Dẫu rằng sức khỏe đã yếu, trong người còn đó những vết thương chiến tranh, nhưng khi nhớ về một “thời khói lửa”, nhất là thời khắc của trận đánh 30/4/1975, trong con người cựu chiến binh Trần như có một sức mạnh diệu kỳ...
Thông tin đầu tiên chúng tôi tiếp nhận được từ Anh hùng LLVT Đinh Đức Dừa về người đồng đội của mình: Đây là 2 trong số 7 đặc công nước sinh sống tại Phù Yên và đều cùng ngày nhập ngũ là còn sống (4 người hy sinh, 1 đã mất). Nhắc tới Trần ngày đó (theo cách gọi của Anh hùng LLVT Đinh Đức Dừa), anh em đồng đội chúng tôi rất cảm phục tinh thần quả cảm và gan dạ của Trần. Thời còn là lính đặc công nước, Trần từng tham gia đánh chìm và làm hỏng nhiều tàu chiến của địch; từng bị bắt giam, bị tra tấn tại trại giam Phú Quốc nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” và rồi sau đó bị đày ra Côn Đảo. Nếu nói về sự gan dạ và “máu lửa” thì Trần là một trong số những người đó...
Tìm tới khối 8, thị trấn Phù Yên, là nơi sinh sống của gia đình cựu chiến binh Trần. Khi nhắc tới tên ông ai cũng đều biết tới biệt danh “Ông Trần đặc công”... Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trần, sinh năm 1949 tại một vùng quê nghèo của tỉnh Hưng Yên, năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai 20 tuổi Nguyễn Xuân Trần đã cùng nhiều thanh niên khác tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngày đó, gia đình ông có 3 anh em trai thì cả 3 đều đi bộ đội tại 3 chiến trường khác nhau. Trong đó, anh trai thứ 2 là liệt sỹ. Để ghi nhận những đóng góp đó, gia đình ông đã được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng “Bảng vàng danh dự”, trong đó có tên 3 anh em ông (và hiện vẫn đang lưu giữ ở quê nhà).
Với giọng nói hào sảng, ông Nguyễn Xuân Trần mở đầu câu chuyện: Lứa đào tạo đặc công nước chúng tôi có 100 người. Sau 1 năm được huấn luyện với nước sông và biển, chúng tôi chỉ còn 50 người được lựa chọn. Sau huấn luyện cho đến ngày 30/4/1975, tôi đã cùng đồng đội tham gia khoảng 60 trận đánh lớn nhỏ, kể cả trên cạn và dưới nước. Trong đó, mỗi lần được cấp trên giao nhiệm vụ đánh dưới nước là mỗi lần phải truy điệu sống. Bởi mỗi lần như vậy là chúng tôi đều xác định chỉ có hy sinh. Trận đánh dưới nước cuối cùng là vào đêm 4/5/1970. Khi đó, tổ chúng tôi gồm 3 người đã xung phong nhận nhiệm vụ đánh chìm một tàu chiến loại lớn nhất của địch đang neo đậu tại khu vực Châu Đốc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Khu vực tàu neo đậu thuộc sông Hậu Giang, từ bờ này sang bờ kia gần 1.500m và tàu chiến của địch đậu cách mép bờ bên kia khoảng 50m. Đây cũng là phía đặt bộc phá, bởi phía ngoài bao giờ địch cũng canh phòng nghiêm hơn. Với nhiệm vụ mang vác và đặt bộc phá nên sau khi 2 đồng đội hoàn tất các phần việc, tôi đã đặt khối bộc phá ở khu vực buồng máy, khoảng 1/3 phía đuôi tàu. Đặt xong bộc phá phải dùng răng cắn ngòi nổ rồi cắm vào vị trí giữa khối nổ, hẹn giờ nổ là 45 phút. Toàn bộ thời gian đặt khối bộc phá rồi cài ngòi nổ, hẹn giờ chỉ mất 5 phút... Kết quả trận ấy, bộc phá nổ, ngoài đánh hỏng được tàu chiến của địch, còn gây thiệt hại mấy chiếc xe tăng loại M48 của địch. Sáng hôm sau thấy người dân bàn tán “quân giải phóng đánh thuốc nổ gì mà sạt cả bờ sông xe tăng đỗ trên bờ bị rơi xuống sông”. Đang mạch kể, bất giác giọng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trần trùng xuống, vẻ mặt đăm chiêu: Sau trận đánh tàu chiến đó, tổ chúng tôi 3 người đã bị địch dùng cả một đại đội cùng chó nghiệp vụ truy đuổi và 2 đồng đội của tôi đã hy sinh, còn tôi chúng bắt sống để lấy lời khai. Đến ngày 1/6/1970, tôi bị đưa vào trại giam Phú Quốc, trải qua nhiều kiểu tra tấn tưởng không sống nổi, sau đó chúng đày tôi ra Côn Đảo. Đến tháng 3/1973, trao trả tù binh giữa 2 bên thì tôi được thả.
Vẫn giọng kể đầy cuốn hút, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trần, nhớ lại: Sau khi được thả, tôi tiếp tục xin trở lại đơn vị vào Nam chiến đấu cho đến ngày 30/4/1975, mặc dù lúc đó cấp trên cho phép được ở tuyến sau. Cũng trong giai đoạn này, là lính đặc công nước nhưng tôi đã cùng đồng đội tham gia rất nhiều trận đánh trên cạn để rồi sau đó góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Được đánh trận 30/4, nhưng phải đến sáng ngày hôm sau tôi mới biết miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bởi trước đó, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30/4, được lệnh của cấp trên chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ khu vực sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) để tránh địch phá hủy máy bay và rút chạy. Lúc đó, tôi đã áp sát một chiếc máy bay đang chuẩn bị tháo chạy. Do nhận được lệnh bắt sống phi công nên trong lúc truy đuổi tôi đã bị lãnh nguyên một quả lựu đạn M76 và bất tỉnh hoàn toàn. Sáng hôm sau, toàn thân băng bó, trong người còn nhiều mảnh đạn nhưng khi được đồng đội thông báo đất nước được giải phóng, tôi hạnh phúc vô cùng, nước mắt cứ vậy trào ra. Cái cảm giác hạnh phúc tột độ đó vẫn cứ theo tôi đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại...
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, cũng như những đồng đội của mình, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trần vẫn mang trong mình những vết thương chiến tranh và vết thương thường nhói đau khi trái gió trở trời... Năm nào cũng vậy, trong không khí của những ngày tháng tư lịch sử, những người lính như ông Trần lại bồi hồi nhớ về những đồng đội của mình, về một thời khói lửa đầy hào hùng của dân tộc.
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trần)
Theo Trái tim Người lính