Nhọc nhằn hạt gạo

Ngay từ khi đi học“vỡ lòng” khai tâm mở trí, thế hệ chúng tôi và các lớp đàn anh, đàn chị đã học thuộc lòng những câu thơ của“thần đồng” Trần Đăng Khoa viết về những người làm ra hạt gạo, tạo lên nếp hằn trong trí nhớ:

anh-4-1646016857.jpgHạt gạo ("Ngọc thực") như những hạt ngọc sáng long lanh.

 

Hạt gạo làng ta!

Có bão tháng bảy.

Có mưa tháng ba

Hạt mồ hôi sa.

Những trưa tháng sáu.

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ.

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy…

Để làm ra được cái hạt nhỏ nhoi và bình dị ấy, không chỉ có nắng, có mưa bão, mà còn có cái rét cắt da thịt, cấy không ra hàng lối cộng với bao giọt mô hôi. Thánh hiền đã tôn hạt gạo là“ngọc”. Các loại ngọc chỉ mang lại sự giàu có, sang trọng bề ngoài. Còn hạt gạo nuôi ta sống từng ngày và cả cuộc đời, nên được người xưa gọi là“ngọc thực”. Ngày dẫu qua nhưng bữa không qua. “Hạt gạo làng ta” là thứ không thể thiếu trong mỗi ngày từ làng quê đến phố thị. Vì tất cả muốn tồn tại đều cần phỉa “ăn”. Các phương thức sản xuất mới lần lượt ra đời, cùng với những lý luận“trọng" như:"trọng công”, rồi“trọng thương” đến“trọng sỹ”. Nhưng nền tảng của những cái“trọng” đó đều đứng trên bờ vai nông nghiệp. Từ xa xưa các bậc tiên hiền đã khuyên xã hội muốn ổn định phải“trọng nông”, được đúc kết thành câu:“Dĩ thực vi tiên” và“Phi nông hạ tắc loạn”. Dân gian lại có câu:“Nhất sỹ, nhì nông, hết gạo chạy rông hết nông nhì sỹ”. “Sỹ” là cái làm nên“nguyên khí quốc gia”, nhưng thiếu cái đổ vào nồi mỗi bữa thì“nguyên khí” đâu còn, vì “bụng đói đầu gối phải bò”. Còn cái“sĩ” của những kẻ hợm, cố khoe của kiểu“trưởng giả học làm sang”, mang ý nghĩa khác…

anh1-1646016896.jpgCấy vụ chiêm xuân

Những người lớn tuổi đã trải qua trận đói năm Ất Dậu (1945), mãi mãi kinh hoàng vì hàng triệu đồng bào ở miền Bắc, nhiều gia đình, dòng họ, cả một vùng thôn quê phải chết vì đói. Những năm chống thuế, chống Tây càn, rồi đánh Mỹ, hạt thóc đã thấm máu người nông dân. Những hạt“ngọc” sinh ra từ những thửa ruộng khô cằn, lên vai dân công đi chiến dịch Điện Biên, theo chiến sỹ“xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”, làm nên những chiến công hiển hách. Đến khi có Hợp tác xã, người làm ra hạt gạo bị cách bức bởi cơ chế.

Thóc mang về sân kho, điều phối bằng công điểm. Những năm đầu, ngày công tính bằng thóc còn cao, sau đó người nhiều thêm, ruộng đất có hạn, năng suất thấp, quản lý kém, làm cho giá trị bị hao mòn. Cả tháng quần quật“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mỗi người chỉ được vài cân thóc. Lớp lau nhau lao động phụ phải thức dậy từ 1 hoặc 2 giờ sáng ngồi quanh sân kho, néo cầm sẵn trên tay, chờ tiếng kẻng là ào ra đập lúa. Nhà có trâu hợp tác chỉ mong được chia nhiều rơm để tận thu thóc còn sót lại, thêm phần cho bữa ăn. Thóc được chia về cho gia đình phơi khô, hợp tác xã gọi loa thông báo ngày giao nộp. Nhà nhà đóng bao, kẻng báo từ 3 đến 4 giờ sáng là tức tốc mang thóc đến các kho lương thực xa hàng chục cây số để giao nộp. Gặp ông thủ kho khó tính cứ cắn chắt tỷ mỷ từng hạt thóc trong từng bao, được mới cho nhập làm mất đứt cả ngày, số điểm cũng giảm theo. Chán cảnh làm ăn tập thể, nhiều người lặng lẽ đi làm chui có thu nhập cao hơn để nuôi sống gia đình. Khi đất nước lâm vào khủng hoàng kinh tế, cơ chế bó buộc, nhà nông khó bề xoay sở….                   

Thời kỳ chống quân bành trướng chưa xa, những người lính chúng tôi hầu hết xuất thân từ nông thôn, quen việc làm đồng áng và ăn bằng gạo, nhưng lại phải nhai bột mì, rồi sắn để cầm súng. Mấy tháng trời, bột mỳ hẩm, sắn mốc ăn với mắm tôm kho riềng rừng mặn chát, cay rát họng vẫn phải nuốt. Ruột xót như sát muối vì thiếu gạo, thiếu rau, chỉ mong được ăn một bát cơm. Nhưng“gạo” chỉ dành cho những đồng đội bị thương, bị ốm nặng, mới được ăn bát cháo do đích thân chỉ huy ra lệnh xuất. Thế rồi cũng đến lúc thay đổi.“Khoán 100” ào tới, tác động ghê gớm, gắn với nhưng câu đáng buồn:“Hai sao một gạch, không bằng rạch cà chua” hay“Hai gạch một sao, không bằng sào khoán sản”.v.v… Phản ánh tâm trạng xã hội“dân không muốn là lính, lính không muốn làm quan”.

Rất nhiều người xin ra quân, rời bỏ hàng ngũ, nghề nghiệp gắn bó hơn nửa đời người để về lấy xuất ruộng khoán, với ước mong để gia đình đỡ khổ. Biến động đó làm nghiêng lệch cán cân“nông” và“sỹ”. Mỗi lần nhìn các con nấu cơm, thấy mà tiếc. Cơm nguội bị rắc trắng cả sân, chó không buồn ăn, gà không muốn nhặt. Tiếc của mà mắng: "Đó là“ngọc thực” thứ nuôi sống con người, đừng phung phí thế các con!". Lập tức bị chúng cự lại: "Lúc nào bố cũng nói chuyện ngày xưa. Bây giờ khác, cơm gạo đâu đã quý".

Thế là xung đột thế hệ nảy sinh ngay trong mái nhà. Chúng đâu có biết hàng triệu người đã chết vì thiếu thứ hạt trắng tinh khôi ấy và bao đồng đội lớp cha anh chỉ mong có được bát cháo. Xoay quanh hạt“ngọc thực” đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về“nhường cơm, xẻ áo” được lưu truyền. Ai đã từng đi cày, đi cấy, từng gặt lúa khi nắng rát lưng, nước lụt trắng đồng mới thấy hết ý nghĩa của câu ca dao mà tiền nhân đúc kết:“Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Đất nước ta nằm ở thế “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, thì bát cơm càng trở lên mặn mòi. Để làm ra hạt thóc, người nông dân phải đổ rất nhiều công sức và thời gian. Mưa thuận gió hoà mới cho thu hoạch, bao thứ được kết tinh vào hạt thóc. Mưa gió bất thường, nước ngập, nhìn lúa xanh bị nước cuốn, thật đắng lòng. Mùa vụ thuận thời, đi gặt dưới nắng hè cháy bỏng, hay khô nóng của tiết heo may, mồ hôi nhỏ xuống mắt cay xè, chảy xuống miệng mặn chát, áo đẫm, cầm lượm lúa trên tay như ôm trọn niềm hạnh phúc.

Ngoài gặt còn phải vận chuyển, đập, vò, phơi phóng, quạt xảy, chân tay phồng rộp, mùn thóc lẫm mồ hôi ngấm vào da thịt ngứa đến phát ban mà vẫn mỉm cười, bởi lẽ“Thóc vào bồ, rơm lên cây”....là chắc nhất. Hạt thóc làm ra khó khăn là vậy, có một thời gian khá dài của thời kỳ khoán 100, người ta trao đổi, mua bán đều lấy thóc làm“chuẩn”. Mua đôi lợn giống, tính ngang sang bằng thóc, có thì trả ngay, chưa có trả sau cũng được. Ông hàng xóm xe gạch về. Tôi hỏi: Mua ở đâu, giá cả thế nào ?. Ông thủng thẳng đáp: Đổi nghìn gạch để sửa nhà hết  tạ rưỡi thóc!.            

Ông bác họ, tậu “đầu cơ nghiệp” (con trâu), quý là vậy nhưng cũng chỉ chừng 6 đến 7 tạ thóc. Cần đạm, lân, ka ly cho sản xuất, Hợp tác xã đưa về ứng trước cũng tính bằng thóc, thu hoạch xong thì trả. Tết đến mấy nhà“ăn đụng”lợn, tính theo thóc đến lúc thu lúa chiêm thì trả. Người ta giúp đỡ nhau làm nhà, đám cưới, lo ma đều mang nồi thóc, cối gạo đến giúp nhau, góp lại có khi được cả tấn. Gia đình bán đi để chi tiêu, lấy đâu ra tiền mặt.

Còn vàng ư?. Thứ xa xỉ ấy rẻ lắm!. Một chỉ vàng chừng hai tạ rưỡi cho đến ba tạ thóc là cùng, chứ không leo mây xanh như bây giờ và những thứ nuôi sống người trở thành rẻ mạt. Vụ mùa năm trước, mỗi cân thóc giá 9.000 đồng, nhiều nhà để lại mong lúc giáp hạt được giá hơn, bất ngờ nay chỉ còn 7.500 đồng. Nhà nông lại bị mất mùa trong kho vì giá, vì ẩm mốc, vì hao hụt. Xót của nhưng chẳng biết làm thế nào - kinh nghiệm cho vụ sau ư?. Chưa chắc….!. Cái đói, cái rét dần qua đi, nhường chỗ cho sự no ấm, đủ đầy. Người ta đã nghĩ đến ăn ngon và mặc đẹp. Giá trị hạt thóc, đấu gạo cũng giảm nhanh, làm cho nhà nông nhiều phen phú quý giật lùi, vì giá cả vật tư sản xuất đầu vào ngày một cao qua mỗi vụ. Vụ chiêm năm trước một bao đạm U rê loại 50 kg giá khoảng 300.000 đến 320.000 đồng. Vụ này vẫn bao như thế đã là một triệu non. Giá đạm cao nhưng vào vụ sản xuất vẫn phải mua trong lòng tiếc hùi hụi, mà giá thóc đâu có tăng?.       

Thời kỳ“Văn minh công ty” tác động mạnh mẽ vào mỗi làng quê. Những cánh đồng qua ngàn đời cải tạo thành“bờ xôi, ruộng mật”, bỗng chốc trở thành khu công nghiệp, với xi măng, đất đá …sau đó là rền vang tiếng còi tầm. Nhưng không ít“cánh đồng vàng” đã bị hoang hoá, thành bãi thả gia súc bát ngát. Công nghiệp về tỉnh, rồi về làng, hút hàng triệu nông dân ra nhập giai cấp vô sản. Làng quê dần vắng vẻ, nhiều ruộng là niềm ao ước trước đây, nay trở thành nỗi lo thực sự. Người làng thường hỏi nhau con cháu làm ở đâu? mỗi tháng được bao nhiêu triệu?, ít trao đổi kinh nghiệm làm sao cho ngô thóc thêm nhiều.

Những cánh đồng xanh mướt qua mỗi vụ đông, là cứu cánh cho những vùng thuần nông nay bị hẹp dần. Người ta ngại vì thiếu nhân lực trồng, thu hoạch, đi bán, vì có lúc“bán không được, cho không xong”. Nguyên nhân được bà hàng xóm phân tích xem ra rất đơn giản: "Mỗi ngày, làm cho công ty“2 xô”(đi xách vữa) ở gần nhà cũng được 250.000 đồng, ở xa thì trên 300.000 đồng mỗi ngày. Cấy sào lúa, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết chừng 70 cân thóc. Thuê cấy, cày bừa, gặt, tuốt hết chừng 80 cân nữa. Vị chi hết tạ rưỡi. Năng suất 2 tạ mỗi sào, thì còn được 50 cân, thấp hơn coi như bị lỗ. May mà nhà nước đã miễn thuế nông nghiệp, không thì lỗ to".

anh-3-1646016984.JPGThu hoạch lúa

 

Nông dân thời @ bắt đầu chán ruộng, phát canh không có người nhận, vì làm sợ lỗ vốn. Tuy trong cảnh dư dả về lương thực, đât nước đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng đó đây vẫn còn cảnh đứt bữa lúc giáp hạt, Chính phủ phải cứu trợ cả ngàn tấn gạo. Mấy năm nay có chính sách“tam nông”, rồi xây dựng "Nông thôn mới", diện mạo làng quê có nhiều thay đổi, nhưng đời sống của nông dân cũng chưa hẳn khá. Ông bạn thưở để chỏm thường chép miệng ca thán: "Cái gì cũng lên giá, chỉ có thóc gạo là ngày càng rẻ thôi, cứ thế này làm cả đời cũng không thể khá được". Ông tỷ mẩn tính, chỉ ở nhà thôi cũng có bao thứ cần đến tiền như: mắm muối, tiền điện, tiền con cái học hành, tiền đóng góp xây dựng hạ tầng, tiền xin việc..v.v.. tất tật chỉ thấy lên chưa thấy xuống bao giờ. Ra khỏi cổng thì còn phải chi thêm bao nhiêu thứ: nào là xăng xe, tiền điện thoại, lệ phí, quà bánh thăm người thân ốm đau, cưới xin, ma chay ..v..v và ..v..v... Trong khi thóc có vụ, cây trồng có mùa, nếu không có những nguồn thu khác, chỉ nhìn vào hạt thóc thì cố mấy cũng khó thoát nghèo.

Dẫu đã có“trọng nông”, nhưng đời sống của những người làm ra hạt ngọc nuôi sống nhân quần vẫn còn bĩ cực. Còn biết bao trẻ em phải nhịn đói, mặc rét sáng đến trường học cái chữ, chiều phải lên nương trồng trỉa hạt thóc, hạt ngô. Còn rất nhiều nông dân vẫn bị đói lòng khi“tháng ba ngày tám”.

Nhiều thứ công cụ đã thay cho sức người làm ra hạt gạo, nhưng không thể thay toàn bộ quá trình. Cây lúa đứng trên đồng phải tính bằng tháng, bằng ngày cộng với mồ hôi mới có được hạt ngọc sáng long lanh. Từ năm 1990 trở lại đây, đất nước ta trải qua bao nhiêu biến cố của tự nhiên và xã hội như khủng hoảng tiền tệ đông Nam Á (1997), suy giảm kinh tế toàn cầu (2008-2010), rồi đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng vẫn đứng vững, bởi ta có ngành nông nghiệp mạnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế. Luôn cõng trên lưng cả xã hội, từ xưa đến nay thân phận những người làm ra“hạt gạo làng ta” thật nhọc nhằn, nhưng ít được trọng theo đúng nghĩa.