Nhiều cách làm sáng tạo khi rà soát đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19

(Chinhphu.vn) – Một số địa phương trong quá trình triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách.

4 nhóm đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng chính sách

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, các địa phương đã bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42 là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách. Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Về cơ bản, 4 nhóm đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng chính sách. 

Một số địa phương trong quá trình triển khai có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện. Tại các địa phương, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn (như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; 2 người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; 1 hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hoà, Hà Nội…). 

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ không vượt chi, nhất là ngân sách Trung ương, trong số liệu tổng kinh phí đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Cụ thể: một số địa phương triển khai chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chậm trễ trong chỉ đạo, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, một phần do quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót, dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ. Một số địa phương gặp khó khăn, thiếu kinh phí, nhất là các tỉnh phải cân đối 30 - 50% ngân sách (Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa,...). 

Bên cạnh đó, việc triển khai vay trả lương của các doanh nghiệp chưa nhiều, một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích lũy kinh phí để trả lương, mặt khác do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động. 

Cá biệt có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo (mặc dù đã được phát hiện, ngăn chặn và các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc). 

Trên cơ sở tổng hợp tình hình triển khai tại các địa phương từ khi Quyết định 15 có hiệu lực thi hành, Bộ LĐ-TB&XH đã có một số kiến nghị cụ thể với Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương và quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng; chỉ đạo Bộ Tài chính cấp ứng kinh phí kịp thời cho các địa phương thực hiện; xem xét, giải quyết các kiến nghị của các địa phương theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thành việc chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xong trong tháng 5 năm 2020. Các nhóm đối tượng khác khẩn trương theo lộ trình hồ sơ phê duyệt. 

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 42 và Quyết định 15 tăng cường công tác phối hợp thực hiện, thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình tổ chức triển khai, gửi báo cáo kết quả về Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc có liên quan tới phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị.

Thu Cúc