Thực tế sáng tác thơ ca cho thấy, với một tác giả bất kỳ, tập thơ ra sau chưa hẳn đã vượt được “cái” ra trước. Đó gọi là sự trồi sụt của sự viết. Cũng là lẽ bình thường trong “nghề chữ” (theo cách nói của Nguyễn Tuân). Nhưng với Ngọc Lê Ninh, thật đáng mừng, khi tập thơ thứ ba Hạt mưa thầm, vẫn thấy tác giả giữ được phong độ, giọng điệu, ý tứ và câu chữ.
Tập thứ ba không hoàn toàn mới, có một số bài đã từng in ở các tập trước. Nhưng khi đứng vào “đội hình” mới vẫn ăn nhập, hài hòa và quấn bện. Con số 38 bài thơ của Hạt mưa thầm, tôi nghĩ, là một cách tuyển chọn ban đầu. Một cách thử sức (gọi là “phép thử”) trên chặng đường dài gập ghềnh của sáng tạo thơ ca. Điều đáng nói hơn cả, chính là người làm thơ là một cá thể đa nhân cách, nên thơ đa dạng về giọng điệu, bút pháp, hình thức.
Có thể chia Hạt mưa thầm thành mấy “kênh” sau đây: Thơ trữ tình công dân (Thơ mất ngủ, Tiếng bút trong đêm, Sóng gào, Hồn thiên tạo, Tình mẹ suối nguồn, Lời ru vũ trụ, Thành phố mùa bia, Mênh mông miền Trung, Chuyện mộc miên, Hạt mưa thầm, Miền hư ảo,...); thơ trữ tình riêng tư (Hàm số tình, Cứ yêu đừng ngại, Tình lốp, Tình chay, Khi tình yêu vùng dậy, Gông tình, Dự tình, Bản thảo tình, Dấu lặng yêu, Đèn tình, Tình quặng,...); thơ cảm hội thế giới tự nhiên (Mắt xuân, Gió xuân, Lời ru vũ trụ, Quả thơ, Áo thu rơi, Dự rừng,...).
Nếu theo sở thích cá nhân thì, tôi thích “kênh” 3, rồi đến 1 và sau rốt là 2. Cũng có thể tôi không giống người khác khi thẩm bình thơ Ngọc Lê Ninh (ví dụ khác Sương Nguyệt Minh, người viết Thay lời tựa, bắt đầu từ “kênh”1, rồi đến 2 và không có 3).
Bắt đầu từ Mắt xuân. Tôi thấy người thơ cảm thức vũ trụ, tự nhiên thật âu yếm, nồng nàn, nâng niu:
“Mùa xuân về như anh đến với em
Gieo nắng ấm giục chồi lên xanh mắt
Nghe Mai, Đào nở tình yêu dào dạt
Hương giăng đường đất nước ngập tràn xuân”.
Bốn câu đầu chưa có gì thật đặc sắc để nói lên tâm cảm người thơ. Để nói lên cái nhạy bén, nhạy cảm, tinh tế của người thơ trước tạo vật. Nhưng từ khổ thơ thứ hai thì rất khác:
“Kìa em yêu!
Mạ thức dậy ngoài sân
Rễ non khẽ trườn mình trong gió rét
Tay em bẻ từng mảng bùn xanh mạ
Ta xuống đồng cấy kịp buổi đầu năm
Anh lội bùn theo máy cấy cùng em
Tay chuyển mạ vương nắng hồng lên má
Trang sách đồng hiện bao dòng chữ lạ
Chim xoe tròn mắt biếc giữa trời xanh”.
Tôi không cho rằng cả khổ thơ thứ 2 và 3 đều hoàn mỹ. Nhưng rất nhiều cảm xúc tươi xanh, óng nuột. Có những câu thơ hay như “rễ non khẽ trườn mình trong rét giá”, “trang sách đồng hiện bao dòng chữ lạ”. Lâu nay ta quen với cách viết “trang sách đời”. Mấy ai viết “trang sách đồng” như Ngọc Lê Ninh. Tuy nhiên đến khổ 4 và 5 thì không có gì đặc biệt khi Ngọc Lê Ninh viết theo kỹ thật “Như mắt em mắt mùa xuân sâu thẳm”.
Tôi cũng thích bài Gió xuân vì khi đọc tự nhiên thấy mình được hòa vào một thế giới thanh sạch, trinh nguyên đối chọi với thế giới thực xô bồ, ồn ào, bụi bặm, hỗn mang thường nhật:
“Ơ kìa! Gió đã về
Mân mê chùm khế ngọt
Líu lo ngàn chim hót
Nhảy nhót mừng xuân sang
Nặng trĩu cành táo vàng
Rộn ràng tia nắng ấm
Mưa cười rơi lấm tấm
Đậu trên đầu muôn nơi (...)
Xuân bay theo lời ca
Đến nhà nhà gõ cửa
Bao người dậy nhóm lửa
Cùng gió xuân bập bùng
Xuân vác cuốc ra đồng
Đậu trên lưng mẹ cấy
Mạ xuân cười run rẩy
Chấm xuống bùn xôn xao”.
Theo quan điểm/phương pháp “phê bình sinh thái” (ecocriticism) thì, Ngọc Lê Ninh có công kéo con người về gần bà mẹ tự nhiên vĩ đại khi mà con người thời hiện đại đang ngày một kém dần trí thông minh, trở chứng tấn công vào tự nhiên. Cảm hứng vũ trụ trong bài thơ Lời ru vũ trụ đã chứng minh bình phẩm của tôi về thơ Ngọc Lê Ninh.
Giọng thơ nhẹ nhàng, hài hước, lay động tâm tư con người ở hạ giới:
“Đêm nay ngồi tựa gốc đa
Nhìn lên má chị Hằng Nga nhọ rồi
Thằng Sao Chổi cướp ngang trời
Mẹ Ngân Hà khóc khẽ rơi giọt buồn
Bố Trời mất việc đi luôn
Chị Sao Thủy trốn nhà luôn chẳng về
Em Sao Kim khóc não nề
Đợi anh Sao Hỏa mải mê rượu chè
Ông Sao Thổ ngã chân què
Nằm nghe gió kể một bề tham lam
Bà Sao Mộc quát vênh hàm
Chỉ tay một ngón vì làm quan to
Cô Thiên Vương đã lỡ đò
Trái tim lạnh lẽo co ro góc trời
Cậu Hải Vương kiện tơi bời
Bác Diêm Vương trốn về chơi cuối đời
Ngồi nghe vũ trụ bao lời
Vọng về Trái Đất cùng tôi chợt buồn”.
Đây là một bản “hợp xướng” trong thơ. Tuy bề ngoài là viết về thiên nhiên tạo vật nhưng bên trong là nói về nhân tình thế thái. Đúng thôi. “Thơ nào cũng là thơ thời sự” (Gớt). Nhưng tôi muốn nói đến bộ “xiêm áo” tác giả khoác cho thơ, trong trường hợp này, thật đắc sách, đắt giá, đắt hàng.
Sở dĩ tôi đặt tên bài viết là Những quả thơ của Ngọc Lê Ninh, vì tôi và nhiều người thích bài Quả thơ. Ai đó nói ngây thơ rằng đây là thơ viết cho thiếu nhi (!?). Thế thì chả nhẽ phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi? Cơn cớ vì sao người lớn trên hành tinh này vẫn cứ mê xem Hãy đợi đấy của Nga, Tom và Jery của Mỹ,...
Tôi muốn nói đến sự quan sát tỷ mỉ, đã đành, nhưng cao hơn là tinh tế về tự nhiên tạo vật:
“Vườn thu thủ thỉ tiếng thơ
Ả Na nghếch mắt lẳng lơ nhìn đời
Hồng em má dậy bồi hồi
Mấy cậu Ổi chín đứng ngồi chẳng yên
Thị buồn vàng nhạt cái duyên
Xác xơ phận Mít truân chuyên trái mùa
Đầu sư Bòng, Bưởi lên chùa
Trách đời nhạt nhẽo ông Dừa thở than
Úp mặt vào đất Dưa van
Lũ Chôm Chôm vểnh cong hàm vuốt râu
Sầu riêng khóc với duyên đầu
Xoài treo kỷ niệm ngả màu vàng thu
Thanh Long mặt giận đỏ lừ
Hồng xiêm kén mãi bây chừ theo ai
Vải, Nhãn giả bộ mình nghèo
Nhà Doi ọp ẹp vắng teo suốt ngày
Uy quyền Phật Thủ chỉ tay
Quýt, Cam mặt nạc, đóm dày sợ ai
An thân Đu Đủ ngủ dài
Chua ngoa Chanh, Khế ra oai mắng chồng
Hận đời Dứa láo mắt trừng
Bọn Nho giàu sụ dửng dưng với người
Nhe răng Lựu ôm bụng cười
Vợ chồng nhà Chuối đẻ mười nải con
Vườn thu ăm ắp trăng tròn
Bảy mâm quả kể cỏn con chuyện đời”.
Tôi buộc lòng phải ghi lại cả bài thơ, cũng biết sẽ làm mất thì giờ của quý độc giả. Thậm chí có người còn nói là tôi câu giờ. Đành lòng vậy cầm lòng vậy. Quả thơ quả nhiên là một “cẩm nang tự nhiên” về bốn mùa hoa trái trên đất Việt. Bài thơ này có thể, theo tôi, đưa vào SGK cấp Tiểu học. Tôi có quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng chưa thấy có bài thơ nào viết cho trẻ nhỏ theo kiểu này.
Nếu so với Quả thơ mang phong vị dân gian, như là một thứ “đồng dao hiện đại” thì Áo thu rơi có hương vị của thơ lãng mạn thời tiền chiến:
“Gió bất chợt luồn tay vào khóm lá
Chim giật mình ngơ ngác mắt màu thu
Mây sà xuống đồi non hôn hối hả
Áo thu rơi bờ cỏ đẫm sương mù
Nghe tí tách xôn xao dòng suối chảy
Đã vươn mình lừng lững vút trời cao
Run trời đất trộn hòa nhau hết thảy
Mưa bay bay hương thơm tỏa ngọt ngào”.
Tôi nghĩ, đọc thơ Ngọc Lê Ninh ở “kênh” 3 này, độc giả sẽ được “thanh tẩy” tâm hồn. Sẽ được hướng thiện, hướng mỹ, hướng chân. Sẽ được tăng cường mỹ cảm, tăng sức đề kháng bằng liệu pháp tinh thần để chống đỡ nạn ô nhiễn văn hóa. Nhiều người nói đúng “Việt Nam đang là một bãi rác của thế giới, trong đó rác thải văn hóa là nặng nề nhất, đáng lo âu nhất”.
Vĩ thanh về Quả thơ của Ngọc Lê Ninh. Có thể tác giả không “sướng” khi tôi chỉ viết về “kênh” 3, chú trọng tới bà mẹ tự nhiên vĩ đại. Ô hay! Đó là đặc sắc của tập thơ thứ 3 của Ngọc Lê Ninh. Những phương diện thành công khác thì đã có người khác viết tận tình, tỷ mỉ rồi. Với lại như các cụ nói chỉ có đúng “văn mình vợ người” (!?). Chỉ mong khi tập thơ thứ tư ra đời, tôi lại tiếp tục được viết phê bình thơ Ngọc Lê Ninh. Tại sao không (?!)
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh sinh năm 1969, quê ở Hải Nhân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, là Tiến sĩ khoa học kỹ thuật, hiện đang công tác tại Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Anh cũng đã xuất bản 3 tập thơ: Vỡ cùng hy vọng (NXB Hội Nhà văn - 2016); Chưa thể đặt tên (NXB Hội Nhà văn - 2017); Hạt mưa thầm (NXB Thanh Niên - 2018). Ngọc Lê Ninh còn nhiều lần xuất hiện trên Sân thơ Trẻ (Ngày thơ Việt Nam ) và đọc thơ tại các trường đại học. Mới đây anh đã đoạt giải thơ của Hội nhà văn Quốc tế năm 2019 - IWA BOGDANI. Anh đã có 30 bài thơ dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và được đăng trên các báo và tạp chí của các nước. Đặc biệt, trong những ngày giữa tháng 7 năm 2021, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 ở các tỉnh phía Nam và lan ra cả nước, Nhà thơ, Tiến sĩ Ngọc Lê Ninh cho ra đời tác phẩm âm nhạc "Hành khúc mặt trận Corona" để lại tiếng vang lớn khi đã kịp thời cổ vũ tinh thần cả nước chung tay phòng chống đại dịch COVID19. |