Những khúc ca Xuân ý nghĩa

Cứ bước vào tháng Chạp, Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ lại lên đường phục vụ người dân. Với những thông điệp ý nghĩa, giai điệu Xuân vui tươi, rộn rã, chương trình văn nghệ tuyên truyền đã gửi trọn chủ đề “Vui Xuân lành mạnh - an toàn - tiết kiệm”, mang Tết sớm về với mọi nhà.

"Trồng hoa để góp phần cho: Nhà nhà rực rỡ sắc Xuân. Cần Thơ đón Tết không ngừng vươn lên", lời nhân vật trong tiểu phẩm "Rực rỡ sắc Xuân" vừa dứt, khán giả vỗ tay rào rào, ai cũng vui vẻ với một câu chuyện ý nghĩa. Đó là chuyện của ông Hai và bà Ba cùng là nông dân trồng hoa ở làng hoa truyền thống của thành phố. Vì đố kỵ không muốn "đối phương" hơn mình nên "không ai bảo ai", họ sai con lén bỏ thuốc để hại hoa Tết của nhau. Thế nhưng, Thái - con bà Ba và Vẹn - con ông Hai lại thương nhau nên họ đã thay bằng phân thuốc dưỡng cây. Kết quả, vụ Tết này, ông Hai và bà Ba đều trúng đậm, thương lái và đơn vị thi công đường hoa thu mua hết. Chuyện vỡ lẽ, ông Hai và bà Ba đều thấy cái sai của mình, tự nhủ hàng xóm phải cùng giúp nhau để làng hoa phát triển hơn. Thái và Vẹn cũng nắm tay nhau hẹn "ra Giêng anh cưới em".

Tiết mục ca múa “Hát cùng nàng Xuân” trong chương trình.

 

Câu chuyện đơn giản nhưng được tác giả Hoài Minh bố cục hấp dẫn, đưa vào lối diễn và lời thoại bông đùa, hài hước nên khán giả thấy thú vị. Ngoài tiểu phẩm, chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động Tết còn có nhiều tiết mục hay như "Hát cùng nàng Xuân", "Phút giao thời", "Ngày Tết Việt Nam", "Cần Thơ chào Xuân về"… Đặc biệt, việc chêm xen những ca khúc đang được giới trẻ yêu thích, ví dụ như "Để Mị nói cho mà nghe", đã thu hút rất đông khán giả đến xem trong mỗi chương trình.


Tính đến hôm nay, 3-1, chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động với chủ đề "Vui Xuân lành mạnh - an toàn - tiết kiệm" đã phục vụ được 3 cuộc tại quận Thốt Nốt (29-12), huyện Cờ Đỏ (30-12) và huyện Thới Lai (31-12). Địa điểm nào cũng vậy, từ chập tối bà con đã rủ nhau đi coi hát, đến trước để có chỗ ngồi xem lý tưởng. Tiết mục nào cũng nhận được rất nhiều tràng pháo tay từ bà con. Chú Nguyễn Văn Hoàng, người dân phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, nói: "Chương trình ngắn gọn, súc tích mà ý nghĩa lắm. Câu chuyện tình làng nghĩa xóm, sự vun vén cho nghề truyền thống cùng những phong tục truyền thống ngày Tết là điều dễ cảm nhận". Còn em Nguyễn Huỳnh Thảo My, 12 tuổi, ngụ phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thì vui vẻ: "Xem các cô chú diễn, coi thấy nôn Tết quá chừng!".

Biểu diễn văn nghệ tuyên truyền lưu động mừng Xuân là hoạt động thông lệ của Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ vào dịp cuối năm. Năm nay, chương trình được dàn dựng hiện đại, công phu, ứng dụng kỹ thuật trình chiếu, phông màn, sân khấu đẹp hơn nên tạo được sức hút với khán giả. Đặc biệt, năm nay là năm đầu Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước chuyển từ Nhà hát Tây Đô về Trung tâm Văn hóa thành phố nên Đội Tuyên truyền lưu động có thêm nhân lực, nhiều nghệ sĩ, diễn viên có nghề. Một điểm ghi nhận nữa là do có sự chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ và các địa phương có điểm diễn nên khâu đón tiếp khán giả chu đáo, an ninh trật tự được đảm bảo.

Theo kế hoạch, chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động mừng Xuân này sẽ được biểu diễn phục vụ 15 suất. Ngoài 3 suất đã diễn, từ nay đến mùng 7 Tết, chương trình sẽ diễn phục vụ tại: UBND xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (3-1), Khu dân cư Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (9-1), UBND phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (10-1), Xã Đội Tân Thới, huyện Phong Điền (13-1), Nhà văn hóa thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai (14-1), Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận Ô Môn (15-1), công viên Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (16-1), Trung tâm Thương mại huyện Phong Điền (17-1, nhằm 23 tháng Chạp), chợ 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (20-1, nhằm 26 tháng Chạp), bờ hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều (27 Tết), khu dân cư vượt lũ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (28 Tết), công viên Bến Ninh Kiều (mùng 7 Tết). Các suất diễn bắt đầu từ 19 giờ.