Ông Viên “không điên”
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phan Huy Chú (tổ dân phố 4, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông), chúng tôi đã gặp được trò chuyện cùng ông Trần Văn Viên. Hiền lành, nhã nhặn, vui vẻ, dễ gần… là những gì chúng tôi cảm nhận được từ người đàn ông gốc thành Nam, từng phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Viên nói, trước đây nhiều người cứ bảo ông là “điên”, bởi chỉ có “điên” mới đi vận động người nghiện ma túy từ bỏ “nàng tiên nâu” tái hòa nhập cộng đồng, một công việc vô cùng nguy hiểm, tốn nhiều thời gian, công sức…, trong khi lại không được trả lương. Thành quả đến nay cho thấy ông Viên không hề “điên”, từ 54 người nghiện (năm 2000), đến nay trên địa bàn phường chỉ còn 17 người nghiện và không có trường hợp phát sinh mới.
Lùi về quá khứ, ông kể, năm 2000, khi tham gia đội bảo vệ dân phố, ông nhận thấy tình hình an ninh trật tự trong phường khá phức tạp, nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên, chủ yếu là do người nghiện hút gây ra. Nhiều gia đình vì có người nghiện mà tan cửa nát nhà, vợ chồng, con cái bất đồng, ly tán, đau lòng hơn là có những người nghiện là con em của cựu chiến binh. Trăn trở về thực trạng đáng buồn này, ông đã đề xuất cùng các hội viên Hội CCB và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường thành lập Câu lạc bộ phòng, chống ma túy và tệ nạn vì gia đình. Sau đó, vào năm 2009, với nòng cốt là Câu lạc bộ, UBND quận Hà Đông đã thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu do UBND phường Yết Kiêu quản lý và ông được bầu làm đội trưởng. Gần đây, ông và những thành viên trong Đội cũng đã được trợ cấp một số tiền nho nhỏ mỗi tháng theo Đề án của thành phố, tuy nhiên so với nỗ lực bỏ ra thì số tiền đó không đáng là bao.
Khi chúng tôi nêu thắc mắc không hiểu động lực nào khiến ông và các thành viên trong đội làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, thì nhận được câu trả lời dõng dạc của ông: “Thời gian phục vụ trong quân ngũ giúp tôi có thêm bản lĩnh, không ngại khó, không ngại khổ, cùng sự điềm tĩnh nhất định để có thể theo đuổi công việc này. Phải khẳng định đây là công việc không dễ, đòi hỏi phải có tình yêu thương, sự bao dung cũng như tính kiên trì, nhẫn nại, khéo léo như một cuộc đấu trí căng não. Đó là chưa kể chúng tôi luôn phải đối diện với những lời thách thức, đe dọa từ các đối tượng buôn bán ma túy và một số người nghiện. Nhiều người đã ném đá, ném chất bẩn vào cửa nhà tôi, rồi nhắn tin đe dọa, thế nhưng chúng tôi không ai lùi bước”.
Trong phòng khách của ông Viên, chúng tôi quan sát thấy ông đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen năm 2011 và 2015, cùng nhiều bằng khen của Bộ Công an, quận Hà Đông về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến việc này, ông bảo, đừng vội vui mừng, bởi đây là công việc cần có bài bản, lộ trình, vì thực tế người nghiện rất dễ “ngựa quen đường cũ”. Ông cũng nêu ý kiến rằng, để người nghiện có thể tái hòa nhập cộng đồng thì phải tạo công ăn việc làm cho họ, như làm các nghề lái xe taxi, mở cửa hàng rửa xe, mở hàng nước, bán quần áo, làm thợ xây... Muốn vậy, theo ông, các cấp chính quyền, gia đình người nghiện và toàn cộng đồng xã hội phải quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Địch “thích” giúp người khác
Rời căn nhà của ông Viên, chúng tôi đi khoảng 3 km đến nhà ông Nguyễn Hữu Địch (tổ dân phố 4, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông). Ở tuổi 80 nhưng ông vẫn rất mạnh khỏe, nhanh nhẹn, nhiệt tình, xông xáo với các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng. Ông Địch cũng là một cá nhân tiêu biểu trên địa bàn quận Hà Đông khi được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, năm 2019.
Đằng sau mái tóc bạc, khuôn mặt gầy gò, khắc khổ là hình ảnh một “ông lão” luôn lạc quan, yêu đời và thích giúp đỡ người khác. Bên chén trà nóng, ông Địch kể, nhiều năm nay ông chở xe ôm miễn phí cho bệnh nhân, đa phần là người nghèo, đến khám ở một số bệnh viện trên địa bàn quận Hà Đông và khu vực lân cận, như: Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Đông, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Quân y 103... với lý do: “Người bệnh đi bệnh viện đã khổ lắm rồi! Mình giúp được người ta tí nào hay tí đây các cháu à!”.
Không những vậy, ông còn nhặt nhạnh mũ bảo hiểm mà người ta vứt đi rồi mang về giặt sạch, sửa lai quai nếu bị hỏng để làm từ thiện. Tầng 2 của căn nhà với mặt bằng rộng khoảng trăm mét vuông của ông thênh thang, rộng rãi là thế, nhưng khi được chủ nhân của nó mang về chất đống hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm cũ lại chật chội biết bao nhiêu. Đó thành quả mà mỗi ngày ông kiên trì đi từng nhà xin từng chiếc mũ bảo hiểm cũ để thực hiện ước mơ của mình là “cho các cháu học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa đi học, rồi chăn trâu, kiếm củi, đội mũ bảo hiểm vào cũng an toàn hơn”. Với ông mỗi chuyến xe chở mũ bảo hiểm đi là ông cảm thấy nhẹ lòng và càng hạnh phúc hơn khi ở nơi người nhận báo là những chiếc mũ của ông làm các em rất thích thú. Rồi không chỉ tích trữ mũ cho những trẻ em vùng sâu, vùng xa, ông còn xin quần áo cũ để mang đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
Khi chúng tôi ái ngại về việc ông tích trữ số lượng lớn mũ, quần áo cũ ở trong nhà mình như thế thì việc sinh hoạt của gia đình sẽ rất bất tiện thì ông gạt đi rồi bảo: “Có chi mà bận tâm”. Rồi ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình: “Năm 1959, khi mới 17 tuổi, tôi đã tham gia thanh niên xung phong mở tuyến đường chiến lược 12B Hòa Bình. Hồi ấy dù công việc rất vất vả, thậm chí hiểm nguy nhưng theo lời kêu gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ, tuổi trẻ nào có ngại chi. Ngày hôm nay cũng vậy, tôi làm việc thiện không phải vì cái danh mà xuất phát từ cái tâm, bằng tinh thần, trách nhiệm cống hiến của thế hệ thanh niên xung phong khi xưa”.
Cảm động biết bao, đáng quý biết bao, trân trọng biết bao khi chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện cùng ông Viên, ông Địch. Chúng tôi cảm nhận được “lửa” đam mê, nhiệt huyết đang hừng hực cháy trong trái tim họ. Rồi đây chúng tôi sẽ ra trường và bước vào đời với biết bao khó khăn, thử thách, thậm chí cả những nghiệt ngã, nhưng chúng tôi tin rằng xã hội vẫn còn có những tấm gương sáng, những điều tử tế, để bản thân nỗ lực trở thành những người có ích cho xã hội.