Những người nghèo nhân cách

Việc ban tổ chức chương trình ATM gạo của tỉnh Hà Tĩnh đã phải tạm dừng việc phát gạo để rà soát người đến nhận, đã khiến cho cộng đồng rất bức xúc.

Gần 5 tấn gạo đã được cây ATM của Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh phát cho người dân trong sáng 22/4. Ảnh: Gia Hưng.

Gần 5 tấn gạo đã được cây ATM của Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh phát cho người dân trong sáng 22/4. Ảnh: Gia Hưng.

Sở dĩ có việc trên là vì có rất nhiều người hoặc là đi ô tô hạng sang, hoặc trên người đeo đầy vàng cũng đến nhận gạo...

Những cây ATM gạo được lập ra là để giúp đỡ những người nghèo, những người “được bữa hôm lo bữa mai”, những người “ráo mồ hôi là hết tiền”. Trong mùa đại dịch này, vì phải cách ly để chống dịch, nên những hạt gạo cũng “cách ly” luôn với nồi cơm của họ.

ATM gạo chính là một loại hình từ thiện. Mỗi người đến nhận gạo được bấm nút một lần. Và mỗi lần bấm nút, máy ATM sẽ nhả ra từ 1,5 đến 2 kg gạo. Số gạo đó, nếu quy ra giá trị thì chỉ đáng 30 ngàn, bằng một cốc cà phê sáng của người khác.

Với những người nghèo, mỗi ngày chỉ kiếm được dăm ba chục ngàn, lại bị mất việc làm vì đại dịch Covid-19, thì số gạo đó thật ý nghĩa.

Còn với những người đi ô tô và đeo vàng kia? Đã đi ô tô và đeo vàng, thì chắc chắn là người giầu rồi. Họ không thiếu ăn thiếu mặc. Có cách ly xã hội vài tuần chứ vài tháng, thậm chí vài năm, họ cũng chẳng sao.

Nhưng vì sao họ vẫn đến, và vẫn ngửa tay nhận một vài kg gạo, những suất gạo dành cho người nghèo? Mỗi suất gạo vào tay họ, nghĩa là một người nghèo khác mất phần, và ngày hôm đó gia đình người đó bị đói.

Câu trả lời chỉ có thể là: đó là những kẻ tham lam. Những kẻ giàu tiền của nhưng lại nghèo nàn đến thảm hại về nhân cách. Nói như nhà văn Nam Cao thì đó là những người đã quên hẳn chữ “cho” trong đời sống của mình nhưng lại khắc cốt ghi tâm chữ “nhận”.

Nhận và vơ vét. Họ vơ vét cả của tư lẫn của công, vơ vét bất cứ thứ gì. Dưới mắt nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì đó là những kẻ “ăn của dân không từ một thứ gì”. Lòng tham đã khiến họ mất cả liêm sỉ.

Chính lòng tham đã khiến cho những con dê giảm nghèo “đi lạc” vào nhà lãnh đạo huyện, những con gà giống, bò giống giảm nghèo “đi lạc” vào nhà cán bộ xã. Chính lòng tham đã khiến một ông nọ quên cả cương vị ủy viên thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch HĐND huyện để rồi tuy thường trú ở xã này nhưng lại sang xã khác kê khai gian dối để trở thành nạn nhân chất độc da cam/đi ô xin, để nhận mấy đồng tiền trợ cấp.

Hơn thế nữa tuy chẳng tham gia chiến đấu ngày nào nhưng vẫn “chạy” để vào hội cựu chiến binh, và dù nhà đã giầu nứt dố đổ vách, có đến 2 ô tô con, hàng ngày vẫn cưỡi ô tô con đi làm, nhưng vẫn dùng thủ thuật để nhận không những một mà hai lần nhà tình nghĩa, vốn là của hội cựu chiến binh dành cho những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhìn hình ảnh cưỡi ô tô, đeo vàng lúc lỉu đến nhận vài cân gạo từ thiện được camera ghi lại. Không biết con cái những người đó có đảo mắt tìm một lỗ nứt trên mặt đất để chui không?

Bạn đang đọc bài viết Những người nghèo nhân cách tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.