Những kỷ niệm khó quên với cụ Cù Văn Chước

Buổi gặp tình cờ giữa anh với nhà báo Đỗ Văn Phú, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Tri Ân, nguyên cán bộ A25 (Bộ Công An) đã gợi lại bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên với cụ Cù Văn Chước.

bac_chuoc123

Một cuốn sách viết về cụ Cù Văn Chước của Nhà báo Đỗ Văn Phú

1. Vinh dự được giới thiệu làm giao liên cho "Thư đồng của Bác"

Nhớ vào một ngày đầu năm 2003, Nhà báo Đỗ Phượng viết một lá thư tay giới thiệu người giúp việc thân thiết tên là Vương Xuân Nguyên làm "giao liên thân tín" với cụ Cù Văn Chước. Nhà báo Đỗ Phượng giới thiệu: "Anh Cù Văn Chước, người giúp việc gần gũi nhất bên Bác Hồ suốt 15 năm tại Phủ Chủ tịch. Các đồng chí lãnh đạo đương thời vẫn thường gọi thân mật là "Thư đồng của Bác", riêng nguyên Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu lại gọi là "Một người con tinh thần của Bác Hồ".

Hôm đó, tôi cầm thư đến một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm giữa phố Vạn Bảo để gặp cụ Chước. Cậu học trò mới ra trường, tay cầm thư tim đập chân run bao lo lắng và những hình dung về một người có một vinh dự lớn thay cả triệu người gần gũi, giúp việc Bác suốt 15 năm tại Phủ Chủ tịch.

Vừa đặt chân đến cửa nhà, đã nghe thấy tiếng dép cao su và sau đó là lời chào nồng hậu: "Chào anh bạn. Cậu có phải là Vương Xuân Nguyên người của ông Phượng giới thiệu đến không?".

Tôi đáp: "Dạ phải...Con là Nguyên được cụ Đỗ Phượng giới thiệu đến để từ nay con làm giao liên giữa hai cụ ạ!".

Tôi vừa dừng lời cụ vỗ vai nói tiếp: "Thôi từ nay đừng xưng hô như thế cho khách sáo. Cứ gọi là chú cháu cho thân mật. Chúng ta là người một nhà, đều là con cháu của Bác cả. Mừng cho cậu tuy còn ít tuổi mà được gần gũi ông Đỗ Phượng, một nhà báo được Bác Hồ ít sửa bài sau khi đọc. Cụ Chước và ông Phượng có rất nhiều kỷ niệm trong những ngày vinh hạnh được phục vụ Bác Hồ. Ý ông Phượng muốn cậu thỉnh thoảng đến chơi với tớ và ghi chép lại những chuyện cũ có liên quan đến công tác báo chí...".

Kể từ đó, tôi thường xuyên qua thăm cụ Chước để trò chuyện và hỏi cụ những câu chuyện đời thường giản dị về tấm gương đạo đức và phong cách Bác Hồ. Càng ngày tôi càng bị hấp dẫn bởi những câu chuyện về Bác. Chỉ riêng những câu chuyện về lối sống hòa đồng với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh của Bác ở khu ao cá nhà sàn cũng đủ giúp tôi hoàn thành một bộ sách.

bacchuoc9

Cụ Cù Văn Chước (vị trí dấu đỏ) và cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Tết Nguyên đán năm 1963; Ảnh Tư liệu

2. Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

Cụ Chước kể cho anh về lối sống hòa đồng với thiên nhiên và Sinh Vật cảnh của Bác Hồ. Với Bác thiên nhiên không chỉ làm cho cuộc sống của Người thêm phong phú, trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh quan thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà còn xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước và mang tính nhân văn sâu sắc.

Nói về cây trong vườn Bác, cụ Chước đã lấy ra tấm bản đồ được đánh dấu chi tiết những loại cây trước trồng mới sau khi Bác về sống ở Phủ toàn quyền sau gọi là Phủ chủ tịch. Không chỉ có vậy, cụ còn dẫn anh sang Khu di tích Phủ Chủ tịch chỉ từng gốc cây và kể lại bao nhiêu câu chuyện về Người trong quá trình chăm sóc chúng.

Cụ giải thích, trước khi Bác Hồ về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây), khu vườn ở đây không có nhiều loại cây. Sau một thời gian Người về, những khoảng đất xung quanh nhà sàn được dần dần cải tạo thành khu vườn trồng rau, trồng cây ăn quả (vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, cam, táo hồng... ), cây hoa (nhài, mộc, ngọc lan, dâm bụt, phong lan...) và một số loài cây khác (cọ dầu, tre, trúc cây xanh bốn mùa, cây bụt mọc...).

Mỗi cây trong vườn cây Bác Hồ là một kỷ niệm, một câu chuyện, một bài học mà Bác muốn gửi cho mai sau: Cây Vú sửa gắn với hình ảnh miền Nam trong tim Bác; Cây xanh bốn mùa được Bác Hồ mang từ nước ngoài về mong muốn Thành phố bốn mùa xanh tươi, người lao công đỡ vất vả quét lá đếm khuya; Cây Đa kiên trì gắn với lời dạy về lòng kiên trì của Người: "Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó anh em đặt tên cho cây đa này là cây đa kiên trì"...

bac1

Cụ Cù Văn Chước thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngoài những cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh..., trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một màu sắc, hương thơm, một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng dâm bụt “đỏ hoa quê”, gợi nhớ cảnh làng Sen quê Người. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bưởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài... toả hương thơm ngát khắp khu vườn. Những cây hoa ban màu trắng, màu tím được trồng xen kẽ trong vườn như những nét chấm phá làm tăng sự sinh động, phong phú của vườn cây. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi, buông sát mặt nước, hoa sữa toả hương thơm ngát, ngọt ngào. Quanh ngôi nhà 54 là những cây hoàng lan, ngọc lan hương thơm dịu ngọt và giàn ti gôn với những chùm hoa đua sắc tím hồng. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh ngôi nhà sàn luôn phảng phất hương thơm của hoa vườn.

Sau nhiều ngày xem lại những tài liệu và ra thực địa khu vườn của Bác Hồ, cụ Chước chia sẻ: "Bác của chúng ta là vậy. Gần gũi với nhiên nhiên, yêu thiên nhiên, coi thiên nhiên là nguồn cảm hứng sáng tạo...Nhưng tất cả đều chỉ có mục đích phục vụ nhân dân không phải dành riêng cho mình...Lối sống hòa đồng với thiên nhiên và yêu Sinh Vật Cảnh của Bác với khát vọng làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, đời sống vật chất là tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Tư tưởng đó được thể hiện qua phong trào Tết Trồng cây do Người khởi xướng và phát động ngày 28/11/1959..."

Từ những lời huấn thị của cụ Chước, anh ghi chép lại rất cần thận và về trao đổi lại với nhà báo Đỗ Phượng. Trên những cơ sở đó, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2010), Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh" nhằm tổng kết phong trào Tết Trồng cây và tư tưởng của Bác về một cuộc cách mạng cảnh quan, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống trong lành qua phong trào này.

bh123

Một cuốn sách với nhiều tư liệu do cụ Cù Văn Chước cung cấp

3. Thăm TP. Hồ Chí Minh

Nhớ về Festival Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2006 được tổ chức quy mô toàn Quốc nhằm chào mừng "Tết Thống nhất", Ngày Quốc tế lao động và ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Nhà báo Đỗ Phượng giao anh một nhiệm vụ không kém phần nặng nề. Đó là tháp tùng và đảm bảo an toàn cho cụ Cù Văn Chước vào thăm TP. Hồ Chí Minh.

Vào thăm Thành phố mang tên Bác, cụ Cù Văn Chước mang theo một món quà rất đặc biệt. Đó là một nhánh của cây Bụt mọc được tách ra từ vườn của cây Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Những ngày tham dự Festival Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Đỗ Phượng và cụ Cù Văn Chước cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp của họ với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam nhưng cuộc sống đời thường lại rất đỗi giản dị. Hai cụ kể cho nhau về những cảm nhận của mình về "Tết Thống nhất" đầu tiên của Đất nước. Các cụ vô cùng vui mừng chứng kiến những đổi thay của Thành phố mang tên Bác sau hơn 30 năm giành trọn vẹn non sông. Festival Sinh Vật Cảnh hội tụ hàng ngàn tác phẩm tiêu biểu từ mọi miền đất nước đã nói nên phần nào cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện. Giữa công viên Tao Đàn, hai cụ khoác vai nhau đi trong tiếng cười và miền vui cùng những người nghệ nhân, doanh nhân đến từ mọi miền Tổ quốc.

cu11

cu_chuoc111

Cụ Cù Văn Chước và Nhà báo Đỗ Phượng thăm Triển lãm SVC tại TP. Hồ Chí Minh năm 2006

4. Hướng dẫn viết báo theo phong cách Bác Hồ

Cho đến tận bây giờ anh vẫn nhớ như in những lời chỉ dạy của cụ Chước đối với anh khi mới bước vào nghề báo. Anh không bao giờ dám nghĩ mình lại có được niềm vinh hạnh lớn lao khi được gần gũi và được chỉ dạy về cách viết báo theo phong cách Bác Hồ từ một người giúp việc phụ trách công tác quản lý, điểm báo hàng ngày gần gũi Bác Hồ.

Cụ Chước lưu ý anh rằng, nghề báo là nghề đặc thù, ngòi bút là loại vũ khí sắc bén có thể cứu người và cũng có thể giết người. Vì vậy người cầm bút cần phải có cái tâm trong sáng và luôn nhớ ba phương châm khi cầm bút Bác đã dặn: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, rồi mới đến Viết như thế nào? Văn phong phải giản dị, trong sáng ai đọc cũng có thể lĩnh hội được. Tựu chung phong cách báo chí của Bác Hồ được thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Bác căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, phải có điều tra, nghiên cứu kỹ, nếu không đúng thì không nên viết.

Thứ hai, viết cho đúng đối tượng: Bác dạy: “Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”. Với Bác: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Song, viết cho các học giả và chính khách quốc tế, Bác lại viết một cách uyên bác, lập luận khoa học, chặt chẽ...

Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.

Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc. Muốn vậy, theo phong cách của Bác, viết cần dùng hình ảnh, lối ví, như: Chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi”, có đức mà không có tài thì chỉ như “ông bụt ngồi trên chùa” không giúp gì được ai.

Cu1231

Cụ Cù Văn Chước (người ngoài cùng bên trái) cùng cụ Đỗ Phượng lưu niệm với đoàn Nghệ nhân Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh năm 2006

Thứ năm, viết có tính chiến đấu: Bác Hồ là một tấm gương sáng về phong cách thẳng thắn, nêu cao tính chiến đấu với chủ nghĩa đế quốc và phê bình đồng chí của mình. Bác còn thể hiện tính thẳng thắn với chính mình, mỗi khi có việc làm chưa tốt, Bác nhận trách nhiệm tự phê bình...

Thứ sáu, khiêm tốn, giấu cái tôi: Bác kể lại về những ngày đầu làm báo của Bác ở Pháp: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không có tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người “viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”.

Thứ bảy, Nhà báo cách mạng theo Bác không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng. Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”, “phò chính trừ tà”, “là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”, “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”...

Thứ tám, không ngừng nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức. Bác Hồ khẳng định: “Một tờ báo không được đa số “dân chúng” ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem...

n1

Tác giả bài viết (bên phải) là Nhà báo Đỗ Văn Phú ôn lại những câu chuyện về cụ Cù Văn Chước

5. Lời dặn cuối trong bệnh viện

Những ngày cuối tháng 6 năm 2007, cụ Cù Văn Chước phải nằm bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội chữa bệnh tuổi già. Vào một buổi chiều, anh cùng vợ bụng mang dạ chửa tháng thứ 7 vào thăm cụ. Vừa vào tới cửa phòng cụ đon đả tươi cười ôm hôn và thăm hỏi hai vợ chồng anh thật xúc động. Cụ nói: "Một mình bố cháu vào thăm ông là được rồi lại còn mang cả vợ con vào thăm ông xúc động quá...! Đến thăm ông là quý lắm rồi, quà bố cháu phải mang về tẩm bổ cho thằng cò để ông vui".

Rồi một lát sau, cụ bảo vợ anh ra ngoài phòng để dặn dò riêng anh mấy việc quan trọng: "Với Bác chúng ta phải cố gắng học tập và rèn luyện suốt đời không bao giờ hết được. Có điều gì chưa làm theo Bác được ngay hoặc chưa có điều kiện làm theo ngay thì chí ít cũng đừng làm trái, làm ngược lại. Trước mỗi thông tin, mẩu chuyện, bài viết về Bác cần trung thực tránh suy diễn. Cháu về nhắc với ông Phượng hai việc đừng quên nhé: Một là, hãy viết lại, nói lại, truyền đạt lại tinh thần bài nói chuyện của Bác trong hội nghị chính trị đặc biệt do ông Phượng chuẩn bị mà Bác không dùng một từ nào (Bác chỉ dùng ý không dùng từ). Hai là Bác muốn Đại tướng sau khi thác quay về quê hương Quảng Bình. Cháu cứ nói vậy, ông Phượng tất sẽ hiểu mọi chuyện...".

Anh không thể ngờ đây lại là những lời nói cuối cùng của cụ đối với anh trước khi cụ ra đi về với cõi Bác Hồ vào ngày 30/6/2007 cũng ở tuổi 79!

Anh tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Hạ Hòa, Phú Thọ trong tay cầm bài báo "Thư đồng Cù Văn Chước về với Bác Hồ" của Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN mà lòng thổn thức nhờ về một con người giữ trọn đạo hiếu của "một người con tinh thần của Bác Hồ", nhớ về người Cộng sản trung kiên tiết liệt đến hơi thở cuối cùng!