽ không thành công.
Ông Mika Ohbayashi, Giám đốc Viện Năng lượng Tái tạo Nhật Bản, cho biết các số liệu này là "một điểm khởi đầu kém cho các cuộc thảo luận và cho thấy sự thiếu tham vọng”. Nhật Bản nên đặt mục tiêu năng lượng tái tạo đáp ứng 50-60% nhu cầu điện quốc gia vào năm 2030, thay vì đợi đến năm 2050, nhóm nghiên cứu cho biết.
Viện này cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu công nghệ thu giữ carbon có được phổ biến rộng rãi trong những thập kỷ tới hay không - một giả định đã được Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đưa ra trong kế hoạch trung hòa carbon của họ.
Vũ Phong