Đơn vị tôi C2/481 đặc công thị đôi Phan thiết liên tục chiến đấu diệt địch, nhưng cũng bị tổn thất nhiều . Tháng 12/1972 cả đại đội chỉ còn 9 anh em.
Sau 12 ngày đêm dùng B52 đánh phá miền bắc, Còn 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" tại Hà Nội được Mỹ gọi là Chiến dịch Linebacker II , từ 18/12 đến 30/12/1972. của Mĩ đã phá sản, buộc người Mĩ phải quay lại bàn đàm phán tại hội nghị Pa ri. Theo kế hoạch, thì ngày 27/1/1973 sẽ kí kết hiệp định hòa bình.
Để mở rộng vùng giải phóng, trước khi hiệp định kí kết, đơn vị tôi liên tục đột kích vào thị xã – nơi trung tâm đầu não của địch trong 1 tỉnh. Đêm 26/1/1973 (là đêm 11/12/1972 âm lịch) đơn vị tôi được lệnh của Quân khu 6 và tỉnh đội bình thuận là đột kích sâu vào thị xã phan thiết để treo cờ giải phóng vào đầu não của địch là dinh tỉnh trưởng vào 7h sáng 27/1/1973 (12/12/1972 âm lịch) khi hiệu lực hiệp định Pa ri có hiệu lực. Do địch bố phòng quá chặt chẽ, tung quân ra án ngữ khắp nơi, nên đơn vị tôi không tiếp cận vượt qua được vành đại thị xã phải lui ra vùng đất ven đô. 5h sáng đơn vị tôi đụng độ với 1 tiểu đoàn địch và nổ súng chiến đấu. do chênh lệch lực lượng quá lớn, bọn địch đã bao vây đơn vị tôi, buộc đơn vị phải đánh trụ chống địch. Với bộ đội đặc công việc đánh trụ là việc vạn bất đắc dĩ, vì quân số ít , vũ khí ít hỏa lực mạnh không có. Đơn vị tôi vừa chiến đấu, vừa đào hầm để đánh trụ.
Đến 10h sáng tôi bị thương nặng do mảnh đạn chống tăng M72 xuyên thủng động mạch cổ. Máu ra nhiều, tôi đã chết thử (chết lâm sàng) nhưng cao số mà sau đó tỉnh lại. 20h tối cùng ngày, đơn vị phá được vòng vây, rút về cứ. Sau 2 ngày, cáng thương đưa tôi về viện quân y tại tuyến sau là ngày 29/1/1973 (âm lịch là ngày 14/12/1972 – năm nhâm tí). Vào viện rồi, tôi được bác sĩ , y tá hộ lí thay băng , khử trùng và tiêm kháng sinh liều cao để chống nhiễm trùng. Mỗi lần thay băng, tiêm thuốc cho tôi, các cô y tá lại cố ngậm miệng cười . sau khi thay băng hay tiêm xong, quay lưng đi ra là các cô phá lên cười như nắc nẻ vì nhìn tôi trên người chỉ có 1 chiếc quần lót nhỏ, toàn thân cởi trần, da thì bôi nhọ nồi, trông vằn vện như con chó vện vậy( lính đặc công đi trận, chui rào thì chỉ mặc độc 1 chiếc quần lót nhỏ, toàn thân bôi nhọ nồi để ngụy trang cho lẫn với màu cỏ) !
Do điều kiện là chiến trường sâu, sự tiếp tế vũ khí đã khó, còn lương thực khó hơn. Là thương binh nặng mỗi bữa ăn, tôi được hộ lí múc cho 1 bát con cháo loãng để ăn. Còn các đồng chí thương binh nhẹ và bác sĩ, y tá, hộ lí của viện thì mỗi người được 1 mẩu sắn luộc nhỏ để ăn. Cứ như vậy, ròng rã nửa tháng nằm viện đói meo thì tết năm 1973 đến. Ngày 30 tết , trời nắng to, vết thương tạm se và khô miệng, tôi mò xuống khe suối gần viện để tắm rửa. Vì vết thương ở cổ, mảnh đạn còn trong cổ chạm vào thần kinh khiến tay phải tôi gần như bị liệt. Khi tắm, để cọ các vệt nhọ nồi bám kĩ trên da, tôi phải nhờ anh em thương binh nhẹ kì cọ cả nửa tiếng mới sạch. Để gội đầu, tôi phải dùng túi giấy bóng quấn kĩ quanh cổ để nước khỏi thấm vào vết thương ! Tắm xong 1 đồng chí thương binh của D480 lục ba lô lấy ra 1 bộ quần áo cho tôi để mặc. May thế, nếu không thằng tôi đành cới truồng đón tết Quý sửu nhóe!
Đêm 30 tết, cả viện quây tròn lại nghe cụ Tôn Đức Thắng chúc tết đón giao thừa. Bác sĩ viện trưởng ra có mấy nhời động viên bọn tôi và rút ra 1 bao Điện biên bao bạc giơ cao lên và nói : - đây là quà của miền bắc tặng bệnh viện. Bọn tôi chia nhau 5 thằng 1 điếu. Phùng mồm lên rít thuốc, tê mê cả cái đầu , sướng ơi là sướng nhóe !
Qua tết dăm bữa, tôi bỏ viện tìm đường về đơn vị để kiếm miếng vì ở viện quá đói! Đói quá quên cả đau ở vết thương nhé các bạn ạ ! Kỉ niệm cái tết năm 1973 của tôi nằm viện ở chiến trường là thế.
Sau đó, báo quân khu 6 có đăng 1 bài báo nói về tôi: …” đồng chí T tuy vết thương chưa lành, nhưng với tinh thần cách mạng tấn công, đồng chí đã trốn bệnh viện tìm đường về đơn vị để được tiếp tục chiến đấu …”! Đọc được bài báo này tôi chửi thầm: tiên sư bố mấy anh nhà báo ! Đúng là “ nhà văn nói láo, nhà báo nói phét “!
Theo Trái Tim Người Lính