Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (năm 2010 đạt 13 triệu đồng/người). Năm 2020, Hà Nội phấn đấu 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ hàng Nông sản, Thủ công mỹ nghệ (OCOP) sâng 21/9/2019
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP Hà Nội 10 năm qua đã gặt hái nhiều thành công. Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi thay, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Chủ trương đúng đắn không chỉ đẩy nhanh tiến trình về đích nông thôn mới cho các địa phương còn nhiều khó khăn, mà còn tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.
Kết quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy tính tích cực, sáng tạo, chủ động, tạo động lực để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Phong trào “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên” đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp, với sự ủng hộ lớn của người dân, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo cho khu vực nông thôn. Trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình của Thành ủy đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn từ Thành phố đến xã, thôn và người dân được trên 85 nghìn lượt người. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã cũng đã tổ chức tập huấn cho các hội viên, thành viên và nhân dân hiểu rõ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 02 của Thành ủy với số lượng hàng nghìn lượt người/năm.
Số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới với số lượng xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch với mục tiêu đề ra. Đến năm 2019, Thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Nếu như năm 2010, toàn thành phố chưa có xã nào đạt 19/19 tiêu chí thì đến tháng 6/2019, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu đề ra). Thành phố phấn đấu đến hết năm 2019, hoàn thiện hồ sơ công nhận 3 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ) và thị xã Sơn Tây đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đã đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hà Nội là địa phương đầu tiên lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp. Kết quả dồn điền đổi thửa 10 năm qua vượt 105% so với mục tiêu kế hoạch. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, giúp cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân...
Toàn thành phố có trên 5.500 ha chuyên canh hoa cây cảnh
Huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính. Hưởng ứng phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ gần 14.741 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2010-2019 là 76.364.937 triệu đồng (hơn 76 nghìn 364 tỷ đồng), trong đó riêng ngân sách Thành phố: 25.871.660 triệu đồng (hỗ trợ trực tiếp: 10.236679 triệu đồng, vốn lồng ghép: 15.634.981 triệu đồng).
Cơ cấu cây trồng vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã "bứt phá” ngoạn mục, đạt nhiều kết quả khả quan về định hướng sản xuất vùng, miền; xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ... Sau dồn điền đổi thửa, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Thủ đô đạt trung bình 2,23%/năm. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn,… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%. Nhiều vùng rau, quả và chăn nuôi của Thành phố cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm,… với giá trị 0,5-1 tỷ/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1-2 tỷ/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Thủ tướng biểu dương những sáng tạo của Nghệ nhân Sinh Vật Cảnh Thủ đô
Hà Nội cũng là địa phương đi dầu của cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng triển khai càng minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp địa bàn Hà Nội. Đến nay, toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; Mô hình sản xuất giống và hoa Lan Hồ điệp của hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng,... giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả đến nay toàn Thành phố có 134 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, điển hình như: Ứng Hòa có 24 mô hình, Gia Lâm 18 mô hình, Đông Anh có 14 mô hình, Quốc Oai có 9 mô hình, Sóc Sơn có 9 mô hình, Mỹ Đức có 8 mô hình,...Các mô hình liên kết này đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; công tác xây dựng nông thông mới đạt kết quả tích cực. Các tiêu chí điện, đường, trường trạm...đều đạt kết quả cao, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao hơn. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được chú trọng. Nông thôn được phủ sóng điện lưới Quốc gia và thông tin liên lạc. Giáo dục 3 cấp (Mầm non, Tiểu học, THCS) được phổ cập. Hạ tầng nông thôn ngày một đồng bộ, kiên cố.
Thủ tướng bên tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoàn toàn bằng Nông sản Việt của Học viện Nefertiti
Nhiều chính sách hỗ trợ đã được thành phố lồng ghép, thực hiện có hiệu quả, vừa giúp người dân nông thôn thoát nghèo vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,8%. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn của Hà Nội tăng gần 3,7 lần sau 10 năm (từ 13 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 tăng lên thành hơn 47 triệu đồng/người/năm vào khoảng tháng 6/2019).
Phát triển văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô được quan tâm chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước đổi mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã được định hình trước đây với Cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa” và tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Phong trào xây dựng Làng văn hóa được xác định là nội dung chính trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Hệ thống các thiết chế văn hóa hoạt động có hiệu quả đã thu hút số lượng lớn quần chúng, nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.