Hội nghị toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội được tổ chức trọng thể vào ngày 09/05/2004 tại hội trường TTXVN số 11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là Ủy viên BCH Trung ương Hội SVC Việt Nam, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương và Hội SVC các tỉnh/thành trong cả nước. Hội nghị vinh dự được đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.
Những ấn tượng về Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị này là nguồn cảm hứng lớn lao đã dẫn dắt lớp người trẻ tuổi như chúng tôi luôn gắn bó, dấn thân với hoạt động Sinh Vật Cảnh cho đến tận hôm nay và mai sau.
Hôm đó, các đại biểu về dự Hội nghị đến sớm, ngồi ổn định trong phòng họp hồi hộp chờ Thủ tướng đến theo lịch từ Văn phòng Chính phủ thông báo. Tranh thủ lúc Thủ tướng chưa tới, Nhà báo Đỗ Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội đang phổ biến về công tác Hội, thì ngoài cửa Thủ tướng Phan Văn Khải nhanh chân tiến vào hội trường với nụ cười tươi, dơ cao tay chào mọi người. Đại biểu đồng loạt đứng dậy và vỗ tay đón chào Thủ tướng làm cho không khí trong hội trường thật rộn rã ấm cúng thân tình. Thủ tướng đi hết hai dãy bàn đầu bắt tay thăm hỏi từng đại biểu là lãnh đạo Hội, đại diện các địa phương và dơ tay chào các đại biểu ngồi phía sau rồi mới trở về vị trí ngồi đã được BTC bố trí sẵn.
Nhà báo Đỗ Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội, lên tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu theo cách rất đặc biệt. Ai cũng nghĩ trong đầu, Nhà báo Đỗ Phượng sẽ giới thiệu Thủ tướng đầu tiên. Nhưng nhà báo Đỗ Phượng lại có cách giới thiệu khác khiến cả hội trường thêm hồi hộp. Ông giới thiệu các vị đại biểu là các bậc lão thành cách mạng cao niên trước rồi nghỉ một lúc mới cất cao giọng: "Và đặc biệt vinh dự cho Hội nghị của chúng ta hôm nay được đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải!". Ông vừa nói đến đây, pháo tay lại vang lên không ngớt trong hội trường. Thủ tướng đứng lên, quay theo các hướng, siết chặt hai tay vào nhau, dơ cao chào mọi người.
Sau bài phát biểu báo cáo về tình hình tổ chức Hội và phong trào SVC Việt Nam qua 15 năm thành lập của đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội SVC Việt Nam, là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải dài khoảng 45 phút. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe Thủ tướng phân tích tình hình sản xuất hoa cây cảnh trên mọi miền đất nước với những số liệu chi tiết, cụ thể đến những định hướng chiến lược phát triển ngành hoa cây cảnh để tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam hướng tới xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chụp ảnh lưu niệm với một số đại biểu dự Hội nghị ngày 09/5/2004
Đến tận bây giờ, khi chúng tôi lật dở lại những trang tài liệu, những bài báo, những đoạn băng thu âm về những nội dung bài phát biểu của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị này, vẫn thấy đầy xúc động và thấy những tư tưởng chỉ đạo vẫn còn nguyên tính thời sự.
Khi nói về vai trò của sinh vật cảnh không chỉ góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân mà còn góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sống trong lành cho cán bộ, hội viên và nhân dân, Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng vì chúng ta có hàng chục ngàn trang trại chuyên trồng hoặc trồng xen những vụ hoa, cây cảnh. Có hàng chục trang trại có quy mô từ vài héc ta đến 20 - 25 héc ta sản xuất hoa cây cảnh theo phương thức sản xuất tiên tiến. Hàng trăm ngàn lao động đã được thu hút vào sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh. Có nhiều điển hình đạt giá trị thu nhập cao từ sinh vật cảnh. Cũng như đồng chí Nguyễn Văn Trân vừa nói, có những gia đình chơi cây cảnh thu 50 triệu, 100 triệu, vài trăm triệu đến 800 triệu. Riêng ở Đà Lạt có cơ sở hàng năm thu 1 tỷ đồng trên một héc ta. Song điều có ý nghĩa trong hoạt động của Hội lại chính là tuyên truyền giáo dục trong hội viên và đông đảo nhân dân về tình yêu thiên nhiên, đất nước, nếp sống văn hóa trong ứng xử với thiên nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên, coi trọng giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng môi trường sống trong lành, bảo vệ và tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đưa sinh vật cảnh vào bệnh viện, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, gia đình, chùa, nhà thờ, tu viện, thánh thất...Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng cho tương lai của chúng ta, thực sự tạo ra nhiều giá trị mới cũng là điều mong muốn của chúng ta hiện nay. Nhưng vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, vấn đề đưa thành nếp sống văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì về lâu dài là vô giá đối với dân tộc Việt Nam..."
Thủ tướng cũng đã dành thời gian phân tích và chỉ ra những mặt hạn chế của tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh của nhiều địa phương: "Tuy nhiên hiện nay còn nhiều địa phương có truyền thống làm sinh vật cảnh, có nhiều cơ sở sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh nhưng chưa có tổ chức Hội để tập hợp hướng dẫn phong trào phát triển đúng hướng. Các cơ quan chính quyền và Hội ở một số địa phương chưa có quy chế phối hợp, đặc biệt là giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên môi trường, Văn hóa, thông tin, du lịch...theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/11/2001 đối với Đại hội lần thứ III của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam nên đã hạn chế tác dụng của Hội vào việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội của nhà nước...Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lích sử, nhiều vùng sinh thái đặc biệt quốc gia vẫn bị xâm hại. Nhiều cây cổ thụ có giá trị, nhiều loại phong lan, hoa, chim, thú quí hiếm chưa được chăm sóc vào bảo vệ...".
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ngày 27/11/2001
Thủ tướng dành thời gian nói về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và ông đặc biệt trăn trở về hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân, cũng như xem phát triển hoa cây cảnh là một hướng cần sớm được ưu tiên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: "Như các đồng chí đã biết, trong nông nghiệp đang đặt ra mục tiêu 50 triệu đồng/ha. Chúng tôi vừa làm việc với các đồng chí ở Bộ Nông nghiệp thì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi mới chỉ đạt 37 triệu đồng/ha. Nhưng cái khổ của Việt Nam là bình quân đất dai trên đầu người rất thấp như đồng bằng Bắc Bộ chỉ 300m2/đầu người nên nếu có đạt 50 triệu đồng/ha thì thu nhập vẫn thấp. Nên khi Hội Sinh Vật Cảnh mời tôi dự Hội nghị này tôi rất hăng hái. Bởi vì sao, nước mình người thì đông, đất thì hẹp, làm Sinh Vật Cảnh không chiếm diện tích lớn. Biết cách làm và làm giỏi, không cần diện tích nhiều mà thu nhập vẫn cao thì đó là một hướng đi tích cực cho đất nước chúng ta, cho nông nghiệp của chúng ta. Tôi lấy ví dụ người làm phong lan, có thể treo phong lan từ dưới đất lên tới nhiều tầng, phải tận dụng như vậy thì mới có thu nhập cao..."
Từ những lập luận và cơ sở thực tiễn mà Thủ tướng đã chỉ ra phương hướng phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như đẩy mạnh phát triển tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ mạng lưới và hội viên đến cơ sở thôn ấp, phố phường, các khu di tích lịch sử, bệnh viện, trường học, công sở, cơ sở tôn giáo, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện mục tiêu giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên để nơi nơi đều có cây cảnh tươi đẹp, đời sống văn hóa tâm linh phong phú và lành mạnh, xây dựng làng xã, phố phường văn minh, sạch đẹp, gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống bền vững của làng quê Việt Nam của nếp sống Việt Nam. Đặc biệt những cây cổ thụ ở mọi miền đất nước là những báu vật phải được chăm sóc, quản lý và bảo vệ chặt chẽ...để góp phần tôn tạo các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa của đất nước ta, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ngành du lịch sinh thái, thu hút du khách bạn bè thế giới đến thăm... Để xây dựng nagnhf sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh trờ thành ngành kinh tế sinh thái cần nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hoa cây cảnh Việt Nam trên thị trường hoa cây cảnh khu vực và thế giới".
Cuối cùng về tổ chức thực hiện những mục tiêu trên,Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành có liên quan, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, phối hợp và tạo điều kiện để Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu nêu trên.
Toàn bộ nội dung bài phát biểu quan trọng nêu trên của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại Hội nghị kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã được Văn phòng Chính phủ cụ thể thành Thông báo số 116/TB - VPCP ngày 08/06/2004. Từ nội dung Thông báo này, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Để đến hôm nay, Sinh Vật Cảnh ở nhiều nơi đã được cấp ủy và chính quyền đánh giá là một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, có đóng góp tích cực trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh là hướng mở trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với tầm nhìn và nhãn quan chính trị sâu sắc, trong những năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã dành nhiều quan tâm đến định hướng phát triển rau, quả, hoa cây cảnh hướng tới không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước mà còn là một giải pháp bảo vệ môi trường, gìn giữ và tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái thành ngành công nghiệp không khói làm giàu cho đất nước ta.
Và sự thực, sau hơn chục năm từ những chỉ đạo và những quyết định có tính lịch sử đó, đến nay hơn 4 triệu hội viên và người lao động trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh nói riêng, ngành Nông nghiệp, ngành Du lịch nói chung đã có thể tự hào về những đóng góp của mình trong thành tích xuất khẩu ngành rau, quả, hoa cây cảnh lên 3,5 tỷ USD (vượt cả xuất khẩu dầu thô) và doanh thu ngành du lịch đạt gần 23 tỷ USD trong những năm gần đây.
Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi làm việc với Hội SVC Việt Nam in trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc
Hà Nội, ngày 19/3/2018