Đêm qua mơ thấy bố về!
Bố tôi vô cùng tức giận, mặt đỏ bừng vớ ngay thanh tre đực bà vẫn dựng ở góc hè nện cho anh tôi một trận tơi bời vì tội buổi trưa không chịu ngủ mà trốn nhà lấy nhựa mít dính chuồn chuồn!
Bố vốn dữ đòn và rất nghiêm khắc, lần này anh có chạy đằng trời cũng không thoát được cơn lôi đình chỉ còn cách úp mặt vào tường chịu trận mà thôi.
Bà tôi một mình chăm sóc và dạy dỗ một lũ cháu,bố mẹ tôi đi làm (công tác) thứ bảy mới về. Bình thường chị em mải chơi có thế để nhà của bừa bộn, nhưng riêng chiều thứ 7 thì phải tuyệt đối gọn gàng, sạch bong từ trong ra ngoài không một hạt bụi. Bố tôi mà thấy còn chỗ nào chưa sạch thì người bị mắng và ăn đòn đầu tiên sẽ là chị cả vì: Là chị mà không chịu bảo ban các em nên phải chịu trách nhiệm, cái lý của bố là như vậy!
Anh tôi ham chơi nên chủ quan, tưởng thế nào bố cũng ngủ trưa như mọi ngày nên tót đi theo đám bạn mà không hề biết bị bố đi theo ngay đằng sau lôi cổ về khi chưa bắt được con chuồn chuồn nào cả. Hôm đó anh ăn no đòn mà cả bà và mẹ tôi cũng không thể can ngăn hay đỡ đòn cho anh được. Khi ấy chắc anh khoảng 12 tuổi là cùng!
Sợ bố, anh trốn biệt đến tối cũng chẳng thấy mặt mũi đâu nhưng cả nhà đều nghĩ anh quanh quẩn bên các bác nên cũng mặc kệ. Đến 9 giờ tối, vẫn không thấy anh về, bà tôi phát hoảng cầm đèn đi tìm khắp xóm gọi tên cháu ời ời. Bà thương và chiều anh nhất nhà (cháu đích tôn mà) nên đứng ngồi không yên mang theo cây sào rõ dài để khua xuống ao xem anh có dại dột mà nhảy xuống đó không. Ở quê mọi người nói trẻ con mà đi lang thang buổi tối rất dễ bị ma rủ, có người tự mình chui vào bụi tre rồi kẹt cứng trong đó, có khi phải chặt cả bụi tre mới lôi được người ra! (bà tôi rất sợ anh bị ma rủi).
Mọi cố gắng của bà đều không có kết quả, đêm ấy bà tôi thức trắng. Sáng ra bà dậy sớm thổi cơm rồi nắm thành 7 nắm nhỏ cho vào cái mẹt cùng vài thứ hoa quả linh tinh trong vườn nhà mang ra đầu cổng thắp hương hú hồn, hú vía gọi anh về. Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu tại sao bà làm vậy, còn lúc đó mấy chị em thấy bà làm gì thì đều thành tâm làm theo với hy vọng anh tôi sẽ về chứ tuyệt nhiên không hề thắc mắc gì cả.
Mất cả ngày hôm đó, bà chẳng nuốt nổi miếng cơm ngoài việc nghĩ đến anh, nhìn bà héo hắt vì lo lắng chị em tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ra vườn vạch từng bụi đao (rong giềng) xem anh có trốn trong đó không thôi. Trẻ con trong xóm cũng được huy động đi khắp các ngõ ngách, ao hồ để tìm nhưng đều không thấy anh.
Buổi chiều, chị gái tôi thổi cơm, trong bếp hết không còn gì đun nên ra chỗ chứa củi dự chữ chỉ dành cho mùa đông và những ngày mưa gió lấy củi thì thấy anh nằm còn queo sát tận mái ngói. Người ngợm hôi sì và bẩn như con chuột cống. Bà tôi mừng rỡ lôi anh xuống mà nước mắt lưng tròng, sót sa hỏi han rồi sờ nắn khắp người chỉ sợ lỡ may anh bị rắn cắn (vì có hôm mẹ tôi bảo nhìn thấy con rắn cạp nong cạp nia trong đó) rồi lại sợ anh chết thành con ma đói. Anh tỉnh bơ trả lời không đói vì trong khi mọi người không có nhà anh đã kịp mò xuống ăn cơm nguội, nếu không sang nhà các bác ăn ngô bung, khoai luộc (Nhà các bác lúc nào cũng có một rổ ngô hoặc khoai luộc treo ngay chỗ hiên nhà).
Sau lần ấy, anh sợ bố tôi hơn. Còn bố tôi càng về già càng dễ tính và chẳng bao giờ nói nặng với các con nửa lời, khác hẳn ngày chị em tôi còn nhỏ. Đòn roi cũng thưa dần rồi hết hẳn. Những trận đòn của bố ngày xưa được mang ra kể mỗi khi có dịp cỗ bàn như những câu chuyện vui, như để nhớ lại những kỷ niệm ngày thơ ấu. Bà tôi không còn ở trần gian đã lâu lắm rồi, bố tôi cũng ra đi sau cơn đột quỵ mà chẳng kịp nói gì với các con. Anh tôi, dường như quá đau lòng sau sự ra đi của bà, rồi của bố đến nỗi tính tình trở nên lặng lẽ hẳn và dành hết tâm sức chăm lo hương khói, phần mộ cho bà và bố tôi cực kỳ chu đáo. Chị em tôi tin, ở đâu đó trên thiên đàng, bố tôi có thể mỉm cười và yên tâm về lũ con của mình.
Lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, nhớ lắm, cứ ngỡ bố đang chờ ở nhà nhưng lại xa xăm mãi tận nơi nào.
Theo Chuyện làng quê